Cần thay đổi nhận thức

Ngọc Lê
Ngọc Lê
08/10/2023 06:50 GMT+7

Ngoài việc xử phạt, cần tập trung vào giáo dục và tạo nhận thức, giúp mọi người hiểu rõ hơn về hậu quả nghiêm trọng của hành vi uống rượu bia và lái xe. Giáo dục này có thể giúp thay đổi thái độ và hành vi của người dân.


TS Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp T.Ư Hội Tâm lý học VN, phân tích: Uống rượu bia đã trở thành một phần của văn hóa xã hội đối với nhiều người, và áp lực nhóm thường khuyến khích việc tiêu thụ rượu bia. 

TS Hòa An cho rằng, việc tăng cường xử phạt có thể đánh mất sự thoải mái xã hội này và khiến người ta phải nghiêm túc suy nghĩ kỹ hơn về quyết định uống rượu bia và lái xe. Chính sách nghiêm ngặt có thể tạo sự chú ý đến nguy cơ của việc lái xe sau khi uống rượu bia và khuyến khích mọi người suy nghĩ kỹ hơn về hành vi này. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong ý thức của người dân về tình trạng của họ.

Cần thay đổi nhận thức  - Ảnh 1.

14 tổ công tác của lực lượng CSGT Công an TP.Hà Nội xử lý vi phạm chéo trên địa bàn thành phố

NGUYỄN TRƯỜNG

"Hiện tượng này nếu được thực thi triệt để sẽ giống như thời điểm bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, ban đầu mọi người phản ứng, không quen, nhưng rồi cũng đã trở thành thói quen mà bây giờ khi lưu thông mà không đội mũ bảo hiểm thấy thiếu thiếu và cảm giác mất sự an toàn", TS Hòa An nói và cho rằng: Ngoài việc xử phạt, cần tập trung vào giáo dục và tạo nhận thức, giúp mọi người hiểu rõ hơn về hậu quả nghiêm trọng của hành vi uống rượu bia và lái xe. Giáo dục này có thể giúp thay đổi thái độ và hành vi của người dân.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), vấn đề tăng cường xử phạt vi phạm nồng độ cồn để pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức, điều chỉnh hành vi sinh hoạt tuân thủ pháp luật, tránh tùy tiện, từ đó góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tính mạng và tài sản của bản thân và cộng đồng.

"Chắc chắn không có hơi men trong người thì việc điều khiển phương tiện giao thông sẽ an toàn hơn, xử lý nhanh nhạy, chính xác, đặc biệt là xử sự có chừng mực hơn khi gặp phải tình huống bất thường, trái ý…", luật sư Công nói và cho rằng: "Thực thi nghiêm chế tài, xử lý vi phạm thì nâng cao tính răn đe, ngăn tái phạm. Không có một người VN đi du lịch ở Singapore  mà dám xả rác, sử dụng kẹo cao su vì trước khi bước vào đất nước này đã được hướng dẫn viên, người thân hay các tài liệu, báo chí, truyền thông đều nhắc nhở quyết liệt về nội dung này. Tuy nhiên, cũng những con người đó nếu quay về VN thì tùy tiện quay lại hành vi xả rác, nhai và nhả kẹo cao su... Như vậy môi trường là yếu tố quan trọng để tạo ra thói quen, dù ban đầu là sự cưỡng ép, bắt buộc. Lâu dần thì trở thành bình thường và được tiếp nhận như là hành xử đúng đắn, văn minh".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.