Căng thẳng kéo dài tác động đến cholesterol?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
06/06/2024 00:07 GMT+7

Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một số hoóc môn làm tăng nhịp tim, tăng nhịp thở và một số phản ứng cơ thể khác. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy căng thẳng còn tác động đến nồng độ cholesterol trong máu.

Căng thẳng sẽ làm giải phóng các hoóc môn như cortisol và adrenaline. Những hoóc môn này khiến nhịp thở và nhịp tim tăng lên để chuẩn bị cho việc chạy trốn hoặc chiến đấu. Trong tự nhiên, các phản ứng này sẽ giúp chúng ta đối phó tức thì với các mối đe dọa, chẳng hạn như thú dữ, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Căng thẳng kéo dài tác động đến cholesterol?- Ảnh 1.

Căng thẳng kéo dài sẽ làm tăng nồng độ cholesterol trong máu

PEXELS

Tuy nhiên, trong thời hiện đại, con người hiếm khi phải đối diện với các mối đe dọa ngoài tự nhiên, chẳng hạn như rắn độc hay thú dữ. Đổi lại, chúng ta thường đối diện với những mối đe dọa khác mang tính xã hội, chẳng hạn như mất việc hay nợ nần.

Khi các mối đe dọa trên không được giải quyết thì căng thẳng sẽ kéo dài và dễ trở thành mạn tính. Căng thẳng mạn tính có thể tạo ra một loại vấn đề sức khỏe tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Những vấn đề này sẽ gây ra các triệu chứng như đau đầu, nôn mửa, đau nhức cơ, mất ngủ, tăng cân, hay quên, giảm khả năng tập trung và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Không những vậy, một số nghiên cứu đã phát hiện mối quan hệ giữa căng thẳng, lo âu và mức cholesterol trong máu. Cụ thể, căng thẳng, lo âu sẽ làm tăng mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL). Đây thường được xem là cholesterol "xấu" do làm tăng rủi ro với một số bệnh tim mạch.

Các chuyên gia sức khỏe cho biết căng thẳng, lo âu ở mức độ nhẹ và trong ngắn hạn có lợi ích là giúp chúng ta tăng khả năng tập trung và vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Tuy nhiên, căng thẳng trong thời gian dài sẽ khiến hoóc môn căng thẳng luôn duy trì ở mức cao. Điều này cũng có nghĩa là một số hoạt động của cơ thể, chẳng hạn như nhịp tim, sẽ bị đẩy lên cao vượt mức bình thường. Về lâu dài, tình trạng nàng sẽ gây áp lực lên cho cơ thể.

Ngoài ra, nồng độ hoóc môn căng thẳng cortisol cao có thể khiến mức cholesterol trong máu tăng vọt, đặc biệt là cholesterol "xấu" LDL. Qua thời gian, loại cholesterol này sẽ tích tụ trong thành động mạch, khiến động mạch trở nên xơ cứng và làm tắc nghẽn lưu thông máu.

Ngoài ra, căng thẳng còn kích hoạt cơ chế viêm nhiễm trong cơ thể, đặc biệt là ở hệ tiêu hóa. Hệ quả là làm giảm cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL). HDL được coi là loại cholesterol "tốt" và có tác dụng giúp đào thải bớt cholesterol "xấu" LDL ra khỏi cơ thể.

Các chuyên gia khuyến cáo những người bị căng thẳng kéo dài nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, thực hiện các biện pháp thư giãn, thậm chí tìm đến nhà trị liệu tâm lý hay bác sĩ tâm thần nếu cần, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.