Sống đẹp: Vun bồi lòng nhân ái từ những bài học yêu thương

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
23/08/2024 13:57 GMT+7

Nằm trong chuỗi hoạt động của cuộc thi Sống đẹp lần 4, sáng 22.8 tại TP.HCM, tọa đàm Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái do Báo Thanh Niên và Trung tâm kỹ năng sống NQH (SKILL) đã được tổ chức, nhằm tiếp tục nuôi dưỡng lòng nhân ái, giáo dục bài học yêu thương, sự san sẻ ngọt bùi và sống luôn biết cho đi ở những người trẻ.

Tham dự buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo Báo Thanh Niên có nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên. Về phía nhà tài trợ có ông Ngô Đăng Đức, Phó giám đốc Phòng Marketing Công ty CP Tôn Đông Á; bà Chế Ngọc Bảo Trân, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục NQH; bà Nguyễn Thị Vân, Phó chủ tịch Hội đồng hương Quảng Ngãi; các nghệ sĩ: ca sĩ Ngọc Ánh, nhạc sĩ - thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương, cùng đông đảo học viên Trung tâm kỹ năng sống NQH (SKILL).

Sống đẹp: Vun bồi lòng nhân ái từ những bài học yêu thương- Ảnh 1.

Các khách mời giao lưu (từ phải qua): thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương, bà Chế Ngọc Bảo Trân, diễn giả Kim Sao Nhua, ca sĩ Ngọc Ánh

Khẳng định ý nghĩa nhân văn của cuộc thi Sống đẹp và tính thiết thực của buổi tọa đàm, Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ: "Dù cuộc sống thường nhật còn nhiều lo toan, bộn bề quanh chuyện "cơm áo gạo tiền" mưu sinh nhưng xã hội vẫn luôn xuất hiện nhiều tấm gương tốt, những hành động đẹp hết lòng vì cộng đồng. Đặc biệt, hôm nay chúng ta có dịp được gặp gỡ và giao lưu với anh Mai Lê Duy Quang (quê Quảng Ngãi), cùng với anh Phan Văn Tài và anh Trương Văn Thành (hai anh đều là nhân viên lái xe Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Bình Dương). Thật vui và ý nghĩa khi cả ba "người hùng" cứu tài xế xe hơi bốc cháy trong vụ tai nạn tại dốc cầu Phú Mỹ đều có mặt tại đây. Chính sự hiện diện của các anh ở đây đã đem lại cho chúng ta thật nhiều cảm xúc".

Sống đẹp: Vun bồi lòng nhân ái từ những bài học yêu thương- Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, phát biểu tại tọa đàm

Là đơn vị đồng tổ chức, bà Chế Ngọc Bảo Trân cho biết: "Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái, đúng như chủ đề hấp dẫn của buổi tọa đàm hôm nay, là cùng nhau bàn cách trao gửi yêu thương, tạo nên giá trị lớn và vun bồi lòng nhân ái để cuộc đời ngày càng tốt đẹp. Chúng tôi vui mừng được đồng hành với Báo Thanh Niên chung tay lan tỏa đến cộng đồng những giá trị của tình yêu thương qua các hành động thực tế, để mỗi cá nhân là một hạt giống yêu thương gieo khắp cộng đồng, ai cũng luôn sẵn lòng sẻ chia, đồng cảm và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống".

LUÔN NUÔI DƯỠNG NHỮNG "HẠT GIỐNG TÂM HỒN"

Nhạc sĩ - thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương mang đến tọa đàm một băn khoăn lớn: "Yêu thương là bản năng của con người, tại sao phải học?".

Tác giả ca khúc Sài Gòn tôi sẽ hóa giải: "Thuở xa xưa, những gì thuộc về bản năng thì không cần phải học, nhưng rồi qua thực tế dần dần chính cha ông lại khuyên răn, có sự điều chỉnh cho phù hợp: Học ăn, học nói, học gói học mở. Học, bây giờ các bạn trẻ còn phải học cách ăn sao cho khỏe, học nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, rèn lỗi chính tả… Trong những bài dạy của mình, Dương hay nói về tích cực độc hại. Đó là gì? Bản thân không ổn nhưng mình luôn tỏ ra là ổn. Vậy, liệu có công bằng với bản thân không? Phải nhìn nhận ra vấn đề thực tế, kể cả ganh tị với người khác cũng cần đối diện mà không cố chối bỏ. Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Cuộc đời không chỉ nên chọn cái vui để sống mà còn phải học cách an ủi, chia sẻ với người khác".

Sống đẹp: Vun bồi lòng nhân ái từ những bài học yêu thương- Ảnh 3.

Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái, đúng như chủ đề hấp dẫn của buổi tọa đàm hôm nay, là cùng nhau bàn cách trao gửi yêu thương, tạo nên giá trị lớn và vun bồi lòng nhân ái để cuộc đời ngày càng tốt đẹp. Chúng tôi vui mừng được đồng hành với Báo Thanh Niên chung tay lan tỏa đến cộng đồng những giá trị của tình yêu thương qua các hành động thực tế, kể cả ganh tị với người khác cũng cần đối diện mà không cố chối bỏ.

Bà Chế Ngọc Bảo Trân, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục NQH

Đồng tình với quan điểm trên, chị Hà Nguyễn Hoài Ny, Phó giám đốc SKILL, đúc kết: "Từ việc biết cách thể hiện những tình cảm trong thế giới quan của mình thông qua lời nói, hành vi mỗi ngày, các em dần nuôi dưỡng những hạt giống yêu thương trong tâm hồn, để rồi hạt giống đó sẽ lớn lên từng ngày theo sự phát triển. Từ trong nhà, trong trường học ra đến ngoài xã hội, các em biết cách chủ động bày tỏ tình cảm của mình. Khi gặp những người có hoàn cảnh khó khăn thì các em sẵn sàng giúp đỡ, hay có lòng trắc ẩn khi nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh. Không chỉ đơn giản là một kỹ năng thể hiện tình cảm, mà đó còn là cách đối nhân xử thế giữa người với người, tiếp nối những truyền thống nhân ái "thương người như thể thương thân" của ông cha ta ngàn đời nay".

Vừa trở về sau chuyến đi lưu diễn nước ngoài dài ngày, ca sĩ Ngọc Ánh (với vai trò làm mẹ) sau 2 bài hát sôi động làm nóng khán phòng, đã có những chia sẻ chân thành về kinh nghiệm trong việc hỗ trợ con gái nhiều kỹ năng sống: "Là ca sĩ, tôi phải thức khuya dậy sớm, chạy sô nhiều nên thời gian bên con rất ít. Vì vậy, tôi luôn dạy cháu bản tính tự lập. Mỗi ngày đi học, con phải hẹn đồng hồ báo thức để không bị trễ học. Gặp bạn nào bắt nạt là phải báo cô giáo để uốn nắn ngay. Nghe lời tôi, cháu trưởng thành nhanh, mỗi khi gặp trở ngại gì đều có thể tự mình vượt qua mà không cần dựa dẫm vào mẹ. Thậm chí, một lần ngồi trên ô tô, khi nhìn thấy sợi tóc mình rụng trên ghế, tôi lén mở cửa xe bỏ ra ngoài đường là bị cháu phê bình ngay. Ý thức của thế hệ trẻ buộc người lớn cũng phải hoàn thiện mình hơn".

Diễn giả Kim Sao Nhua đặt ra vấn đề hiện nay các bạn trẻ, đặc biệt là gen Z, như một thế hệ sống gấp gáp, đôi khi có sự thờ ơ vì chưa có giải pháp để yêu bản thân. "Vừa trồng cây, vừa trồng người nhưng cũng phải có chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện. Tôi xuất thân từ nhà nghèo nên cố gắng làm quần quật đến khi có kinh tế dư dả lại vướng sức khỏe. Giới trẻ không nên sống vội vã mà đôi khi cho mình cơ hội chậm lại, mở lòng mình ra lắng nghe những lời khuyên bảo có ích hơn là ngồi phán xét người khác. Hãy trồng thật nhiều chậu cây, cố gắng bỏ công sức chăm sóc đầy đủ hằng ngày. Mỗi khi nhìn chồi non lộc biếc lớn lên thì lòng người sẽ dần lắng đọng, chiêm nghiệm", cô Kim Sao Nhua tâm sự.

TRAO YÊU THƯƠNG, NHẬN HẠNH PHÚC ĐONG ĐẦY

Sự xuất hiện của 3 "người hùng giữa đời thường" gồm anh Mai Lê Duy Quang và hai tài xế của Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Bình Dương là anh Phan Văn Tài, anh Trương Văn Thành khiến buổi giao lưu càng thêm sôi động. Trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn ở dốc cầu Phú Mỹ (TP.HCM) chiều 8.8 mới đây, cả ba anh quên thân mình trước sự bủa vây đe dọa của ngọn lửa, dũng cảm lao vào hiểm nguy, kịp thời cứu người tài xế thoát khỏi chiếc ô tô bốc cháy chỉ trong tích tắc. Xong việc, cả ba "người hùng" đều đi làm bình thường như chẳng có gì xảy ra.

Sống đẹp: Vun bồi lòng nhân ái từ những bài học yêu thương- Ảnh 4.

Anh Mai Lê Duy Quang

Ai ngờ, vừa về đến công ty, anh Mai Lê Duy Quang nghe mọi người cho biết anh đang… nổi tiếng trên mạng, khi đó anh mới vội vàng mở điện thoại xem video clip do người cháu gửi đến. "Xem đi xem lại vào buổi tối cùng con gái, tôi mới thực sự xúc động. Hai mắt lúc này cứ rưng rưng muốn khóc. Tôi chia sẻ cho con gái, với ước mong đã truyền đạt bằng thực tế việc của chính mình từng làm để con lớn lên hướng đến những hành động tốt của cha, ghi sâu đậm vào lòng hơn là những lời dạy bảo suông hằng ngày", anh Quang bộc bạch.

Trả lời câu hỏi tò mò của MC Trúc Huỳnh: "Lúc hành động ra tay cứu người, anh có nghĩ gì không?". "Người hùng" Mai Lê Duy Quang nói anh chẳng kịp nghĩ gì hết. "Chỉ thấy người bị nạn đang lâm nguy là ra sức cứu thôi. Ai trong trường hợp này như tôi cũng hành động vậy mà, chứ tôi không phải làm để nổi tiếng", anh Quang nói.

"Người hùng" Trương Văn Thành thì có đôi lời ngắn gọn gửi đến các bạn trẻ: "Dù mình là ai, đang đi phương tiện gì, thậm chí đi bộ, nếu thấy người gặp nạn cũng phải ra tay cứu giúp. Hãy luôn phát huy khả năng sở trường của mỗi người. Cuộc sống chẳng biết được phía trước là điều gì, tập học trao gửi yêu thương đi thì sẽ nhận lại hạnh phúc đong đầy, để cho cuộc đời này luôn tràn đầy lòng nhân ái".

Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối, nhà văn Trần Nhã Thụy xúc động: "Các anh đã xuất hiện đúng lúc, nghĩa hiệp và dũng cảm với phẩm chất cao đẹp được bộc lộ đúng lúc khiến mọi người ngưỡng mộ. Tất cả chúng ta đều có cơ hội trở thành anh hùng. Và các bạn trẻ trong khoảnh khắc nào đó đều có thể trở thành anh hùng giữa đời thường".

Thông qua nhiều tấm gương Lục Vân Tiên giữa đời thường như các anh Mai Lê Duy Quang, Phan Văn Tài, Trương Văn Thành bước ra từ những câu chuyện thật diễn ra hằng ngày, tọa đàm Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái hướng đến "câu chuyện" thời sự hơn về giáo dục kỹ năng sống tại VN cho các bạn trẻ. Cùng bàn luận về thực trạng giáo dục kỹ năng sống hiện nay, từ đó đi tìm các xu hướng và chương trình giáo dục kỹ năng sống phù hợp cho thế hệ gen Z, giúp các bạn trẻ học cách yêu thương và vun bồi lòng nhân ái, phát triển nhân cách tốt hơn; bởi đôi khi do nhịp sống quá tất bật, hối hả mà đâu đó vẫn còn một số bạn trẻ còn thờ ơ, vô cảm với người khác.

Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn

Sống đẹp: Vun bồi lòng nhân ái từ những bài học yêu thương- Ảnh 5.

Từ trái qua: Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, bà Nguyễn Thị Vân - Phó chủ tịch Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM, nhà văn Trần Nhã Thụy trao tặng quà cho anh Phan Văn Tài, anh Trương Văn Thành và anh Mai Lê Duy Quang

ĐỘC LẬP

Trao 60 triệu đồng tặng các "người hùng" nghĩa hiệp

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 4 do Báo Thanh Niên tổ chức, với sự đồng hành của nhiều thương hiệu lớn: Công ty CP Tôn Đông Á, Hệ thống giáo dục NQH, Công ty TNHH điện tử Meliwa, Công ty CP đầu tư Thiện Hạnh. Tính đến ngày 20.8, cuộc thi đã nhận được 250 bài dự thi của các tác giả trên cả nước ở các thể loại: ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, ảnh. Trong đó, các địa phương như Hà Nội (20,4%), TP.HCM (14,4%), Phú Yên (5,6%) là những tỉnh thành có số lượng người tham gia đông đảo nhất. Độ tuổi của các tác giả cũng rất đa dạng, nhỏ nhất 12 tuổi và lớn nhất 84 tuổi. Qua ngòi bút và góc máy sáng tạo, các tác giả dự thi đã giới thiệu nhiều tấm gương người tốt việc tốt, những dự án cộng đồng mang tính nhân văn, truyền cảm hứng sống đẹp, góp thêm nhiều "bông hoa" cho "vườn hoa" tươi thắm của lòng nhân.

Ban tổ chức đã chọn lọc và giới thiệu 76 bài viết hay đăng trên Báo Thanh Niên. Hiện cuộc thi vẫn tiếp tục nhận bài dự thi đến hết ngày 30.9.2024. Tổng giá trị giải thưởng gần 400 triệu đồng.

Dịp này, nhà văn Trần Nhã Thụy và bà Nguyễn Thị Vân (đồng Phó chủ tịch Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM) thay mặt hội đồng hương trao tặng 1 suất học bổng Nguyễn Thái Bình đặc biệt của Báo Thanh Niên trị giá 50 triệu đồng cho con gái anh Mai Lê Duy Quang nhằm động viên, hỗ trợ em trong quá trình học tập. Hai tài xế Phan Văn Tài, Trương Văn Thành cũng nhận được quà động viên, mỗi suất 5 triệu đồng từ Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM và CLB Doanh nhân Quảng Ngãi tại TP.HCM.

Sống đẹp: Vun bồi lòng nhân ái từ những bài học yêu thương- Ảnh 6.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.