Cân nặng tăng giảm thất thường làm tăng nguy bị đột quỵ

03/10/2018 20:30 GMT+7

Nghiên cứu mới cảnh báo những người có cân nặng, huyết áp, chỉ số cholesterol và đường huyết thay đổi bất thường có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ cao hơn người có các chỉ số ổn định.

Trưởng nhóm nghiên cứu tiến sĩ Seung-Hwan Lee thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc cho biết béo phì, huyết áp, cholesterol và đường huyết lâu nay là yếu tố dẫn đến nguy cơ tử vong vì bị đau tim và đột quỵ, theo Reuters ngày 3.10.

Nhóm nghiên cứu phát hiện những người bình thường không bị tiểu đường hoặc cao huyết, nhưng có cân nặng, huyết áp, chỉ số cholesterol và đường huyết thay đổi lên xuống bất thường lại có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ cao hơn người so với người có chỉ số ổn định, theo tiến sĩ Lee.
Ông Lee cùng đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ Hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia Hàn Quốc giai đoạn 2005-2012 của trên 6,7 triệu người không có tiền sử bị đau tim, béo phì, cao huyết áp hoặc chỉ số cholesterol cao trong máu để đưa ra kết luận này.
Tất cả những người này đều có ít nhất 3 lần kiểm tra sức khỏe tổng quát trong giai đoạn 2005-2012 và các nhà nghiên cứu tiếp tục theo dõi bệnh án của họ trong vòng 5 năm rưỡi sau đó.
Họ phát hiện có gần 55.000 người tử vong với 22.000 người chết vì đột quỵ và trên 21.000 người qua đời do bị đau tim.
Những người có cân nặng dao động, huyết áp, lượng cholesterol và đường huyết không ổn định có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn 40% so với người có chỉ số ổn định.
Bình luận về nghiên cứu này, chuyên gia Marie-Pierre St-Onge thuộc Đại học Columbia (Mỹ) khuyến cáo mọi người nên tránh tăng cân quá nhanh hoặc tái tăng cân sau quá trình giảm cân đáng kể.
Theo chuyên gia St-Onge, người thừa cân cũng nên có kế hoạch ăn kiêng và giảm cân dần dần để tránh hiệu ứng yo-yo, tức giảm mạnh rồi tăng cân trở lại.
“Tăng cân gây áp lực lớn lên cơ thể làm gia tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Mục tiêu hàng đầu là giảm cân rồi giữ mức cân nặng ổn định suốt cuộc đời”, chuyên gia St-Onge cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.