Ngay từ đầu tháng 1.2010, UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại TP.HCM và các sở, ngành liên quan tăng cường chất lượng hoạt động của mạng lưới ATM dịp Tết Canh Tý 2020. UBND TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng (NH) thương mại có kế hoạch triển khai cụ thể và dự phòng việc tiếp quỹ ATM, xử lý về sự cố kỹ thuật để đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, liên tục, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu rút tiền của người dân. Đặc biệt, cần phối hợp với công an TP tăng cường bảo vệ an ninh trật tự tại các điểm ATM, đảm bảo an toàn cho người rút tiền.
Bản thân các NH cũng đưa ra cảnh báo cận tết hằng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Chẳng hạn Vietcombank nêu rõ một số thủ đoạn lừa đảo như đối tượng mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng; gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin. Sau khi khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ NH điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP). Hoặc đối tượng mạo danh nhân viên NH yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ; lập website/fanpage trên mạng xã hội để mạo danh NH và tiếp cận khách hàng để tư vấn các sản phẩm vay với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với sản phẩm NH đang cung cấp.
Cũng có thể đối tượng giả mạo là nhân viên bưu điện thông báo khách hàng bị nợ cước viễn thông, hoặc khách hàng có bưu kiện, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để thanh toán cước viễn thông hoặc chuyển tiền cước phí vận chuyển bưu kiện hoặc cước lưu kho, thông báo khách hàng trúng thưởng, và yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí để nhận thưởng…
Hay Techcombank cũng đưa ra khuyến cáo các bước lừa đảo phổ biến hiện nay như: thu thập thông tin khách hàng bằng nhiều cách thức khác nhau. Nhiều người bán hàng online đang là nạn nhân của những kẻ lừa đảo trên mạng, do thường đăng tải và tiết lộ các giao dịch/số tài khoản của mình lên trên Facebook… Các NH đều khẳng định không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức nên những yêu cầu đó đều là giả mạo.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, cho rằng càng gần đến tết, tình trạng lừa đảo để lấy cắp thẻ tín dụng, tài khoản NH đang diễn biến mạnh. Nhất là thông qua các mạng xã hội thì việc gửi các đường link giả mạo hay thiệp chúc mừng năm mới, chúc mừng sinh nhật vẫn khá thường xuyên. Hiện nay, có những kẻ lừa đảo không gửi trực tiếp đường link giả mạo mà chỉ gửi các phần mềm ứng dụng có cài đặt mã độc để cài cắm vào máy tính nếu người dùng tải về máy tính. Từ đó những kẻ lừa đảo có thể tiến hành khai thác, đánh cắp mọi thông tin của người dùng kể cả số tài khoản NH, thẻ tín dụng…
“Trước tình trạng lừa đảo diễn biến phức tạp thì người dùng phải cẩn trọng, không mở vào các đường link lạ. Đặc biệt không nên cài đặt các chương trình phần mềm, các ứng dụng lạ vì có thể ẩn chứa nhiều vi rút, mã độc mà người thường không thể biết được. Thậm chí đến khi phát hiện cũng rất khó gỡ bỏ vì nó âm thầm chạy trên máy tính và thường xuyên làm gián điệp gửi thông tin về cho kẻ lừa đảo…”, ông Võ Đỗ Thắng nhấn mạnh.
Bình luận (0)