Cẩn trọng với chiêu lừa đặt cọc rồi biến mất dạng

12/01/2023 15:12 GMT+7

Lợi dụng mùa kinh doanh cuối năm, nhiều chiêu trò lừa đảo nở rộ khiến không ít người dù đã hết sức cẩn trọng vẫn trở thành nạn nhân.

Nhiều tiểu thương kinh doanh mùa vụ tết bị lừa tiền cọc khi lấy hàng qua mạng

đinh đang

Bán dưa hấu cũng không thoát

Anh L.S.T, chủ vựa kinh doanh dưa hấu tại Thanh Hóa, ngậm ngùi kể: "Tôi chỉ là người kinh doanh thời vụ, nhân dịp tết tìm nguồn dưa hấu để bán kiếm chút lợi nhuận. Thấy có người tên H.T đăng thông tin cung cấp dưa hấu giá rẻ, tôi liên hệ và được yêu cầu đặt cọc để làm tin. Tuy nhiên, khi chuyển khoản đặt tiền xong thì người này bặt tăm không liên lạc được nữa. Số tiền đặt cọc tuy không lớn nhưng theo tôi tìm hiểu, khá nhiều người cũng bị chính nhân vật này lừa tiền cọc với thủ đoạn tương tự, tính ra thiệt hại không nhỏ".

Chị Thái Hương, chủ cửa hàng trái cây tại Hải Dương, chia sẻ trường hợp bị lừa gạt khi mua bán qua mạng: "Mới đây, tôi cũng bị mất một khoản tiến khá lớn khi mua bán với người quen biết qua mạng. Tôi lấy hàng từ vựa dưa hấu này 1 tấn dưa loại 1 trị giá 16 triệu đồng, nhận hàng và thanh toán đầy đủ. Nhưng khi bổ dưa ra thì dưa có màu hồng và nhạt. Người bán bảo để ít hôm là ổn, nhưng 5 ngày sau đó dưa vẫn thế. Tôi nhắn tin gọi điện họ không nghe, sau đó có nhắn lại cứ bán đi rồi họ bù sau. Nhưng dưa non như thế làm sao tôi bán được, khách mua xong về mang ra trả lại, còn bị mang tiếng trách móc bán hàng kém chất lượng. Tiền của tôi đi vay, đối với người ta không bao nhiêu nhưng tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ như tôi thì đó là số tiền lớn".

Tương tự, anh P.N, chủ vựa sầu riêng tại Buôn Mê Thuột kể đặt hàng 5 tấn sầu riêng của một đầu mối trên mạng, số tiền lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên khi nhận hàng không đúng như cam kết, hàng xấu, anh đòi bồi thường nhưng phía bán tìm đủ lý do không trả, thậm chí còn dàn dựng ra kịch bản để viết bài đăng lên nhóm chợ nói xấu ngược lại và biện minh cho việc làm gian dối của mình. "Đối với tiểu thương, mấy chục triệu đồng là số tiền lớn, mua bán mà gặp những trường hợp này muốn 'sôi máu' nhưng chưa biết giải quyết như thế nào", anh chia sẻ.

Cẩn thận "tiền mất, tật mang"

Chị Hồng Hoa, quản trị viên một nhóm cộng đồng mua bán trái cây, nhận định: Vào thời điểm cuối năm, lợi dụng tâm lý kinh doanh mùa tết, nhiều hình thức lừa đảo nở rộ trên mạng xã hội, trong đó phổ biến nhất là lừa gạt tiền đặt cọc để mua hàng hóa. Mặc dù có khi số tiền cọc không lớn, nhưng có nhiều nạn nhân bị gạt cùng lúc, nếu tính ra thì thiệt hại cũng khá nhiều.

"Chúng tôi đã cảnh báo thành viên cần phải thận trọng tìm hiểu kỹ đối tượng mua bán, khi có đầy đủ thông tin mới thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, các đối tượng có ý định lừa gạt thường rất tinh vi, tạo được sự tin tưởng về kinh nghiệm mua bán khi nói chính xác các địa điểm giao hàng, các tuyến đường xe đi, có cả các video clip giới thiệu hàng hóa, từ đó đã lừa gạt được khá nhiều khách cả tin. Đối với những đối tượng có dấu hiệu gian dối, chúng tôi sẽ chặn và thông báo công khai để các thành viên nắm, bên cạnh đó những tài khoản mới thành lập dưới 1 tháng cũng không được tham gia đăng bài rao bán", chị Hồng Hoa nói.

Theo chị Nguyễn Diễm My, kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực trái cây: "Các trường hợp bị lừa đa số là những người mới tham gia kinh doanh lần đầu hoặc kinh doanh thời vụ, muốn kiếm lời dịp tết. Thực tế, giá cả thị trường như thế nào thì giới tiểu thương đều nắm rõ, ví dụ như giá dưa hấu hiện nay loại 2 từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, loại 1 trên 15.000 đồng/kg. Các đối tượng lừa gạt thường đưa giá thấp 5.000 - 6.000 đồng/kg, đánh vào tâm lý ham lời của người mua đi bán lại. Bán trái cây mà muốn tìm hàng ngon lại rẻ thì lấy đâu ra?".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.