Tôi cho rằng chính quyền TP.HCM cần đứng ra tổ chức các điểm uống nước sạch để phát huy ý nghĩa của mô hình 'trà đá từ thiện' hiện nay.
Mô hình nước uống miễn phí cho người nghèo nên được tổ chức bài bản để đảm bảo trật tự và vệ sinh - Ảnh: Trần Duy
|
Vừa qua, chuyện công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) tịch thu bình trà đá miễn phí dành cho người nghèo do bà con khu phố đặt dưới một gốc cây (đối diện nhà số 1031B) trên đường Giải Phóng với lý do “thùng trà đá đặt trên vỉa hè như vậy là vi phạm” đã gây xôn xao dư luận. Hành động này của công an, dân phòng bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội.
Tôi nghĩ, TP.HCM không chỉ nên tránh xa những hành động mà xã hội gọi là “tịch thu lòng tốt”, làm mất lòng dân, mà chính quyền còn cần chủ động đứng ra tổ chức nhiều điểm uống nước công cộng ở thành phố để phục vụ người nghèo.
Hiện nay, thành phố có hàng triệu sinh viên, học sinh, người lao động đang học hành, kiếm sống. Nhu cầu về nước uống của họ là thường xuyên và khi cơn khát đến mà chai nước mang theo đã hết, không phải ai cũng có tiền để mua một chai nước đóng chai. Lúc đó, nếu có các điểm uống nước công cộng miễn phí và yên tâm rằng bảo đảm vệ sinh thì với người lao động sẽ như cơn nắng hạn mà gặp trận mưa rào, quý biết bao!
|
- Bình đựng nước cần làm bằng nhựa trong suốt để người sử dụng thấy được nước bên trong. Định kỳ cần phải được chùi rửa để ai nhìn bình nước cũng thấy luôn sạch sẽ.
- Bảo đảm tuyệt đối về chất lượng nước: nước trong bình phải là nước uống được. Cơ quan chức năng về vệ sinh an toàn thực phẩm cần thường xuyên lấy mẫu về xét nghiệm các chỉ tiêu sinh hóa và công bố công khai kết quả để người dân yên tâm và xem đây là trách nhiệm bắt buộc. Không khoán trắng cho cơ quan cung ứng nước.
- Nếu dùng ly thì phải là loại ly sử dụng một lần. Tuy nhiên, vì lý do góp phần bảo vệ môi trường và phù hợp với thực trạng quản lý, cần khuyến khích người dân nên mang theo chai nhựa để uống nước và lấy nước mang đi (mang theo chai nước cũng là thói quen tốt của người dân đô thị).
- Về vị trí tổ chức các điểm uống nước cộng cộng: với mục tiêu là phục vụ bà con nghèo vì vậy nên đặt ở những nơi người nghèo thường có mặt: bến xe, bến tàu, bến phà, chợ, và nhất là vỉa hè các đường phố, đặc biệt là ở các quận có đông người lao động chân tay mưu sinh; tránh những địa điểm có thể gây cản trở giao thông.
- Để việc có ý nghĩa thiết thực này duy trì thường xuyên, lâu dài thì “hơi ấm tình người” trong tổ chức cụ thể là rất quan trọng. Cần tranh thủ sự giúp đỡ hoàn toàn tự nguyện của các tình nguyện viên ở các khu phố định đặt bình nước: Họ chính là những người giúp cơ quan chức năng trong việc bảo vệ tài sản, giữ gìn vệ sinh, mời người lao động “đừng ngại” khi ghé uống nước với “nụ cười” như ở cơm 2000, và ngăn chặn những hành vi lạm dụng như dùng nước uống để rửa ráy hay xách can đến lấy nước đem về nhà cho đỡ phải nấu! Khi các tình nguyện viên xem đây là việc thiện, việc công đức cần làm có ý nghĩa phụng sự xã hội thì người ta sẽ làm với sự vui vẻ, tận tâm.
Nếu có điều kiện tốt hơn về kinh phí, thành phố có thể đặt các máy lọc nước sạch để uống như mô hình tại nhiều nước và hiện đã có một số bệnh viện, sân bay, trung tâm mua sắm tại Việt Nam triển khai.
Thành phố chúng ta từng nhận được nhiều thiện cảm của cộng đồng cả nước về các hoạt động nghĩa tình. Điểm uống nước công cộng – nếu được tổ chức chu đáo – sẽ là điểm nhấn trong việc thành phố chăm sóc nhu cầu hết sức cụ thể và thiết thực cho người nghèo. Nếu tổ chức bài bản, hoạt động này sẽ phát huy vai trò tích cực của nó, đồng thời có thể hạn chế những mặt tiêu cực như nguy cơ nước không an toàn, hoặc tạo ra hình ảnh nhếch nhác trên hè phố, gây cản trở lưu thông như nhiều người từng lo ngại.
Mà để tổ chức tốt chuyện này, theo tôi hoàn toàn không có gì khó!
Bình luận (0)