Cáo buộc phá hoại nổi lên sau vụ rò rỉ đường ống Nord Stream

30/09/2022 15:58 GMT+7

Các quan chức Liên minh châu Âu và NATO cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu đều sẽ bị đáp trả một cách “mạnh mẽ”. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các đường ống dẫn khí đốt dưới biển bị rò rỉ mà chưa rõ nguyên nhân.

Lực lượng tuần duyên Thụy Điển hôm 29.9 cho biết họ đã phát hiện điểm rò rỉ khí đốt thứ 4 chưa rõ nguyên nhân trên đường ống dẫn khí Nord Stream chạy ngầm dưới biển Baltic nối Nga và châu Âu.

Khi khí đốt sùng sục nổi lên mặt nước, Brussels, Moscow và Washington tung ra các cáo buộc phá hoại.

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang điều tra nguyên nhân của vụ rò rỉ đường ống Nord Stream 1 và 2 dưới biển Baltic.

EU nghi ngờ có phá hoại và cam kết sẽ có “phản ứng mạnh mẽ và đồng nhất”.

Tuy nhiên, hiện EU vẫn chưa xác định ai là thủ phạm.

Tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo “bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của các đồng minh sẽ bị đáp trả một cách kiên quyết và thống nhất”.

Một quan chức EU đã liên hệ trực tiếp việc rò rỉ Nord Stream và chiến sự tại Ukraine. Quan chức này cho biết nếu đường ống đã bị phá hoại thì “điều này về cơ bản sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột”.

Vẫn chưa rõ quốc gia nào, dù là bên cung cấp hay bên tiêu thụ, lại có thể tìm cách phá hoại một cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng đến vậy.

Ông Thierry Bros, một chuyên gia về khí đốt châu Âu đang làm việc tại trường Đại học Sciences Po ở Paris, nhận định:

“Tôi không chắc có quốc gia châu Âu nào muốn làm việc này, vì đâu có lý do gì một nước châu Âu làm như vậy? Và, tôi cũng không chắc đó là Mỹ. Vì vậy, khả năng còn lại - cho dù nó không có yếu tố logic - hướng về phía Nga”.

Ông Bros nói với Reuters rằng hoàn toàn không chắc chắn được việc Nga lại tìm cách phá hoại cơ sở hạ tầng năng lượng trị giá hàng tỉ USD của mình.

Tuy nhiên, ông suy luận rằng trong số các bên có thể thực hiện vụ phá hoại, Nga là khả năng dễ xảy ra nhất vì vụ việc này trùng hợp với ý định của Điện Kremlin nhằm bộc lộ sự mong manh của nguồn cung năng lượng ở châu Âu.

Rò rỉ khí metan tác động đến khí hậu toàn cầu như thế nào?

Nga và các đối tác ở châu Âu đã chi hàng tỉ USD để xây dựng các đường ống do công ty năng lượng Gazprom thuộc Nga vận hành.

Moscow hiện đang tiến hành một cuộc điều tra độc lập và bày tỏ nghi ngờ những kẻ “khủng bố do nhà nước bảo trợ” đã thực hiện hành động phá hoại.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga hôm 29.9 cho rằng Washington có được nhiều lợi ích nhất từ việc đường ống Nord Stream bị hư hỏng.

Điện Kremlin cũng cho rằng những cáo buộc nhắm vào Nga là “ngớ ngẩn”.

Moscow đã ngừng chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 như một đòn đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đường ống Nord Stream 2 vẫn chưa được đưa vào hoạt động thương mại.

Mặc dù không được sử dụng trong thời điểm phát hiện rò rỉ nhưng cả hai đường ống vẫn chứa một lượng khí đốt rất lớn ở bên trong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.