Rất nhiều khu vực ven sông ở Hà Nội như: Phúc Tân, Phúc Xá (Q.Tây Hồ), Bồ Đề (Long Biên)… đều là những vùng có nguy cơ ngập cao. Các vùng hạ lưu phía dưới sông Hồng thuộc các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam nhiều khả năng lên mức BĐ 3 và trên BĐ 3. Nguy cơ ngập lụt của các tỉnh trong những ngày tới rất cao.
Dự báo về tình hình mưa trong những ngày tới, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), nhận định do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, ở khu vực Bắc bộ đã xảy ra mưa lớn diện rộng, nhiều điểm mưa rất lớn. Tính từ nửa đêm đến sáng 10.9, khu vực đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái đã xuất hiện mưa rất lớn với lượng mưa phổ biến từ 70 - 150 mm, có nơi trên 200 mm. Tuy nhiên, trong ngày 10.9, lượng mưa đã giảm tương đối, chỉ còn phổ biến ở mức 30 - 60 mm, một số nơi trên 80 mm.
"Trong đêm 10.9 và sáng nay 11.9, khu vực đồng bằng Bắc bộ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, Thanh Hóa, một phần Yên Bái và một phần Lào Cai vẫn còn mưa lớn, với lượng mưa phổ biến từ 50 - 150 mm. Thậm chí một số nơi mưa trên 200 mm. Khả năng chiều nay, ở khu vực đồng bằng Bắc bộ mưa lớn suy giảm, lượng mưa chỉ còn lại cục bộ ở một số nơi và không còn mưa trên diện rộng", ông Tuấn thông tin.
Lũ sông Hồng vượt báo động 2, Hà Nội báo động hàng loạt quận huyện
Để phòng tránh mưa lũ, ông Vũ Đức Long lưu ý hiện các thông tin về tình hình lũ được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng như các đài khí tượng thủy văn khu vực, đài tỉnh đã cung cấp thông tin hàng giờ về đợt lũ. Người dân cần theo dõi thông tin dự báo tiếp theo về lũ và những vùng ngập lụt có thể xảy ra để có thể chủ động nắm bắt và phòng tránh.
Khi xảy ra thiên tai, chính quyền địa phương đều có phương án ứng phó, đề nghị người dân tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo và những yêu cầu của chính quyền địa phương để di dời đến những nơi an toàn nhất có thể.
Bình luận (0)