Phương Tây chia rẽ
Tối qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu khí, than từ Nga để gia tăng áp lực kinh lên nền kinh tế nước này nhằm buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, theo AP. Tuy nhiên, hiện có sự chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu về vấn đề này.
Một cơ sở lọc dầu tại vùng Irkutsk, Nga |
Reuters |
Trong khi Mỹ có nguồn dự trữ lớn và chỉ nhập khẩu 8% xăng dầu từ Nga trong năm 2021, các nước châu Âu tiêu biểu là Đức đang tỏ ra lo ngại vì châu lục hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng từ Moscow.
Tổng thống Biden bày tỏ sự thông cảm về việc nhiều nước đồng minh không thể tham gia cùng Mỹ, nhưng ông khẳng định đã đưa ra quyết định với sự hội ý cùng các đồng minh. Bên cạnh đó, phía Mỹ được cho là đã có những bước chuẩn bị nhằm tăng nguồn cung cấp từ những nơi khác. Theo đó, các cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang cân nhắc một chuyến đi đến Ả Rập Xê Út để thuyết phục đồng minh vùng Vịnh này gia tăng sản xuất năng lượng. Nhà Trắng cũng xem xét khả năng nới lỏng lệnh cấm vận đối với Venezuela để nước này xuất khẩu thêm nhiều dầu mỏ ra thế giới, theo CNN. Thỏa thuận hạt nhân Iran nếu được khôi phục cũng có thể tạo điều kiện cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ, giúp Tehran khôi phục xuất khẩu dầu mỏ.
Tổng thống Biden cấm nhập khẩu dầu khí Nga, cảnh báo giá xăng tăng |
Đài CNBC dẫn lời các chuyên gia phân tích rằng các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cần đồng thời tăng sản lượng lên mức tối đa mới đủ bù đắp một phần nguồn cung từ Nga. Tuy vẫn còn những nguồn cung khác nhưng vấn đề hậu cần là thách thức lớn.
Nga đe dọa châu Âu
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 7.3 nhấn mạnh rằng châu Âu cần duy trì việc nhập khẩu dầu khí từ Nga vì đây là điều thiết yếu cho an ninh năng lượng. Theo Đài RT, Đức nhập khẩu 55% khí đốt từ Nga, trong khi hơn một nửa nguồn cung năng lượng của EU gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá là từ Nga. Đó là lý do EU chần chừ trong việc cấm vận ngành năng lượng của Nga dù đã tung ra đòn trừng phạt nặng lên những ngành khác. Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cũng tuyên bố rằng nước này sẽ xin miễn tham gia lệnh cấm nhập khẩu năng lượng lên Nga nếu EU ban hành.
Ngân sách Nga tuy phụ thuộc lớn vào doanh thu từ dầu khí, nhưng việc ngắt nguồn thu này cũng có thể khiến thế giới bị ảnh hưởng bởi Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ lớn nhất thế giới với khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày (7% nguồn cung toàn cầu), theo Reuters. Lệnh cấm có thể khiến giá dầu đang ở mức cao bị đẩy lên thêm, nguy cơ gây cú sốc lạm phát, làm chậm đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo AFP, giá dầu Brent ngày 7.3 có thời điểm đạt 139,13 USD/thùng, mốc cao kỷ lục trong gần 14 năm.
Nhật Bản cấm vận Nga
Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 8.3 công bố lệnh cấm vận đối với 32 quan chức, doanh nhân của Nga và Belarus vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn cấm xuất khẩu các thiết bị lọc dầu sang Nga và cấm xuất khẩu các sản phẩm có thể sử dụng trong quân đội, ngành cảnh sát Belarus.
Cùng ngày, Hãng lọc dầu Viva Energy của Úc thông báo sẽ ngừng mua dầu thô của Nga vì chiến sự tại Ukraine. Công ty Ampol cũng của Úc cho biết đã ngừng mua dầu thô và các sản phẩm khác của Nga từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Hãng Shell (Anh) cùng ngày thông báo sẽ ngừng mua dầu thô của Nga ngay lập tức và xin lỗi vì tuần trước mua một lô dầu thô của nước này. Trước đó, Shell tuyên bố rút khỏi mọi dự án hợp tác tại Nga.
Bộ trưởng Đức: cấm dầu khí Nga, châu Âu tắt điện thì cũng chẳng cản được xe tăng |
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 7.3 cảnh báo việc cấm nhập khẩu năng lượng của Nga sẽ gây “hậu quả thảm họa” cho thị trường toàn cầu, khiến giá dầu có thể vượt mức 300 USD/thùng, theo Bloomberg. Ông Novak còn nhắc đến việc Đức hoãn phê duyệt đường ống khí đốt Nord Stream 2 và đe dọa rằng Nga có quyền đáp trả bằng cách đóng luôn đường ống Nord Stream 1. “Chúng tôi chưa đưa ra quyết định đó nhưng các chính trị gia châu Âu với những tuyên bố và cáo buộc nhắm vào Nga của họ đang đẩy chúng tôi đến hành động đó”, ông Novak nói.
Bình luận (0)