Anh Nguyễn Hữu Tú, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tiến hành khảo sát gần 17.000 người trẻ (độ tuổi 16 - 35) đã nhiễm Covid-19, cho thấy có nhiều triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần như: mệt mỏi, hay chóng mặt (41,8 %); khó suy nghĩ hay khó tập trung (32%); đau đầu (35,3%); mất ngủ (28,8%); lo lắng (15%)…
Hội đồng Đội T.Ư tổ chức chương trình vui chơi để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho thiếu nhi |
Nhật Nam |
“Với những người có triệu chứng tâm lý, các bác sĩ sẽ đưa ra những liệu pháp để cải thiện sức khỏe như: thay đổi thói quen sinh hoạt, vận động, ăn uống, đặc biệt là việc rèn luyện thể lực. Thông thường những triệu chứng hậu Covid-19 sẽ dần hồi phục sau khoảng 3 - 4 tháng. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy có khoảng 10% kéo dài tới hơn 10 tháng. Vì vậy, chúng tôi dự định có những nghiên cứu chuyên sâu để có thể đưa ra những giải pháp tốt nhất, cải thiện sức khỏe tâm thần cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi”, anh Tú nói.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam đã cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, chi phí chủ yếu dành cho phục hồi kinh tế, đầu tư cho trẻ em bị cắt giảm, ngân sách chi cho giáo dục cũng chủ yếu là học chữ chứ chưa chú trọng đến văn hóa, giải trí, vui chơi cho trẻ em.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, kêu gọi Việt Nam thúc đẩy đầu tư công vào các lĩnh vực: trợ giúp xã hội, đặc biệt là cho các gia đình có trẻ em; công tác bảo vệ trẻ em; các can thiệp liên quan đến dinh dưỡng; các dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại cộng đồng… Các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch, chiến lược về sức khỏe tâm thần dành cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Bình luận (0)