Cao tốc Bắc - Nam: Nội lo rủi ro, ngoại muốn bảo lãnh

Mai Hà
Mai Hà
18/05/2019 06:41 GMT+7

Đại diện một doanh nghiệp trong nước bày tỏ lo ngại, doanh thu dự án cao tốc Bắc - Nam không đạt như kỳ vọng do lưu lượng thay đổi, trong khi đó, NĐT quốc tế đặt nhiều câu hỏi về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh ngoại tệ...

Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, hôm qua (17.5) Bộ GTVT tổ chức một hội nghị kêu gọi đầu tư rộng rãi vào dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Vụ Đối tác công - tư (PPP, Bộ GTVT), trong số các nhà đầu tư (NĐT) nộp hồ sơ sơ tuyển, NĐT trong nước chiếm hơn một nửa, các NĐT nước ngoài chiếm khoảng 45%, bao gồm các nước như Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia…

Lấy ý kiến bộ ngành về hỗ trợ, bảo lãnh doanh thu

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Chính phủ đã giao bộ này lên kế hoạch cụ thể về việc giải phóng mặt bằng, toàn bộ kinh phí từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Bộ GTVT cam kết cơ bản bàn giao mặt bằng sạch cho NĐT trước khi triển khai dự án.
Hiện Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư của 11 dự án, trong đó 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sẽ được thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn NĐT.
“Các tiêu chí lựa chọn sơ tuyển NĐT đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật VN và phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt NĐT trong nước và quốc tế. Bất kỳ NĐT nào đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm, cung cấp được dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án”, Thứ trưởng Nhật khẳng định.
Tại hội nghị, đại diện một doanh nghiệp trong nước bày tỏ lo ngại, doanh thu dự án không đạt như kỳ vọng do lưu lượng thay đổi, NĐT liệu có được hỗ trợ? Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP, khi lưu lượng giảm xuống sẽ tính toán lại thời gian thu phí, thời gian nhượng quyền… Bộ đang giao cho 2 tư vấn nghiên cứu các quy định phù hợp với pháp luật VN, lấy ý kiến các bộ, ngành theo hướng chia sẻ rủi ro cho NĐT ở mức độ nào.
Trong khi đó, NĐT quốc tế đặt nhiều câu hỏi Chính phủ VN có biện pháp giảm thiểu rủi ro cho họ hay không trong khi pháp luật VN chưa quy định về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh ngoại tệ cho các dự án có vòng đời 17 - 24 năm. Đại diện Vụ Đấu thầu, Bộ KH-ĐT, cho biết sẽ đưa vấn đề bảo lãnh doanh thu vào nghị định lấy ý kiến các bộ, ngành.

Không phân biệt đối xử nhà đầu tư

Trước nhiều ý kiến xung quanh việc NĐT Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam, trao đổi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Danh Huy cho biết, VN đang là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và theo quy định của tổ chức này, các quốc gia thành viên đều có một bộ quy chế mua sắm của Chính phủ (GPA), trong đó yêu cầu tất cả các nước thành viên không được phân biệt đối xử với bất kể một quốc gia nào.
Theo ông Huy, vấn đề dư luận quan tâm thực chất là chất lượng và tiến độ của dự án. Vì thế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đưa ra một bộ hồ sơ mời thầu cũng như một hợp đồng quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng để đảm bảo các NĐT khi tham gia vào phải cung cấp được dịch vụ tốt nhất, đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Đây là điều quan trọng hơn việc xem xét NĐT đến từ quốc gia nào.
Với việc người dân lo ngại các dự án do Trung Quốc thực hiện sẽ giống như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), ông Huy cho rằng, cần phân biệt rõ nhà thầu và NĐT là hoàn toàn khác nhau. Khi lựa chọn NĐT xong thì NĐT mới được chọn nhà thầu và theo điều 5 của luật Đấu thầu, nhà thầu được lựa chọn phải liên danh với nhà thầu trong nước.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, khoảng 27.500 tỉ đồng được Chính phủ tham gia cùng NĐT trong 8 dự án PPP đã có sẵn, đầu năm 2020 sau khi lựa chọn được NĐT sẽ giải ngân ngay, cùng với mặt bằng sạch sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Tổng mức đầu tư 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông khoảng 118.000 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia khoảng 55.000 tỉ đồng. Bộ GTVT đã huy động 2 tư vấn giao dịch quốc tế là Deloitte và Ernst & Young rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng... Dự kiến, tháng 8 Bộ GTVT sẽ công khai kết quả sơ tuyển, sang tháng 10 thông báo mời thầu. Vòng đấu thầu sẽ có tối đa 5 NĐT. Trường hợp chỉ có 1 NĐT, Bộ GTVT sẽ báo cáo lên Chính phủ để xin phương án thay vì chỉ định thầu như trước đây. Sau khi hoàn tất đấu thầu, Bộ GTVT phấn đấu đến tháng 4.2020 sẽ ký hợp đồng với NĐT đầu tiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.