Cảng biển Đà Nẵng: Chọn du lịch hay hàng hóa?

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
07/11/2019 11:34 GMT+7

Hôm nay 7.11, tại TP. Đà Nẵng diễn ra hội thảo quốc tế lấy ý kiến về phương án quy hoạch, đầu tư các cảng biển nhằm tìm kiếm giải pháp hài hòa cho chủ trương đầu tư cảng Liên Chiểu mà Chính phủ đã thống nhất.

Thời gian qua, tại TP.Đà Nẵng dấy lên băn khoăn về chủ trương đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, vốn đã được Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

“Thừa” cảng biển miền Trung?

Băn khoăn này bắt nguồn từ thông tin nhà tư vấn Surbana Jurong (Singapore, đơn vị đang thực hiện thiết kế, quy hoạch TP.Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045), trình bày tại cuộc họp Thành ủy Đà Nẵng hôm 18.10. Trong đó, Surbana Jurong bất ngờ đưa ra đề xuất không xây cảng Liên Chiểu. Lý do, nếu nạo vét luồng tàu nối thông cảng Liên Chiểu với cảng Tiên Sa hiện tại sẽ gây ảnh hưởng cảnh quan vịnh Đà Nẵng, cản trở tầm nhìn vào TP. Nhà tư vấn còn đặt vấn đề về sự cần thiết hình thành cùng lúc 2 cảng tại Đà Nẵng, khi nền tảng công nghiệp sản xuất từ Thừa Thiên-Huế vào Quảng Nam còn tương đối mỏng, 2 tỉnh thành láng giềng cũng đã có cảng riêng. Từ đó, lo ngại tình trạng “thừa” cảng biển.
Với cảng Tiên Sa, tư vấn Surbana Jurong đề xuất phương án mở rộng theo hướng giải tỏa, khơi thông âu thuyền Thọ Quang. Để giải quyết tình trạng quá tải vận tải hàng hóa qua trung tâm Q.Sơn Trà và Q.Ngũ Hành Sơn, Surbana Jurong đưa hướng kết nối giao thông cảng Tiên Sa vào cao tốc và đường sắt mới với việc hình thành tuyến đường sắt và đường bộ trên cao đi qua trung tâm trên đường Đống Đa nối vào đường Điện Biên Phủ. Để phát triển du lịch, địa phương sử dụng đường Nguyễn Tất Thành và cầu Thuận Phước để lưu thông…
Ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, chia sẻ: “Thật ra tư vấn Surbana Jurong vẫn đưa 2 phương án cho TP lựa chọn. Thứ nhất là đầu tư cảng Liên Chiểu, thứ hai là nếu không đầu tư thì tập trung cho cảng Tiên Sa. Nhưng TP.Đà Nẵng không lựa chọn được. Vừa rồi, tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng, Ban thường vụ Thành ủy họp lấy ý kiến cũng không thông qua được. Cuối cùng, Bí thư Thành ủy giao Sở GTVT đề nghị mời Bộ GTVT chủ trì cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, các hội nghề nghiệp về tư vấn của Surbana Jurong. Cho nên, hiện vẫn chưa có quyết định đầu tư cảng Liên Chiểu hay không”.
Sở GTVT cho biết trước đây khi đã có chủ trương đầu tư xây dựng cảng LIên Chiểu, ngành giao thông đã chủ động làm việc với Bộ GTVT về các nội dung liên quan để triển khai dự án, Sở KH-ĐT cũng tích cực làm việc với Bộ KH-ĐT để đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.

Tìm lối ra cho cảng Liên Chiểu

Trong khi nhiều ý kiến còn đang cân nhắc về cảng Liên Chiểu, thì tai nạn giao thông chết người vẫn liên tục xảy ra trên cung đường từ cảng Tiên Sa đi QL1 - QL14B đoạn qua trung tâm Q.Sơn Trà - Q.Ngũ Hành Sơn. Các trục đường Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn từ năm 2017 đến nay trở thành “cung đường tử thần”, đặc biệt nguy hiểm ở các giao cắt như giao lộ Nguyễn Phan Vinh, cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và nhất là điểm đen cầu Tiên Sơn. “Đường Ngô Quyền là trục chính qua QL14B đi vào cảng Tiên Sa, lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn. Thời gian qua, Sở GTVT, Ban An toàn giao thông, Công an TP.Đà Nẵng triển khai rất nhiều biện pháp như phân làn, cấm đậu đỗ… nhưng tai nạn giao thông vẫn xảy ra. Rất đáng tiếc!”, ông Lê Thành Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT, nói.
Dự án cảng Liên Chiểu (do Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt) có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 32.860 tỉ đồng theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) phần vốn đầu tư Nhà nước hơn 3.400 tỉ đồng, vốn đầu tư tư nhân hơn 3.900 tỉ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng của cảng Tiên Sa đạt 16,2%/năm, đạt khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030; dự báo năm 2020 sẽ quá tải. Riêng khách du lịch, dự kiến năm 2019 cảng Tiên Sa đón 101 chuyến tàu (gần 130.000 khách), tăng 13% so với năm 2018.

Cũng vì nguyên do này, từ năm 2017, TP.Đà Nẵng và các bộ ngành Trung ương xúc tiến đầu tư cảng Liên Chiểu. Chính phủ cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT và UBND TP.Đà Nẵng về việc giao UBND TP đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách. Dự án được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ KH-ĐT đã có kế hoạch bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của TP.Đà Nẵng là sau khi đầu tư cảng Liên Chiểu sẽ biến cảng Tiên Sa thành cảng du lịch theo đề án phát triển du lịch Đà Nẵng. Với định hướng này, trong tương lai cần tách riêng cảng du lịch và hàng hóa, chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch tiếp nhận các tàu quốc tế quy mô lớn đến tham quan
Hội thảo quốc tế lấy ý kiến về phương án quy hoạch, đầu tư các cảng biển tại Đà Nẵng tổ chức hôm nay (7.11) được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều giải pháp. Trước những vấn đề hệ trọng của TP.Đà Nẵng, việc thận trọng tìm hướng đi là cần thiết. Tuy nhiên, đã có những bài học về sự chậm trễ mà đến nay địa phương không dễ tháo gỡ, đơn cử dự án Ga đường sắt mới (ở Q.Liên Chiểu) đã “treo” gần 20 năm. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn nhiều khó khăn, TP.Đà Nẵng có lý do để “tận dụng” nguồn vốn trung hạn mà Bộ KH-ĐT đã ghi nhớ cho cảng Liên Chiểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.