Bộ GD-ĐT có rất nhiều hứa hẹn và văn bản
Tháng 4.2023, Bộ GD-ĐT ban hành quyết định phê duyệt tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh (HS). Theo tài liệu này, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em, cướp đi mạng sống của hơn 3.000 trẻ em VN mỗi năm.
Cách đây hơn chục năm (năm 2011), trả lời Báo Thanh Niên, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD-ĐT, khi ấy cho biết: "Tôi cho rằng một người có tri thức thì phải biết đọc và biết bơi, vì vậy ngoài kỹ năng biết đọc thì biết bơi là kỹ năng thiết yếu đối với một con người. Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng cần quy định đến một lứa tuổi nào đó HS phải biết bơi (ví dụ, sau khi kết thúc cấp tiểu học, HS phải biết bơi và phải được cấp chứng nhận cho môn học này, nếu đây là điều kiện cần để xét cho HS được chuyển cấp học thì cũng tốt). Nếu quy định được việc này thì chúng ta sẽ gắn được trách nhiệm cao giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, dạy bơi cho các em.
Thời điểm đó, đại diện Bộ GD-ĐT cũng hứa sẽ xây dựng Đề án phổ cập bơi trong trường học với cách làm theo hình thức cuốn chiếu. Những vùng có nguy cơ cao về đuối nước đối với trẻ em sẽ được chú trọng; những nơi có điều kiện cơ sở vật chất và có thể tận dụng tốt nguồn xã hội hóa thì sẽ làm trước. Không nhất thiết mỗi trường phải có một bể bơi và mỗi trường phải có một giáo viên chuyên trách dạy bơi; có thể một cụm trường sẽ sử dụng chung một bể bơi và có 1 - 2 giáo viên là đã có thể đưa môn bơi vào dạy trong chương trình chính khóa cho học sinh. Cũng theo ông Ngũ Duy Anh, trong dự thảo đề án phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có tiểu dự án về dạy bơi cho HS do Bộ GD-ĐT đảm nhận thì cũng chú trọng vào việc tập trung dạy bơi cho đối tượng HS tiểu học, tiến tới phổ cập bơi cho 100% HS tiểu học.
Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường chưa có nhiều tiến triển chứ chưa nói đến việc thực hiện "Đề án phổ cập bơi" cho HS.
Ánh Viên muốn đi khắp cả nước phổ cập việc học bơi cho trẻ em
Bộ trưởng GD-ĐT nói gì về đề xuất đưa môn bơi vào chương trình chính khóa ?
Sốt ruột, đau lòng trước tình trạng trẻ đuối nước liên tục gia tăng hằng năm, cử tri, đại biểu Quốc hội cũng nhiều lần chất vấn, đề xuất, kiến nghị với tư lệnh ngành GD-ĐT về việc phổ cập môn bơi cho HS. Năm 2020, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đặt vấn đề: Gần đây tình trạng đuối nước ở trẻ em thường xảy ra, gây nhiều thương tiếc cho gia đình và xã hội. Đề nghị ngành giáo dục có kế hoạch dạy bơi cho các em trong các trường học và định hướng bổ sung môn bơi lội vào chương trình học chính thức từ bậc tiểu học.
Đến cuối năm 2022, sốt ruột trước tình trạng không mấy thay đổi sau những văn bản và hứa hẹn của ngành GD-ĐT, trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An lại kiến nghị: "Bộ GD-ĐT nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dạy bơi cho các em trong các trường học và định hướng bổ sung môn bơi lội vào chương trình học chính thức từ bậc tiểu học để khắc phục tình trạng đuối nước thương tâm ở trẻ em, xây dựng hồ bơi trong nhà trường hoặc ở mỗi địa phương".
Trong văn bản trả lời, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lại tiếp tục khẳng định Bộ "đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống đuối nước trẻ em, HS, khuyến khích dạy bơi trong các cơ sở giáo dục", như Quyết định số 4501 ngày 29.11.2021 về triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, HS giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em, HS. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng viện dẫn: "Đã ban hành kế hoạch triển khai theo từng năm và các văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống đuối nước vào các dịp HS nghỉ hè, nghỉ học, công điện về việc tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, HS; đã phê duyệt tài liệu giáo dục hướng dẫn phòng tránh đuối nước cho HS và các tài liệu truyền thông về phòng, chống đuối nước cho trẻ em...
Trong chương trình môn giáo dục thể chất, nội dung bơi lội (môn bơi) là môn học chính khóa được thực hiện dưới hình thức môn thể thao tự chọn ở giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và THCS) và hình thức câu lạc bộ ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng: "Để tổ chức dạy bơi trong nhà trường, một trong những điều kiện tiên quyết là phải có bể bơi, trong khi không phải nhà trường nào cũng đáp ứng ngay được nên cần có lộ trình để đưa môn bơi vào giảng dạy ở thời điểm thích hợp và phù hợp đặc điểm vùng miền".
Dù hứa: "Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để có thể đưa môn bơi vào giảng dạy trong nhà trường" nhưng mặt khác Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động đầu tư để tăng cường dạy bơi trong nhà trường bằng các hình thức phù hợp, theo mô hình kết hợp công tư, gia đình - nhà trường - xã hội.
Bình luận (0)