Nhiều năm nay, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) áp dụng phổ cập và cấp giấy chứng nhận về kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước cho HS lớp 10. Tuy không đưa vào lịch học chính khóa nhưng ngay sau khi HS trúng tuyển vào lớp 10 của trường, những HS chưa biết bơi phải tham gia khóa học bơi do nhà trường tổ chức (có ký hợp đồng với HLV bơi lội). Tuy nhiên, nhà trường cũng không có bể bơi mà phải thuê bể bơi thông minh và mở các lớp học ngoại khóa để phục vụ HS.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Hà Đông (Hà Nội) cho hay những năm qua, Phòng đã phối hợp với Trung tâm VH-TT-TT của quận cùng nhà trường, các phường thực hiện phổ cập bơi tại 7 bể bơi tại các trường có sẵn bể bơi. Những trường xây mới đều chú trọng dành diện tích và kinh phí xây bể bơi đạt chuẩn để đưa môn bơi vào dạy cho HS như một nội dung của môn giáo dục thể chất. Quận bảo đảm 100% HS sau khi tham gia lớp phổ cập bơi phải biết bơi (nếu HS chưa biết sẽ tiếp tục dạy miễn phí đến khi nào các em biết bơi).
Tuy nhiên, mô hình phổ cập bơi chưa được nhân rộng ở các cơ sở giáo dục. Bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng phòng GD-ĐT H.Sóc Sơn (Hà Nội), cho biết hiện tại, chưa có bất kỳ trường học nào trên địa bàn huyện đủ điều kiện, cơ sở vật chất để lắp đặt bể bơi tại trường. Do vậy, việc dạy bơi chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết trên lớp. Dù thừa nhận việc phổ cập bơi trong trường học là điều cấp bách, nhưng bà Huế cho biết do điều kiện cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, Phòng GD-ĐT sẽ đề xuất với UBND huyện lắp bể bơi thông minh tại các trường…
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cũng nêu thực tế: Hiện việc dạy bơi cho HS không phải ngành giáo dục muốn là làm được vì còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất, nhân lực mà hai điều kiện này ngành GD-ĐT đều không thể tự quyết định. Trường của ông hàng chục năm qua, kiên trì đưa dạy bơi, phòng chống đuối nước vào chương trình giáo dục thể chất, thuê bể bơi dài hạn gần trường với mục tiêu HS hoàn thành cấp tiểu học, hoặc chậm nhất là THCS phải biết bơi. Ông Hòa cho rằng phổ cập bơi phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm khắc phục khó khăn của các trường chứ đợi đến khi có bể bơi, có HLV mới tổ chức dạy học thì không biết đến bao giờ.
Bình luận (0)