Trong khi đó, các tỉnh thành phía nam đang vào cao điểm mùa khô, bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.
Sản xuất phục hồi khiến tiêu thụ điện tăng mạnh
Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan cho biết TP.HCM và các tỉnh, thành miền Nam đang ở giai đoạn cao điểm của mùa khô, bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, cường độ bức xạ tăng lên nhưng vẫn chưa chạm “đỉnh”. Nắng nóng sẽ còn kéo dài đến tháng 4, đặc biệt từ giai đoạn nửa sau tháng 3.
Trong thời gian tới, nhiệt độ có thể cao hơn hiện nay từ 2 - 3 độ, khu vực TP.HCM có thể đạt tới 38 độ, tức nhiệt độ cảm nhận được phải trên 40 độ C. Khi đó, không chỉ nhiệt độ tăng cao mà độ ẩm cũng tăng, từ nóng khô sẽ chuyển thành nóng ẩm khiến cảm giác bứt rứt, khó chịu còn tăng cao hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay.
“Vài năm trở lại đây, TP.HCM và các tỉnh phía nam nóng sớm, nhiệt độ năm sau dao động cao hơn năm trước. Đặc biệt, do TP.HCM bị bê tông hóa quá nhiều, cộng thêm hiện tượng đảo nhiệt đô thị, như một ốc đảo so với vùng xung quanh nên người dân sẽ cảm thấy cực kỳ nắng nóng, oi bức, khó chịu. Sắp tới, cường độ bức xạ và tia UV còn tăng mạnh. Khu vực miền Nam sẽ phải còn trải qua những ngày nắng nóng ít nhất từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng nữa mới bắt đầu chuyển mùa”, bà Lan dự báo.
Điện năng tiêu thụ tại TP.HCM trong 2 tháng đầu năm đã tăng 7 - 8% |
Hoàng Hy |
Thực tế, ngay 2 tháng đầu năm, tại TP.HCM, sản lượng tiêu thụ điện đã tăng 7 - 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho hay từ tết đến nay, miền Nam đã vào mùa nắng nóng, sản lượng tiêu thụ điện đã có dấu hiệu tăng. “Các thiết bị như máy lạnh, tủ lạnh… cần phải được bảo trì, vệ sinh… để thiết bị tiêu thụ điện năng lớn hoạt động đỡ tốn điện”, ông Kiên chia sẻ.
Khu vực miền Nam (kéo dài từ Bình Thuận đến Cà Mau), do đặc thù thời tiết, nắng nóng rơi ngay vào dịp Tết Nguyên đán, nên ngay từ cuối tháng 1.2022, Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết đã lên loạt kịch bản nhằm đảm bảo cung cấp điện trong tình huống nắng nóng, phụ tải tăng đột biến. Đơn vị cũng tổ chức rà soát, cập nhật danh sách khách hàng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh trở lên trong năm nay để có kịch bản ứng phó.
Theo EVNSPC, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã có diễn biến tích cực, TP.HCM đã là vùng xanh, các tỉnh phía nam cũng đã công bố cập nhật giảm cấp độ dịch. Vì vậy kinh tế, xã hội đang dần sôi động trở lại khiến công suất, sản lượng tiêu thụ điện tăng so với trước. Tuy nhiên, mọi dự báo đều có phương án chi tiết. Sản lượng điện của tổng công ty nhận được trong tháng 2 là 5,461 tỉ kWh, tăng hơn 17% so với cùng kỳ 2021, lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng điện nhận được là 11,84 tỉ kWh, tăng gần 9% so cùng kỳ năm 2021. “Trong tháng 3, EVNSPC tiếp tục thực hiện kế hoạch, phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô và cả năm 2022. Trong đó, thực hiện chỉ đạo của EVN về việc huy động công suất điện mặt trời mái nhà khu vực miền Nam”, đại diện EVNSPC nhấn mạnh.
Sử dụng điện thông minh
EVNHCMC dự báo công suất tiêu thụ đỉnh của năm nay có thể tăng cao hơn năm ngoái do nhiệt độ nền dự kiến cao hơn và sản xuất dần phục hồi.
Theo số liệu thống kê sản lượng “đỉnh” về tiêu thụ điện năng tại TP.HCM lên đến 90 triệu kWh/ngày. Hiện tại, mức tiêu thụ điện tại TP.HCM trung bình mỗi ngày khoảng 77 triệu kWh. “Việc người dân cài app của điện lực trên thiết bị di động giúp theo dõi và cập nhật điện năng tiêu thụ hằng ngày có hiệu quả rõ rệt. Khách hàng qua theo dõi, thấy điện năng tiêu thụ của gia đình tăng sẽ có biện pháp điều chỉnh và sử dụng điện hợp lý hơn. Ứng dụng chăm sóc trên thiết bị di động còn gửi cảnh báo ngay lập tức cho khách hàng tiêu thụ điện năng tăng hơn 30% so với kỳ trước, không chờ đến cuối kỳ mới cảnh báo”, ông Kiên cho biết và khuyến cáo tăng sử dụng thiết bị điện tiết kiệm năng lượng, dùng hệ thống đèn led tiết kiệm điện nhiều hơn. Đơn giản hơn như việc ủi áo quần hằng ngày trong gia đình, nên gom ủi một lượt, không ủi từng ngày, nấu ăn mùa nắng nên chọn hình thức nấu nhanh gọn hơn chọn món ninh, hầm tiêu tốn nhiều điện…
Vào mùa hè, tủ lạnh cũng tiêu thụ điện tăng lên từ 17 - 83% so với các tháng mùa đông. Cần duy trì thói quen khi nấu ăn tập trung lấy hết đồ trong tủ một lần, không nên thích gì lấy nấy, đóng/mở tủ lạnh liên tục nhiều lần để tránh tăng lượng tiêu thụ điện. Các thiết bị điện khác, nếu không sử dụng ngay có thể tắt nguồn…
PGS-TS Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ nhiệt - lạnh (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), chia sẻ: Qua nghiên cứu cho thấy thiết bị làm mát như điều hòa không khí có mức tiêu thụ điện lớn, chiếm từ 28 - 64% chi phí điện năng của 1 gia đình, cá biệt có trường hợp chiếm 80%. Khi TP.HCM bước vào giai đoạn đỉnh điểm nắng nóng mùa khô cũng là lúc tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng. Số lượng F0 nhiều lên đồng nghĩa với nhiều người dân ở nhà, thời gian sử dụng quạt, điều hòa tăng lên. Thông thường, 1 điều hòa 12.000 BTU nếu chạy từ 7 - 8 tiếng/ngày thì tổng lượng điện tiêu thụ dao động từ 200 - 240 số điện. Giả sử gia đình sử dụng cùng lúc 2 điều hòa, tổng số điện tiêu thụ trong 1 tháng sẽ tăng từ 300 - 400 số điện. Do đó, tiền điện chắc chắn sẽ tăng lên.
“Để vừa đảm bảo sức khỏe vừa tiết kiệm điện, đặc biệt là trẻ em và người già tránh bị sốc nhiệt, các hộ gia đình nên cài đặt điều hòa ở nhiệt độ ban ngày từ 26 - 28 độ C (nhiệt độ ngoài trời trên 35 độ C), ban đêm từ 25 - 27 độ C. Dùng điều hòa kết hợp với quạt gió vừa thoáng khí, tạo cảm giác dễ chịu cho người sử dụng mà lại tiết kiệm điện”, ông Dũng chỉ một số mẹo tiết kiệm điện.
Bình luận (0)