Cảnh giác với những chiêu lừa nhà trọ 'chuyên nghiệp'

Thanh Nam
Thanh Nam
12/10/2018 10:20 GMT+7

Nếu không cẩn thận, thì cả chủ nhà trọ lẫn người thuê đều có thể sụp bẫy lừa do kẻ xấu giăng ra bất kỳ lúc nào.

Thương người, người trộm tài sản
Đầu tháng 10, anh Nguyễn Tiến Chánh, chủ khu trọ trên đường Nhất Chi Mai (Q.Tân Bình, TP.HCM) đăng tin cho thuê phòng trên các trang mạng. Ngay sau đó, có cặp vợ chồng trẻ tìm đến thuê.
Thấy khách có vẻ hiền lành, nên anh Chánh đồng ý thông cảm những vấn đề mà vợ chồng trên chia sẻ như: vì ở quê mới lên thành phố lần đầu, bị rạch túi xách nên mất hết giấy tờ tùy thân, cũng như chẳng còn đủ tiền để đóng tiền cọc cũng như tiền phòng trọ, phải chờ người nhà ở quê gởi tiền lên... Vị chủ nhà còn tỏ ra rộng lượng khi mua chiếu và đồ vệ sinh cá nhân cho đôi vợ chồng trẻ này.

Thế nhưng chỉ lưu trú đúng một đêm, đến sáng hôm sau thì hai người khách bỗng dưng biến mất. Xe đạp điện trị giá hơn 8 triệu đồng dựng ở khu vực để xe chung cũng không cánh mà bay. Hai điện thoại, ví tiền của chủ nhà cùng nhiều tài sản khác cũng mất hút bặt vô âm tín như hai vị khách xa lạ.
"Nghĩ lại mọi chuyện tôi thấy mình... ngu ghê. Vì lẽ ra cần phải cảnh giác cao độ với những người bày ra những lý do để không chịu xuất trình giấy tờ tùy thân. Đằng này lại quá dễ dãi. Mình thương người, nào ngờ người lại trộm tài sản của mình", anh Chánh rút ra kinh nghiệm.
Chiêu xin vào ở trọ rồi lợi dụng thời cơ trộm tài sản của chủ nhà, của người cùng phòng là không hiếm. Trần Anh Đức, sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đang trọ ở đường Hoàng Diệu (Q.Thủ Đức, TP.HCM) kể: "Ngày 5.10, em đăng tin cho ở ghép. Sau đó có một người đến xin ở cùng. Người này tự giới thiệu đang là sinh viên năm cuối Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Người này cũng hỏi giá tiền, và đóng tiền trước rất sòng phẳng... nên mình rất yên tâm".
Thế nhưng kết quả thì sau hai ngày ở chung, Đức đã mất ví tiền gần 6 triệu đồng, là tiền công của một tháng đi làm thêm, và máy tính xách tay vừa mua trị giá hơn 14 triệu đồng. Chưa kể những vật dụng cá nhân như: giày, mũ... cũng bị lấy cắp.
Đức nói: "Mình từng nghe chiêu lừa này nhưng không ngờ có ngày cũng sập bẫy. Họ xin vào ở ghép. Tỏ ra dư dả, sống sòng phẳng, tốt bụng, kiếm cớ giúp mình... nhưng sau đó lợi dụng mình ra ngoài, hoặc đêm tối khi mình ngủ thì ra tay trộm cắp. Đây là bài học cảnh giác dành cho những sinh viên có ý định tìm người ở ghép. Khi ai đến xin ở cùng, phải kiểm tra giấy tờ đầy đủ, kỹ lưỡng, phải chụp lại ảnh... để đề phòng những bất trắc về sau".
Giả danh chủ nhà để thu tiền
Ngày 2.10, Lê Thị Thu Hiền cùng Nguyễn Thị Thanh Tuyết, cùng là SV Trường ĐH Văn Lang đến thuê phòng trọ ở đường Trần Kế Xương (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Thấy phòng vừa ý, Hiền và Tuyết đã đặt cọc trước một tháng tiền nhà là 3,2 triệu đồng, được chủ dãy trọ đưa chìa khóa cổng ra vào và phòng ở.
Đến ngày 4.10, cả hai dọn đồ đến thì được yêu cầu đóng tiền nhà với số tiền 3,2 triệu đồng. Tuy nhiên đến chiều, chủ nhà đến thu tiền nhà khiến hai sinh viên tá hỏa, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. "Thì ra, người thu tiền nhà lúc sáng là một kẻ mạo danh. Có thể đó là bạn bè của người nào trong khu trọ. Biết chúng mình là khách mới thuê, nghe câu chuyện chúng mình thuê nhà ở đây, nên đã lợi dụng cơ hội để thu tiền nhà rồi cao chạy xa bay. Khi kể lại câu chuyện với chủ nhà, chủ nhà cũng bất ngờ, và chiếu cố chỉ thu nửa tháng tiền nhà", Tuyết kể lại.
Cần có những kinh nghiệm như: chỉ đóng tiền cho chủ nhà trọ, lưu số điện thoại của chủ trọ để liên lạc khi gặp chuyện khả nghi ẢNH: THANH NAM
Câu chuyện giả danh chủ nhà trọ để thu tiền cũng từng được nhiều sinh viên, công nhân phản ánh. Thông thường, các chủ nhà trọ sống tách bạch với các khu nhà trọ cho thuê, chỉ đến ngày thu tiền trọ mới đến. Lợi dụng điều này, nhiều người (cũng sống trong khu trọ) hiểu rõ thời gian chủ trọ thường đến vào tháng trước, để nhờ người khác (là bạn bè ở bên ngoài) đến, mạo danh là người nhà chủ trọ, được chủ nhà trọ bảo đến thu tiền giúp... 
Cách đây 4 tháng, vào tháng 6.2018, ông Lê Văn Hương, chủ dãy trọ ở hẻm 373 đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã mất hơn 26 triệu, là tiền cho thuê 14 phòng trọ. "Tôi cũng chẳng biết ai giả danh là cháu ruột của tôi, đến từng phòng để thu tiền nhà. Đến khi mình đến thu thì người thuê họ báo lại. Chẳng biết phải làm sao", ông Hương than vãn.
Nguyễn Trung Thảo, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm, để không bị sụp những bẫy lừa, chiêu lấy tiền từ kẻ gian liên quan đến nhà trọ, thì cần phải lưu lại số điện thoại của chủ nhà trọ, và liên lạc họ ngay khi phát giác có điều khả nghi, có kẻ lạ mặt xuất hiện... "Và trên hết, khi đóng tiền, chỉ đóng cho chủ nhà chứ không đóng cho ai khác", Thảo nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.