Giả cả đất của người thân
Sau khi Phan Thị Tình, 24 tuổi, trú xã Tân Lập (H.Hướng Hóa), tạm trú tại P.3, TP.Đông Hà bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” hôm 12.5, nhiều người bất ngờ với hành vi lừa đảo. Theo hồ sơ, Tình lấy thông tin 2 thửa đất của mẹ và bà mình ở xã Gio Hải (H.Gio Linh) rồi thông qua mạng xã hội thuê một người làm giả 2 sổ đỏ mang tên mình. Khi Tình phao tin mình cần tiền, bán đất với giá rẻ thì D.K.D (24 tuổi, P.1, TP.Đông Hà) liên lạc giao dịch và sập bẫy. Thửa đất thứ nhất, Tình đã giao dịch thành công, nhận của D. 300 triệu đồng, nhưng khi giao dịch mảnh đất thứ hai (giá 150 triệu đồng) thì bị công an phát hiện.
Nguyễn Văn Tuấn cùng cuốn sổ đỏ làm giả |
Tại Quảng Bình, từ trình báo của bị hại, Công an H.Bố Trạch cũng đã vào cuộc điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Văn Tuấn (28 tuổi, trú xã Hưng Trạch, H.Bố Trạch) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu, Tuấn lấy thông tin thửa đất 1134, tờ bản đồ số 11 ở thôn Khương Hà 2 (xã Hưng Trạch) do chính quyền cấp cho một người dân từ năm 2018 rồi thuê làm sổ đỏ giả mà mình là chủ sở hữu. Sau đó, Tuấn dùng sổ đỏ giả này cầm cố vay tiền, mua bán đất, lừa đảo chiếm đoạt 150 triệu đồng của 2 anh N.V.H, N.Đ.H (trú ở TT.Phong Nha).
Cẩn trọng giao dịch khi sốt đất
Từ đầu tháng 11.2021, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị cũng đã sớm báo cáo về việc phát hiện một số trường hợp sử dụng phôi giấy chứng nhận giả trên địa bàn tỉnh để giao dịch. Một lãnh đạo của cơ quan này cho rằng, sổ đỏ giả không còn bị phát hiện đơn lẻ mà xảy ra cùng lúc ở nhiều nơi, như TP.Đông Hà, TX.Quảng Trị, H.Hải Lăng, H.Gio Linh… “Giá đất tăng phi mã, nhảy múa trên thị trường là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng giả mạo sổ đỏ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vị này nhận định.
Cũng theo Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị, các phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả được làm rất tinh vi, khó phát hiện với 2 dạng chính. Dạng đầu tiên, sử dụng phôi giấy chứng nhận giả của lô đất có thực, sau đó giả mạo chữ ký, con dấu và sử dụng thông tin giống như trên giấy chứng nhận thực, hồ sơ địa chính do cơ quan chức năng phát hành. Dạng thứ hai là giấy chứng nhận giả, đất không có thực, thông tin trên giấy chứng nhận giả khác với hồ sơ địa chính do cơ quan chức năng đang quản lý. Đối với dạng thứ hai thì phải kiểm tra thực địa vị trí thửa đất, cơ sở dữ liệu và hồ sơ mới phát hiện ra được.
Phan Thị Tình (thứ hai từ phải sang) khi nghe đọc lện h bắt vì thuê người làm sổ đỏ giả để giao dịch |
THANH LỘC |
Trước tình trạng này, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đã giao công an tỉnh khẩn trương điều tra để có biện pháp ngăn chặn, xử lý với hành vi giả mạo giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật. Trong khi đó, đại úy Thái Khắc Tuấn, Phó đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an H.Bố Trạch, Quảng Bình, cho rằng việc mua bán, giao dịch bất động sản diễn ra tương đối phức tạp trước tình hình sốt đất như thời gian qua trên địa bàn Quảng Bình nói chung và H.Bố Trạch nói riêng. Nhiều đối tượng lợi dụng tình hình này để lừa đảo. “Người dân khi mua bán đất đai mà không kiểm chứng đầy đủ thông tin sẽ dễ bị các đối tượng lợi dụng để phạm tội. Nên càng sốt đất thì càng cẩn trọng trong giao dịch bất động sản”, đại úy Tuấn nói.
Bình luận (0)