Viện trợ từ vùng phong tỏa
Những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Quảng Bình diễn biến phức tạp. Khởi phát từ 1 ca dương tính cộng đồng vào ngày 24.8, liền ngay sau đó, rất nhiều ca nhiễm xuất hiện ở nhiều địa bàn. Hầu hết đều có mối liên quan đến cảng cá Nhật Lệ (TP.Đồng Hới) - đầu mối thu mua, phân phối thủy hải sản.Từ đó đến nay Quảng Bình đã có hơn 620 ca dương tính liên quan đến các ổ dịch và 6/8 địa phương có ca nhiễm liên quan; trong đó tập trung tại H.Bố Trạch và TP.Đồng Hới.
|
Quảng Bình căng mình khoanh vùng, truy vết, test nhanh và xét nghiệm trên diện rộng dường như không có thời gian ngừng nghỉ. Có những cuộc họp lúc 0 giờ, những văn bản hỏa tốc ký lúc 1 - 2 giờ sáng.
Hàng trăm chốt kiểm soát phòng chống dịch được dựng lên tại các địa bàn cách ly lẫn giãn cách xã hội. Sống trong vùng phong tỏa, người dân chịu đựng gian khó, đồng lòng thực hiện các quy định.
|
Nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, Quảng Bình vẫn miệt mài, kiên trì hoàn tất các công đoạn cuối cùng để gửi tiền vào cho người Quảng Bình đang sinh sống ở các tỉnh, thành miền Nam.
Tính đến thời điểm này, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Bình đã chuyển hỗ trợ người dân Quảng Bình tại các tỉnh, thành miền Nam gần 23,7 tỉ đồng tiền mặt, trong đó chuyển 4 tỉ đồng thông qua hội đồng hương Quảng Bình tại TP.HCM và gần 19,7 tỉ đồng qua bưu điện. Hiện bưu điện đã chuyển cho người dân tổng cộng 17,5 tỉ đồng, số còn lại vẫn đang chuyển do khó khăn vì giãn cách, nhiều trường hợp thiếu thông tin và không có tài khoản ngân hàng.
Hướng vào Nam
Ngược thời gian lại những ngày tháng 7, lãnh đạo Quảng Bình có áp lực rất lớn khi đứng trước quyết định nan giải: đưa người dân của tỉnh về quê tránh dịch và giảm tải cho TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai hay không đưa về? Mặc dù trước đó tỉnh đã có thư thăm hỏi và gửi tiền vào để hỗ trợ con em quê Quảng Bình có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành.
|
Áp lực không chỉ từ lòng nhân ái với bà con mình mà còn cả từ dư luận. Sự cân nhắc khó khăn đến nỗi, có người xin thay đổi ý kiến sau khi cuộc họp kết thúc. Khó để phân định việc đón về hay không là đúng hay sai; nhưng chắc hẳn, lúc đó, lãnh đạo Quảng Bình đang quyết định theo điều kiện địa phương.
Mọi thứ tiếp tục chờ đợi. Chưa đón người về được nên Quảng Bình dồn lực vào chi viện kinh tế, với chủ trương không để người dân bị thiệt thòi. Không những hỗ trợ đồng hương, tỉnh và người dân Quảng Bình đã có nhiều hỗ trợ bà con miền Nam nói chung.
|
Ngoài những hỗ trợ trước đó, đến ngày 31.7, tỉnh quyết định thiết lập khẩn cấp đường dây nóng hoạt động 24/24, hotline 18008073 để tiếp nhận thông tin; từ đó lập cầu hỗ trợ tiền mặt cho người dân Quảng Bình đang sinh sống, làm việc ở phía Nam.
Từ 4 máy điện thoại kết nối ban đầu, sau tăng lên 30 máy với hơn 100 người luân phiên trực tổng đài. Nhân viên tổng đài là cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm Hành chính công tỉnh, Tỉnh đoàn Quảng Bình và giáo viên trên địa bàn TP.Đồng Hới tình nguyện tham gia.
Các điện thoại viên gần như hoạt động liên tục. Bình quân tiếp nhận hơn 2.000 cuộc gọi mỗi ngày. Cô giáo Dương Minh Việt, Trường THPT Đào Duy Từ, kể lại: “Mỗi ca 6 tiếng, điện thoại đổ và nghe liên hồi nên khá mệt. Trực tiếp nghe, xử lý những cuộc gọi đó mới thấy có nhiều mảnh đời rất thương tâm”.
|
Dữ liệu tiếp nhận từ tổng đài được tổng hợp chuyển cho Sở LĐ-TB-XH, rồi chuyển về các địa phương rà soát tận thôn, xã. Danh sách thẩm định được chuyển cho Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Bình soát xét khâu cuối cùng trước khi làm thủ tục chuyển tiền qua hệ thống bưu điện.
Đến 18 giờ ngày 10.8, Quảng Bình thông báo kết thúc sứ mệnh lịch sử của đường dây nóng, vì tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, mùa mưa bão cũng đang đến gần. Trong 10 ngày, đường dây nóng đã tiếp nhận thành công hơn 20.000 cuộc gọi, chuyển về các địa phương đề nghị xác minh hơn 14.300 trường hợp. Một khối lượng không hề nhỏ. Dù đường dây nóng kết thúc nhưng những cuộc gọi đã tiếp nhận vẫn được tiếp tục xác minh.
Tiếp nhận, xác minh đến đâu, tiền chuyển đến đó. Nhận được tiền, ai nấy hồ hởi vui mừng. Chị N.T (quê H.Minh Hóa, làm công nhân ở Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi nhận được tiền từ tổng đài ngoài quê. Trong lúc dịch bệnh khắp nơi và khó khăn như thế này, thì đó là món tiền lớn và ý nghĩa, giúp tôi trang trải phần nào cuộc sống”.
|
Bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Bình, không giấu nổi xúc động: “Anh em làm gần như hết công suất. Bình thường cũng khó huống chi thời điểm dịch bệnh với nhiều trở ngại, các tỉnh có lao động thì bị giãn cách, phong tỏa. Kể cả bưu điện nơi chi trả cũng hụt nhân lực. Nhưng làm được rồi ai cũng thấy nhẹ lòng, phấn khởi”.
Sau nhiều nỗ lực kết nối, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bamboo Airways thực hiện thành công 2 chuyến bay đưa hơn 370 người gốc Quảng Bình từ vùng dịch phía Nam về quê vào ngày 22.8. Điều đặc biệt của 2 chuyến bay nay là chỉ chở phụ nữ mang thai và trẻ em.
|
2 chuyến bay hạ cánh an toàn đã thắp lên niềm tin, hy vọng và cũng giải tỏa không ít áp lực. Đến nỗi, một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thở phào, chia sẻ: “Nhẹ lắm rồi em à, 3 ngày làm việc 24/24, thật không dễ. Hoàn thành đúng ngày Vu Lan thấy thật ý nghĩa”.
Bình luận (0)