Ông Thierry Frémaux, giám đốc nghệ thuật của liên hoan phim (LHP), trong buổi gặp gỡ báo chí trước khi LHP chính thức diễn ra, cho biết ban tổ chức đã phải xem 2.000 phim để chọn ra chỉ 70 phim xuất sắc nhất tham dự mùa giải.
Trong số 21 phim tranh Cành cọ vàng, có thể thấy rõ 2 thế hệ đạo diễn đứng sau những tác phẩm chất lượng, trang indieWire nhấn mạnh. Đó là thế hệ làm phim cây đa cây đề, được thế giới biết đến trong nhiều thập niên qua và thế hệ trẻ hơn, "có khả năng phá vỡ đường đua Cành cọ vàng năm nay". Trong danh sách tranh giải có đạo diễn Ken Loach tiếp tục trở lại đường đua với phim The Old Oak (trước đó ông 2 lần đoạt giải Cành cọ vàng vào các năm 2006 và 2016), hay nhà làm phim Nuri Bilge Ceylan góp mặt với phim About Dry Gasses (trước đó ông thắng giải vào năm 2014); bên cạnh đó là đạo diễn Wim Wenders với phim Perfect Days (thắng giải năm 1984); Wes Anderson tiếp tục tái xuất Cannes với phim Asteroid City; Todd Haynes với phim May December… Đây là các nhà làm phim có bề dày kinh nghiệm chinh chiến tại các giải thưởng phim ảnh lớn, không chỉ Cannes.
Ở nhóm đạo diễn trẻ có nhà làm phim lần đầu có phim tranh giải là Ramata Toulaye-Sy với Banel and Adama (đây là phim mà cô lần đầu ngồi ghế chỉ đạo). Có 7 đạo diễn nữ tranh Cành cọ vàng, so tài với 14 đạo diễn nam.
Châu Á tại Cannes
Cuộc đua tranh giải Cành cọ vàng năm nay gay cấn vì bên cạnh những tác phẩm đa phần đến từ Pháp và Ý, phim từ những đạo diễn châu Á/gốc Á cũng gây chú ý vì tính gai góc của chủ đề. Nhà làm phim gốc Việt Trần Anh Hùng góp mặt tại hạng mục với phim The Pot-au-Feu, Hirokazu Kore-eda với phim Monster… Trong đó, nhà làm phim Hirokazu Kore-eda từng thắng Cành cọ vàng vào năm 2018 (phim Shoplifters), Trần Anh Hùng từng đoạt giải Caméra d'Or (Camera vàng) năm 1993 (phim Mùi đu đủ xanh).
Hiện báo chí phương Tây, như Deadline, dành sự chú ý cho nhà làm phim Hirokazu Kore-eda vì năm 2018, phim Shoplifters của ông, khai thác đời sống thị dân Nhật Bản với góc nhìn trần trụi, gây tiếng vang và năm rồi ông tranh giải với phim nói tiếng Hàn là Broker - chung cuộc, tài tử Song Kang-ho thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Monster, tác phẩm lần này của ông đưa chất tâm lý ly kỳ vào bối cảnh học đường, được Deadline nhìn nhận là "tiếp tục pha trộn nhiều chủ đề mà Hirokazu Kore-eda quan tâm trong các phim trước như bạo hành trẻ em, khủng hoảng gia đình và cách mà đời sống của một gia đình có thể phản ánh hiện thực xã hội rộng lớn hơn". Còn với Trần Anh Hùng, nhà làm phim này kết hợp chủ đề tình yêu và ẩm thực trong bộ phim Pháp The Pot-au-Feu, lấy bối cảnh thập niên 1880. Đạo diễn Trung Quốc Vương Binh chọn góc nhìn hiện thực gai góc với phim Thanh xuân, kể về đời sống của một nhóm công nhân dệt ở một ngôi làng thuộc Hồ Châu.
Mùa giải năm nay chỉ có duy nhất đại diện mang quốc tịch VN là đạo diễn Phạm Thiên Ân góp mặt tại Cannes với phim Bên trong vỏ kén vàng (Inside The Yellow Cocoon Shell) ở hạng mục Directors' Fortnight, một trong những hạng mục diễn ra song song với giải chính. Trước đây, phim Việt từng thắng giải tại các hạng mục song song, như phim Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di tại LHP Cannes lần thứ 63 (2010).
Bình luận (0)