Khi phát hiện giấy đi đường (mẫu cũ) có nhiều vấn đề nảy sinh trên thực tế, nhất là tình trạng cấp sai thẩm quyền, sai đối tượng… chính quyền TP.Đà Nẵng đã thay đổi, chỉnh sửa, áp dụng từ trưa nay 6.8. Nhưng ngay cả mẫu giấy mới cũng phải linh hoạt trong khâu xác nhận và sử dụng.
Hôm qua 5.8, UBND các phường trên địa bàn TP.Đà Nẵng bắt đầu tiếp nhận giải quyết xác nhận giấy đi đường cho doanh nghiệp (DN) được phép hoạt động theo Chỉ thị 05 UBND TP.Đà Nẵng. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ở hầu hết các phường, đại diện DN đến xác nhận khá đông. Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch UBND P.Vĩnh Trung (Q.Thanh Khê) cho biết địa phương phân công thêm cán bộ làm việc, lực lượng dân quân được tăng cường, bổ sung cả ghế ngoài sân cho khách chờ. P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) dành hẳn hội trường, bố trí một tổ công tác hướng dẫn…
Tìm phương án hợp lý
Tại địa bàn Q.Hải Châu, người đến xác nhận khá đông khiến cán bộ phường phải linh hoạt giải quyết. Ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND P.Thạch Thang, cho biết cán bộ phường nghỉ 50% số lượng nên có thời điểm chưa đủ người để kịp hướng dẫn, giải đáp và giải quyết. Tại P.Nam Dương, cán bộ tốn thêm thời gian tra cứu vì nhiều DN chưa chủ động in các giấy tờ cần thiết, nhất là chứng minh ngành nghề kinh doanh đủ điều kiện “thiết yếu” do UBND TP quy định.
Ngược lại, ông Trần Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND P.Thanh Bình, lại cho rằng cho dù nhiều DN chủ động in xác nhận từ Sở KH-ĐT về danh mục các ngành nghề được hoạt động, nhưng cán bộ phường vẫn phải tra cứu thêm từ Sở Công thương về tình trạng hoạt động của DN, tránh trường hợp DN không còn hoạt động vẫn… xin giấy đi đường cho mục đích khác.
Vấn đề đặt ra là địa phương có thể kiểm soát được việc cấp giấy đi đường đúng ngành nghề, nhưng lại khó kiểm tra DN liệu đã chấp hành phương án làm việc 50% số người theo quy định hay chưa. Theo ông Nguyễn Phúc Bảo Nam, Chủ tịch UBND P.Nam Dương, quan trọng là tự DN phải ý thức cao về yêu cầu chống dịch. Chưa kể, mỗi loại hình DN có phương thức cấp giấy đi đường khác nhau. “Không thể cấp giấy đi đường cho người làm bảo vệ đi quanh thành phố, mà cần có ngày, giờ làm cụ thể, lộ trình di chuyển mới đảm bảo đúng mục đích, dễ kiểm soát”, ông Bảo Nam nói.
Trong khi đó, đối với một số ngành nghề không nằm trong danh mục thiết yếu nhưng thực tế lại rất cần thiết cho hoạt động khác, thì địa phương cũng cần linh hoạt. Ông Bảo Nam đơn cử người cung cấp mực in, sửa máy in thì thật khó cấp giấy đi đường dài hạn, nhưng có thể cấp giấy đi đường dùng 1 lần, ví dụ cấp cho đi theo ngày, giờ đó, xong việc thì trở về nhà… Đồng quan điểm, ông Võ Đức Lâm, Chủ tịch UBND P.Hòa Cường Nam, cho hay những hộ buôn bán nhỏ như cửa hàng điện, nước, thợ sửa điện nước không nằm trong nhóm “thiết yếu” nhưng rất nhiều người cần đến khi hệ thống điện, nước… ở nhà gặp sự cố; do đó cũng cần linh hoạt xử lý.
Ông Võ Đức Lâm, Chủ tịch UBND P.Hòa Cường Nam (Q.Hải Châu), nhìn nhận cán bộ phường vất vả hơn khi được giao xác nhận giấy đi đường. “Tuy cực nhưng cần thiết trong việc rà soát kỹ, chứ để DN cấp hàng loạt rất khó kiểm soát”, ông Lâm nói.
Bình luận (0)