Cần thiết phải xây dựng kho dữ liệu công nghiệp sáng tạo

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
12/08/2022 06:34 GMT+7

Một kho dữ liệu công nghiệp sáng tạo tốt sẽ hỗ trợ quy hoạch phát triển công nghiệp sáng tạo tốt hơn.

Ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội, đánh giá tốt chính sách phát triển công nghiệp sáng tạo Việt Nam tại hội thảo quốc tế Công nghiệp sáng tạo: quá khứ, hiện tại, tương lai (ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 11.8). “Việt Nam cũng có chiến lược công nghiệp sáng tạo, với mục tiêu là ngành này nâng mức đóng góp lên 7% GDP vào 2030. Cả 2 nước Pháp, Việt có nhiều điểm tương đồng về chính sách phát triển công nghiệp sáng tạo”, ông Thierry Vergon nói.

Mặc dù vậy, theo ông Thierry Vergon, công nghiệp sáng tạo Việt Nam còn có một số điểm chưa cởi mở. Chẳng hạn, nhiều tác phẩm điện ảnh nước ngoài được quay ở Thái Lan, Malaysia, trong khi con số này ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều. “Những yếu tố như kiểm duyệt, xin phép… khiến nhiều người làm phim chưa hồ hởi đến Việt Nam ngay”, ông nói.

Tác phẩm gây ồn ào khi được ký tên Tạ Tỵ, nhưng họa sĩ Thành Chương nhận là tác giả - nếu có những tư liệu mỹ thuật đầy đủ thì sẽ giúp việc xác định dễ dàng hơn

TL

Ông Thierry Vergon cũng nêu một số chương trình hành động của Pháp tại Việt Nam. Chẳng hạn, Viện Pháp sẽ tổ chức sự kiện văn hóa lớn hình thức thị giác 2 năm/lần. “Sự kiện sẽ làm thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Lễ hội này ở Lyon, chúng tôi đón mỗi lần 170.000 khách du lịch với 470 nhà cung cấp dịch vụ”, ông nói. Viện Pháp đang làm việc với đối tác Việt Nam để tổ chức triển lãm hình ảnh Hà Nội năm 2023. Một số hợp tác khác sẽ ở lĩnh vực âm nhạc, truyện tranh và trò chơi điện tử, điện ảnh.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, sáng lập Elite PR School, lại nhắc tới hiện trạng các sản phẩm văn hóa Việt hiện đang thiếu liên kết về trải nghiệm, về truyền thông, thiếu chính sách chăm sóc khách hàng thường xuyên. “Ví dụ có nên tổ chức bán, mua thẻ 1 năm ở bảo tàng hay nhà hát không. Trong khi điện ảnh có chính sách chăm sóc khách hàng thường xuyên, để mua nhiều vé, mua cho nhiều người”, ông Thành đặt câu hỏi.

Nỗi lo tư liệu

Nhà báo Đào Mai Trang, Báo Nhân Dân, nêu vấn đề hiện không có các kho tư liệu nghệ thuật Việt. Khi thực hiện cuốn sách Họa sĩ khóa kháng chiến, tác giả đã phải tìm kiếm từ các phỏng vấn cá nhân, tư liệu gia đình chứ không có trong phông lưu trữ quốc gia. Nhiều nghiên cứu, chẳng hạn, nghiên cứu về họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, người có công sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, lại do tư nhân thực hiện chứ không phải do bảo tàng này. Thiếu tư liệu sẽ dẫn đến bất cập khi phát triển thị trường mỹ thuật.

Bà Emma Duester, Trường ĐH RMIT, lên tiếng về số hóa các trưng bày thư viện, lưu trữ và bảo tàng (GLAM). Hiện tại, bà đánh giá các bảo tàng trong nước không đủ trang web có dung lượng để chứa được, tải được nội dung chân thực liên quan. Điểm thuận lợi là khi xảy ra đại dịch Covid-19, các nhà văn hóa đã dùng nền tảng kỹ thuật số cho công việc. Tuy nhiên, cần phát triển chiến lược truyền thông kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng, cũng như hợp tác quảng cáo chéo cho nhau giữa các bảo tàng.

Ông David Lapetine, Giám đốc điều hành TIBCO Vietnam, cho rằng một kho dữ liệu về người tiêu dùng văn hóa sáng tạo là rất cần thiết. “Một người thuê bao một trang web nào đó, khi họ sử dụng thuê bao này thì sẽ thu được nhiều dữ liệu, chẳng hạn sẽ biết được họ thích trò gì, chơi thời gian nào, bao lâu…, ta sẽ có dữ liệu lớn. Tương tự, với các bộ phim trình chiếu có dữ liệu lớn, có thể nhận thấy mỗi cá nhân thuê bao rạp chiếu dài hạn thường đi xem thời điểm nào, sáng - trưa hay chiều. Như vậy sẽ có dữ liệu tiêu dùng văn hóa của các cá nhân khác nhau. Sau đó, chúng ta phân tích và đưa ra khuyến cáo chính sách, như tư vấn cho nhà sản xuất phim về thể loại”, ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.