Cánh chim không mỏi

15/10/2022 06:30 GMT+7

Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực góp phần an sinh xã hội bằng cách hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh cô đơn dưới nhiều hình thức như bếp ăn miễn phí, chợ không đồng, hạt gạo sẻ chia, bánh mì xuống phố… Ngoài ra còn có mô hình làm cầu, làm đường, xây cất nhà tình thương.

Một trong những người có tấm lòng “thương người như thể thương thân” ấy là ông Trương Văn Kiềm (thường gọi là Tư Kiềm, 69 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Ở, hiện cư ngụ tại khu vực Đông Bình, P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ. Cả hai vợ chồng đều hướng về cộng đồng, âm thầm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, sẵn sàng nhường cơm xẻ áo, giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, có được một ngôi nhà ấm cúng.

Ông Tư tâm sự: “Cách nay 20 năm, trong lúc đi đó đi đây tìm thuốc nam giúp cho bệnh nhân nghèo, tôi đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm, nhất là những gia đình có người đau ốm, tật nguyền mà không có được căn nhà lành lặn. Cụ thể như bà lão sống trong căn nhà lụp xụp, tối tăm. Cầm lòng không đậu, tôi bỏ tiền túi ra dựng cho bà một mái ấm. Bà mừng đến rơi nước mắt. Sau lần đó tôi tự hứa với lòng sẽ cố gắng giúp cho những gia đình nghèo khổ có được một căn nhà che nắng che mưa”.

Ông Kiềm (trái) và ông Nguyễn Bá Hùng khiêng cây từ ghe lên trại mộc

Từ tâm nguyện đó, năm 2010, ông đã dựng trại mộc, tự mua cây ván về làm sườn nhà. Lúc đầu ông thực hiện một mình. Sau một thời gian thấy việc làm tốt đẹp của ông mang nhiều ý nghĩa thiết thực nên nhiều người tự nguyện tham gia. Điển hình như ông Lê Hồng Tuấn (63 tuổi, ở P.Tân Lộc) xin gia nhập tổ cất nhà. Ông Tuấn chia sẻ: “Mình già rồi, không làm gì được thì góp chút công sức cho xã hội”.

Từ đó đến nay ông Tư đã âm thầm tìm kiếm các địa chỉ, các mảnh đời cần hỗ trợ để dang tay cứu giúp. Kỷ niệm sâu sắc nhất là vào năm 2015, ông phát hiện 5 gia đình sống chung trong một căn nhà trống huơ trống hoác, đến mùa nước nổi cả nhà phải chui rúc trên những chiếc giường vừa ăn vừa ngủ vừa làm nơi sinh hoạt, thật vô cùng vất vả. Ông vận động các nhà hảo tâm cất mới một ngôi nhà rộng rãi hơn, tiện nghi hơn. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Dạ ở khu vực Trường Thọ 2, P.Tân Lộc. Lúc tôi ghé thăm, ông Dạ bày tỏ: “Nhờ ông Tư mà gia đình tôi mới có được chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng, không còn sợ mưa dột và nước ngập nữa”.

Ông Tư chia sẻ: “Làm được việc này, không phải chỉ có vợ chồng tôi mà là công lao của nhiều người, trong đó có ông Trần Văn Lời, ông Phạm Văn Mạng, ông Huỳnh Văn Sơn, ông Nguyễn Bá Hùng và nhiều vị nữa hiện cư ngụ tại P.Tân Lộc”. Tổng số người tham gia trên 10 người, người trẻ nhất 50 tuổi và cao nhất 70 tuổi. Tuy tuổi cao nhưng người nào cũng năng động, tháo vát, sống chan hòa, người góp tiền mua cây ván, vật liệu, người hỗ trợ tiền, kẻ ra công, góp sức, ai có gì giúp nấy.

Ông Trương Văn Kiềm (bìa trái) và những người chung tay làm việc thiện

Thiên Lộc

Những người tham gia, mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, có người khá giả, có người chỉ đủ ăn đủ mặc nhưng với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, họ lúc nào cũng nhiệt tình, năng nổ. Trong quá trình thực hiện, người dựng sườn nhà, người lợp tôn, người đóng vách, ai nấy cũng đầm đìa mồ hôi nhưng lúc nào cũng vang rộn tiếng cười xua tan đi mệt nhọc.

Tuy tuổi sắp kề “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Tư ít khi nào ngồi yên, hễ nghe ai nói nơi nào nhà dột cột xiêu là ông tìm đến hỏi thăm. Ông cho biết khi phát hiện có đối tượng cần giúp đỡ, đầu tiên ông vận động nhiều người cùng nhau đi mua cây, đem về giao cho bộ phận mộc thiết kế làm sườn nhà. Tất cả những thợ thầy đều “ăn cơm nhà làm việc xã hội”. Mặc dù vất vả, mệt nhọc nhưng người nào cũng vui vẻ và hoan hỉ, coi đó là một việc làm hữu ích. Ông Nguyễn Bá Hùng tâm sự: “Mỗi lần làm xong một ngôi nhà tình thương, lòng mình cảm thấy sung sướng và hạnh phúc vô cùng. Có lẽ nhờ vậy mà sức khỏe mình cũng tăng lên”. Ông Tư Kiềm bày tỏ: “Mỗi lần giao cho ai một căn nhà mới, đêm đó mình ngủ rất ngon giấc”.

Sau 20 năm hoạt động, ông Tư đã thực hiện hơn 350 căn nhà, sườn bằng cây, mái lợp tôn tại nhiều nơi như Vĩnh Long, Hậu Giang, Rạch Giá, Cần Thơ… Hễ nơi nào có nhu cầu là ông tìm đến để hỗ trợ.

Thông thường mỗi căn nhà làm xong tốn khoảng từ 10 - 20 triệu đồng tùy thuộc nền nhà có sẵn hay không. Tuy nhà cây vách lá đơn sơ nhưng cũng mang đến niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình thoát khỏi cảnh cơ cực. Những người không may bị bệnh hiểm nghèo không tiền chữa trị cũng được ông và các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, gạo, thuốc men.

Tổ từ thiện cùng nhau dựng nhà

Mỗi lần giao cho ai một căn nhà mới, đêm đó mình ngủ rất ngon giấc.

Ông Trương Văn Kiềm

Một lần trong lúc đi công tác, tôi đã phát hiện có một gia đình ở P.Thới An Đông, TP.Cần Thơ, cả hai vợ chồng đều bị tai biến, nằm một chỗ. Sau khi nghe tôi báo tin, ông Tư liền vận động bà con góp 50 kg gạo, đích thân ông dùng xe máy chở đến tận nơi cách nhà trên 30 km.

Cả hai vợ chồng ông Tư có cuộc sống rất hào phóng. Ông làm nhà, bà nấu cơm cho thợ ăn, vất vả nhưng lúc nào bà cũng mỉm cười. Mỗi lần thực hiện xong một công trình ông nở nụ cười hào sảng. Bao nhiêu tiền con cái chu cấp hằng tháng cho ông bà dưỡng già, ông đều lấy mua cây ván và vật liệu. Thế mà con cái vẫn vui.

Ông và các đồng đội không đòi hỏi bất cứ điều gì, sẵn sàng cho đi mà không nhận lại. Trong lúc dựng nhà, chủ nhà cho gì ăn nấy. Ông Tư mỉm cười: “Nơi nào gia chủ khó khăn không lo nổi bữa cơm thì mình xuất tiền nhà ra quán ăn”.

Trong cơn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hồi tháng 4.2021, ông và một số đồng đội không ngơi nghỉ, cùng nhau đi thu gom lương thực và thực phẩm về hỗ trợ những gia đình bị cách ly và các khu phong tỏa. Không những vậy, ông còn động viên, an ủi, chia sẻ với bệnh nhân về những mất mát đau thương trên tinh thần “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Có lần tôi hỏi: Ông Tư định cất thêm bao nhiêu nhà nữa mới thôi? Ông nói một cách chắc nịch: “Tôi sẽ làm đến khi nào không còn làm nổi mới ngưng”. Ông đúng là một “cánh chim không mỏi”, cả đời nặng nợ với người dưng.

Ông Tư là một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực phi thường, cả đời say mê làm việc thiện. Ngưỡng mộ tấm lòng “thấy ai đói rách thì thương” của ông, ni trưởng Thích Trí Tiên, trụ trì chùa Long Khánh (Vĩnh Long), đã vận động quyên góp tặng cho tổ từ thiện của ông số tiền 52 triệu đồng để đóng một chiếc ghe làm phương tiện chuyên chở cây ván và vật liệu làm nhà.

Ông Đinh Minh Thương, Phó chủ tịch UBND P.Tân Lộc, chia sẻ: “Chính quyền, Hội Chữ thập đỏ và nhân dân P.Tân Lộc có truyền thống rất quý báu là luôn đoàn kết giúp nhau trong hoạt động từ thiện. Trên địa bàn, nhờ có chú Tư Kiềm mà nhiều hộ gia đình được giúp đỡ có căn nhà góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.