Cân nhắc kỹ nguồn lực 256.000 tỉ đồng chi cho văn hóa

02/11/2024 06:27 GMT+7

Sáng 1.11, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tờ trình Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Tổng mức đầu tư rất lớn

Theo Bộ trưởng Hùng, qua rà soát Chính phủ cân đối được nguồn vốn cho phát triển chương trình. Cụ thể, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách T.Ư bố trí tối thiểu 77.000 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỉ đồng. Dự kiến nguồn lực cho giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỉ đồng, tổng 2 giai đoạn là 256.000 tỉ.

Nêu ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhất trí sự cần thiết của chương trình, nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội… Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát, thu hẹp mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm việc bố trí nguồn lực của chương trình được trọng tâm, trọng điểm, khả thi nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa. Tổng mức đầu tư của chương trình cũng rất lớn so với các chương trình văn hóa đã thực hiện. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực khả thi, phù hợp…

Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá kinh phí này không nhiều, song phần đối ứng ngân sách của địa phương rất khó khăn, đặc biệt là các tỉnh hiện nay còn phải trợ cấp từ ngân sách T.Ư. Ông đề nghị có thể tỷ lệ ngân sách T.Ư cao hơn, ngân sách đối ứng của địa phương thấp hơn để số tiền ngân sách đối ứng này sử dụng vào chương trình mục tiêu khác không chỉ có văn hóa. Ngoài ra, tỷ lệ ngân sách từ nguồn vốn khác là 15.000 tỉ đồng cần làm rõ từ nguồn nào, tránh "tổ chức thực hiện không được, cuối cùng lại lấy từ ngân sách của T.Ư".

Cân nhắc kỹ nguồn lực 256.000 tỉ đồng chi cho văn hóa- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

ẢNH: GIA HÂN

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết nguồn vốn khác như trong tờ trình chỉ là tạm tính, còn nguồn khác là nguồn xã hội rất lớn. Kết luận của Bộ Chính trị nói rất rõ là huy động các nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực nhà nước để đầu tư cho phát triển văn hóa. Ông Hùng dẫn ví dụ gần đây tại hội nghị xúc tiến đầu tư theo Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm để thực hiện vấn đề hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, có 300 doanh nghiệp đến để làm việc và đăng ký nguồn vốn khoảng 2 tỉ USD, đây là con số rất lớn.

Sẽ lập 3 - 5 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài

Một vấn đề khác được ĐB Quốc hội quan tâm là đề xuất dùng nguồn vốn của chương trình để đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. ĐB Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho rằng đề xuất này phù hợp, giúp lan tỏa hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với quốc tế nên cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện.

ĐB Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) thì đề nghị không sử dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia mà sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước khác để dành nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu khác của chương trình. Với vướng mắc luật Đầu tư công, bà đề nghị có thể đưa thêm quy định trong dự thảo luật đang sửa đổi trình Quốc hội kỳ họp này. Bên cạnh đó, Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.

Cân nhắc kỹ nguồn lực 256.000 tỉ đồng chi cho văn hóa- Ảnh 2.

Đại biểu Trình Lam Sinh

ẢNH: GIA HÂN

Dự thảo đặt mục tiêu tu bổ tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia đến năm 2030. Song theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), không phải tất cả các di tích đều cần tôn tạo, tu bổ, nhất là các di tích khảo cổ. "Việc tu bổ, tôn tạo triệt để như vậy sẽ có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ và "lợi bất cập hại" ở chỗ có khi lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành "làm mới" di tích như đã từng xảy ra", bà Nga lo ngại và cho rằng phân bổ nguồn lực như vậy rất dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm.

Đồng ý quan điểm này, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết để tránh nhầm lẫn sẽ quy định rõ trong chương trình là "những di tích xuống cấp" tránh tình trạng hàng nghìn di tích lại được nâng cấp. Về mục tiêu xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, theo ông, nhằm thực hiện chiến lược đối ngoại văn hóa của Đảng, Nhà nước.

"Chính phủ sẽ hết sức lưu ý, không phải muốn là làm được mà phải dựa trên các hiệp định giữa hai chính phủ với nhau, ưu tiên các quốc gia Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", ông Hùng nhấn mạnh. Theo đó, Chính phủ sẽ lựa chọn từ 3 - 5 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và phải ưu tiên theo thứ tự để trình và sẽ quyết nghị theo nguyên tắc đối đẳng. Việc xây dựng trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ phải tính toán dựa trên nguồn lực, địa bàn, quốc gia có nhiều kiều bào sinh sống, rồi nhu cầu ở đó ra sao, khả năng phát triển thế nào… mới trình Chính phủ làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.