Cần Thơ mơ... Cầm Thi

Hồng Hạnh
Hồng Hạnh
29/09/2019 09:09 GMT+7

Lóng rày, thông tin về dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã nghe xôn xao trở lại. Bạn bè bàn tán với nhau, nữa cuối tuần mình phóng xe dzìa dưới chơi, chừng tiếng rưỡi đồng hồ chứ mấy. Nghe mà nôn nao.

Tự dưng sực nhớ, Cần Thơ - Tây đô, thủ phủ của miền Tây - đã mơ một giấc mơ quá lâu để trở thành một đô thị phồn vinh, tấp nập. Và bất giác tự hỏi, mai đây mốt nọ, khi khoảng cách địa lý đã rút ngắn lại thì Cần Thơ sẽ có gì để níu kéo bạn bè tôi.

Chợ nổi còn chút... hương xưa

Duyên nợ sao mà tôi có đến mười năm gắn bó với mảnh đất Tây đô. Do đặc thù công việc, nên khách khứa dập dìu. Và rồi, văn nhân, thi sĩ cho tới thương nhân, bằng hữu nào tới cũng nói: bà dẫn tui đi chợ nổi heng! Và, trăm lần như một, lần nào tôi cũng ồ à đầy... cảm xúc như mới tới lần đầu. Cũng chẳng phải tôi “diễn” mà vì cái chợ nổi hồi đó hay ho vô cùng. Mỗi khi đi chợ nổi là như được về nhà. 
Hai mươi năm trước. Chợ nổi không như bây giờ. Hồi đó ghe thương hồ neo đậu kín một khúc sông. Trái cây rau củ ê hề. Hồi đó, đi trên bờ không đội nón bảo hiểm, dưới sông không mặc áo phao. Cũng chẳng chết ai! Ghe chở du khách thì nhỏ xíu, luồn lách qua lại. Đi trễ chút xíu chừng 10 giờ sáng, khách thương hồ quỡn việc, họ cười và í ới rủ khách: “Mần một ly không huynh đài!”. Mấy bà bán bún mắm, hủ tiếu, bán cho khách thương hồ là chính, khách du lịch là phụ. 
Chợ nổi Cái Răng hồi đó... Bạch Dương

Chợ nổi Cái Răng hồi đó...

Bạch Dương

Còn chợ nổi lúc này khách nhiều hơn chủ. Tàu bè chở khách - mặc áo phao đỏ lè - nhiều hơn ghe thương hồ. Đôi lúc tự hỏi, chợ nổi như vầy liệu khách họ có còn mê, có còn trở lại lần sau. 
Hồi đó, khách du lịch luôn háo hức vì được dự phần, được ghé một chút xíu vào cuộc sống của khách thương hồ. Chứ không như giờ, khách du lịch cứ nghển mặt lên trời, rồi ồ, à kiểu lạ quá hen, kỳ hen. Họ cứ ồ à riết rồi kêu ông tài công ghé cửa hàng bán đặc sản miền Tây, đậu cái đít quán trên bờ, ngoảnh cái mặt xuống sông. Những sản phẩm du lịch sắp đặt, như hàng mã trên cái nơi lẽ ra nó phải tự nhiên, phải hồn nhiên, chân chất như khách thương hồ. 
Quay lại nói với nhỏ bạn: Chợ này riết rồi thấy ghê quá, hay là mai mình chạy vô chợ nổi Phong Điền. Ông tài công vọt miệng nói: chợ Phong Điền dẹp rồi chị ơi! 
Chèn ơi! Mà biết làm sao được. Ngần ấy năm qua đi. Đường lộ thông thoáng. Xe pháo vô tới tận vườn bốc hàng. Chẳng lẽ, chợ quê cứ quê trớt còn đó cho mình xuống xề tìm cảm xúc. Vậy thì hóa ra mình ích kỷ quá! Biết là vậy nhưng cứ thấy nao nao.

Đi chợ nhà lồng đặc sệt miền tây

Như chợ An Bình - đúng đặc trưng, trên bến dưới thuyền. Đồ trong đồng chở ra, dưới sông đem về. Nhìn mà ngớp mắt dân thị thành. Thấy cái gì cũng muốn mua.
Kiểu chợ An Bình thì Cần Thơ có sơ sơ mấy cái chợ nhà lồng ven sông. Chợ Tân An, chợ Xóm Chài. Trên bờ rau trái, cá tôm, dưới sông tàu ghe tắc ráng bổ đồ ầm ĩ cả một bến sông. 
Tâm tính người dân đồng bằng hiển hiện ở chợ hết sức đậm đà. Tỷ như, bữa hổm đi chợ An Bình. Thấy bà bán dừa nạo có mấy cái mộng dừa nhìn ngon hết biết. Mà chẳng lẽ ghé vô mua mỗi cái mộng dừa, lỡ bề bả chửi vụ mở hàng sớm chắc mang... nhục. Vậy là nói bả bán 10.000 đồng dừa nạo, bán thêm cái mộng dừa, nấu gì tính sau. Bả cười te tái nói: Mộng dừa mà bán chác gì cưng, chị cho cưng đó. Chèn ơi! Té ra hồi nãy mình nghĩ xấu cho người ta hết sức. 
Ra tới hàng rau đồng, thấy mấy bà thím trong quê đem ra mấy lá cách, rau ngổ nhìn bắt ham. Mua hai bó to cả ôm có hai chục ngàn. Bả còn cho mấy cây sả. Hể hả ôm hết.

Giấc mơ bên chân cầu... Cầm Thi 

Hổm rày xứ Tây đô lọt vào bảng xếp hạng đô thị trên sông đặc sắc trên thế giới. Bạn ở xa nhắn tin vầy: “Bà, xứ bà quê mùa vậy mà cũng bảnh quá hen”.
Tôi thắt cười quá. Mấy trào trước, ý là... lối chừng 7, 8 chục năm trước, Tây đô là xứ ăn chơi bậc nhất chỉ sau Sài thành, Đà Nẵng. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng, tửu điếm mang những cái tên: Đế Vương, Hoàng Cung, Phong Nhã, Hào Hoa... nằm xoay quanh cái bến Ninh Kiều. Bar lấy biển hiệu tên Tây tên U thì đầy.
Ngược dòng dâu bể một xí. Hồi đầu thế kỷ, lối những năm 20, 30, 40 thế kỷ trước cái sự ăn chơi cũng không kém cạnh mà có phần còn sang cả hơn. Hồi đó, cái khách sạn bây giờ đã bị đám con cháu - tiếng là văn minh - phá ra xây lại bên cái cầu đi bộ đèn xanh đỏ hết sức cải lương - là nơi tụ hội ăn chơi của Hắc - Bạch Công tử và cô Ba Trà. Ôi thôi, bao tiền muôn bạc vạn đã đổ ra để mua lấy nụ cười của giai nhân.
Mới đây, tạp chí Departures của Mỹ vừa công bố danh sách 9 thành phố sở hữu hệ thống kênh đào đẹp nhất thế giới. Trong đó, Cần Thơ giành vị trí thứ 4. Mà nói nào ngay, Cần Thơ không như Đà Nẵng. Cầu thì ít, mà chưa có cây cầu nào đẹp hết trơn. Cầu Cần Thơ hổng tính vô đây.
Sực nhớ, con đường Trần Hoàng Na, chạy ngang nhà hổm rày mở rộng dữ. Lâu lâu, chừng một tháng hổng dzìa dưới là đã thấy lạ. Cuối đường, ngay ngã ba tiếp giáp bờ sông, xáng cạp ì đùng tối ngày sáng đêm. Nghe nói là đang bắc cầu. Search Google, ra cái phối cảnh cầu Cầm Thi. Một cây cầu cảnh quan với hình dáng cây đờn bầu. Nghe đâu có nhạc nước chơi cuối tuần. Tới chừng đó giăng cái võng trên sân thượng là ngắm được hen. Bảnh dữ! 
Nghĩ bụng, mấy ổng mà mần đúng y như phối cảnh thì cây cầu đờn bầu này ăn đứt cây cầu ánh sáng xanh đỏ tím vàng sến rện ở bến Ninh Kiều. 
Nữa, cuối tuần đưa bạn bè, đối tác về nhà dưới mở tour học nấu ăn mà nấu ăn là phụ, tám chuyện miệt vườn là chính. Hoặc giả, bạn bè ai muốn mượn chìa khóa nhà, tôi cho mượn. Tôi đang mơ một giấc mơ dưới chân cây cầu... đang xây. 
Cần Thơ đang mơ gì? Hãy mơ những giấc mơ gần gần. Như mơ một giấc mơ bắc thêm những cây cầu trên hệ thống kênh đào đẹp top 4 thế giới đi nha! Mong lắm thay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.