Tối 19.2, Công an TP.HCM tổ chức đón 5 chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trở về sau 9 ngày hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Người nhà của 5 chiến sĩ cũng có mặt, tay ôm những bó hoa tươi thắm mong chờ gặp người thân sau bao ngày lòng nóng như lửa đốt, chờ đợi.
5 chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trở về sau 9 ngày làm nhiệm vụ - Ảnh: Ngọc Dương
Làm với 200% sức lực
"Lại đây, lại đây. Thấy ba rồi nè", chị Phạm Thị Thắm (41 tuổi, vợ trung tá Nguyễn Chí Thành) gọi 2 con, chỉ về phía cửa kính.
"Ba", hai cô con gái lần lượt 11 và 12 tuổi nhảy lên, với với tay hy vọng phía xa xa ba sẽ nhìn thấy. Cả hai tiến gần sát cửa, nhảy chân sáo vì vui sướng.
Trung tá Thành với vòng hoa nguyệt quế đeo ở cổ và bó hoa vừa được thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng (Phó giám đốc Công an TP) và đại tá Huỳnh Quang Tâm (Trưởng phòng PC07) tặng ra cổng, tặng lại cho vợ con. Hai "con gái rượu" vội ôm chầm lấy ba, hít hà hơi ấm quen thuộc.
Tâm sự ngày về của chiến sĩ công an cứu nạn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Đây không phải lần đầu tiên xa nhau, nhưng khoảnh khắc đoàn viên hôm nay của gia đình trung tá Thành thật đặc biệt. 9 ngày anh nhận nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ là những ngày vợ ở nhà lo đến mất ngủ, cả ngày chỉ trông chờ đến đêm nhận tin nhắn báo bình an của chồng.
Anh Thành chia sẻ: "Cảm xúc hôm nay thật khó tả, vinh dự, tự hào. Trong 9 ngày, đoàn cứu hộ của Việt Nam làm việc với 200% sức lực, may mắn phối hợp với các nước trên thế giới cứu thành công 1 thiếu niên 17 tuổi. Bạn bè quốc tế đánh giá cao năng lực, tinh thần, trân trọng Việt Nam".
Trung tá Nguyễn Chí Thành có 22 năm trong nghề - Ảnh: Ngọc Dương
Theo anh Thành, ngày đầu đến Thổ Nhĩ Kỳ sau chuyến bay dài, đoàn tiếp tục đi bằng xe ô tô 9 tiếng nữa mới đến địa điểm cứu hộ. Các chiến sĩ nhịn đói suốt 24 tiếng, nhiệt độ -6oC, lạnh và đói, không điện nước. Các thành viên đoàn tự động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn để nỗ lực cứu nạn cứu hộ.
Những ngày lăn lộn dưới các đống đổ nát đầy bụi bặm, mùi thi thể phân hủy lại không có nước tắm, anh Thành cùng đồng đội gần như đeo khẩu trang N95 24/24. Do đó, gương mặt đen cháy phờ phạc của anh Thành vẫn còn hằn vết xước sâu ngay sống mũi và hai bên vành tai sưng đỏ.
Ngoài cứu nạn cứu hộ, đoàn cảnh sát của Việt Nam cũng viện trợ về y tế, thăm hỏi người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ và cả người bản địa, hỗ trợ người dân dựng lều. "Chúng tôi đi đến đâu chính quyền địa phương và người dân cũng để tay lên ngực, cúi đầu chào rồi vỗ tay khiến chúng tôi thấy rất hãnh diện, tự hào Việt Nam. 2 giờ trước khi bay, chúng tôi đi ra phố, họ biết là người Việt Nam nên ăn gì họ cũng không lấy tiền mà còn cảm ơn. Đón nhận tình cảm ấy, tôi xúc động rưng rưng nước mắt", trung tá Thành tâm sự.
Vừa kịp chụp với vợ con 1 tấm ảnh selfie, đồng đội anh Thành chạy đến tay bắt mặt mừng: "Ôi, đại ca! Khỏe chứ ha". Chị Thắm thấy vậy đứng nép qua một bên, "nhường" chồng cho đồng đội. "Ảnh mà lao vào việc là quên ăn quên ngủ, có lần làm đến xỉu đi, bật dậy ăn ổ bánh mì rồi làm tiếp", vừa nhìn chồng chị vừa nhắc lại.
Phút giây đoàn viên hạnh phúc của gia đình các chiến sĩ - Ảnh: Ngọc Dương
Kể về lần cứu nạn cứu hộ đặc biệt nhất những ngày qua, thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo cho biết đó là ngày cứu hộ 4 nạn nhân trong cùng một gia đình. "Người chồng đang ôm vợ và 2 con nhưng chạy ra không kịp, sập ngay cửa. Khi đưa nạn nhân ra nhìn cảnh vậy ai cũng đau xót, thương tiếc", anh chia sẻ.
Thượng úy Nguyễn Văn Trung thì cho hay, nhìn xung quanh hoang tàn, người dân đứng trước các đống đổ nát mong chờ từng phút giây khiến ai cũng đau lòng, quyết tâm làm việc hết sức để đưa người ta về với gia đình.
Run mà tự hào!
Đến đón chồng là thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo cùng 2 con, chị Hoàng Thị Hạ cầm một bó hoa hồng đỏ rực trên tay, cười hạnh phúc tặng chồng khiến cả hai cùng "sượng sùng" – bởi đây là lần đầu tiên chị mua hoa tặng chồng. "Ảnh thì lãng xẹt lắm chứ không lãng mạn nên cũng ít khi tặng hoa cho vợ", chị cười.
Chị Phạm Thị Phương Thanh (vợ thượng úy Nguyễn Nhật Phương) thì cầm bó hoa được mẹ ruột mua tặng con rể trao tận tay chồng. Trải qua 9 ngày lo lắng vì dư chấn động đất, chồng cứu nạn ở nơi có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, chị Thanh chỉ thở phào, cười mà mắt đỏ hoe khi thấy chồng bước ra từ sảnh đến.
"Lúc nào hỏi anh cũng nói bình thường, nhưng xem ti vi tôi biết ở đó nguy hiểm, khó khăn ra sao. Nghề cứu hộ khó khăn, đối mặt sinh – tử mong manh, lúc đầu biết anh theo nghề tôi có phản đối nhưng anh thì mê việc, nói giúp người cũng như giúp mình. Giờ đây thì tôi tự hào vì có người chồng luôn sống vì mọi người", chị bộc bạch.
Có con trai là đại úy Nguyễn Trường Nam tham gia đoàn cứu hộ, ông Nguyễn Văn Tự (63 tuổi) cho biết, ngày con lên đường, ông dặn con phải hết sức cẩn thận, coi kỹ địa hình, an toàn cho mình thì mới làm tốt được nhiệm vụ. Ông cũng tự chạy đi mua cho con một chiếc áo lạnh nhưng vì gấp gáp nên anh không kịp chạy về nhà lấy.
Ông chia sẻ: "Theo dõi tin tức hằng ngày, tôi biết con đang làm gì. Ngày con chọn nối nghiệp tôi theo ngành công an và chọn theo cứu hộ, tôi luôn động viên con phải xả thân mình để giành sự sống cho người khác. Giờ đây con hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về, tôi vừa run mà sướng, tự hào".
Xem nhanh 12h ngày 20.2: Vì sao bắt khẩn cấp thiếu tướng Đỗ Hữu Ca | 24 chiến sĩ cứu nạn động đất trở về an toàn
Bình luận (0)