Bà Pelosi và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã gặp nhau tại văn phòng của bà Thái ở Đài Bắc.
- Sáng 3.8, bà Pelosi đã tới Viện lập pháp Đài Loan và có phát biểu đầu tiên tại đây.
- Trung Quốc triệu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối chuyến thăm, đồng thời ra nhiều quyết định nóng đối phó Đài Loan.
- Nga, Triều Tiên chỉ trích Mỹ, ủng hộ Trung Quốc.
- Tối 2.8, máy bay quân sự Mỹ đã đưa bà Pelosi tới Đài Loan, trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới hòn đảo sau 25 năm.
Cuộc gặp trực tiếp của bà Pelosi và bà Thái Anh Văn
Sau khi rời Viện lập pháp Đài Loan, bà Pelosi đến gặp lãnh đạo Thái Anh Văn tại của bà Thái ở Đài Bắc. Phát biểu tại cuộc gặp, bà Thái hoan nghênh bà Pelosi cùng phái đoàn Mỹ và cho biết bà “rất vui khi gặp trực tiếp”, đồng thời khen ngợi bà Pelosi là “một chính khách tuyệt vời”, theo tờ The Guardian.
Bà Thái (phải) trao huy chương danh dự cho bà Pelosi vào sáng 3.8 |
Ảnh chụp màn hình tvbs |
“Chúng tôi thực sự biết ơn bà vì đã đến thăm Đài Loan”, bà Thái phát biểu và nói rằng bà Pelosi là một trong những người bạn lâu dài của Đài Loan. Chia sẻ quan điểm về vấn đề Đài Loan, nhà lãnh đạo cho biết hòn đảo “sẽ không thoái lui, mà sẽ làm bất cứ thứ gì để duy trì hòa bình và ổn định”. Bà cho biết Đài Loan mong muốn hợp tác với mọi nền dân chủ trên thế giới để bảo vệ các giá trị dân chủ.
Đáp lời, bà Pelosi cho biết bà rất tự hào về sự lãnh đạo của bà Thái và nhắc lại rằng cách đây 43 năm, Mỹ đã cam kết “luôn đứng về phía Đài Loan”, theo The Guardian.
Bà Pelosi cho biết phái đoàn của bà đến Đài Loan để làm rõ ràng rằng “chúng tôi không từ bỏ cam kết với Đài Loan”.
Bà Pelosi phát biểu trong cuộc gặp bà Thái ở Đài Bắc ngày 3.8 |
CNA |
Bà Pelosi đã đến Viện lập pháp Đài Loan
Sáng 3.8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến Lập pháp viện Đài Loan. Theo Reuters, bà Pelosi bày tỏ mong muốn gia tăng trao đổi giữa cơ quan lập pháp 2 bên, theo Reuters.
Bên cạnh đó, bà cho biết dự luật về vi mạch của Mỹ là cơ hội tốt để hợp tác với Đài Loan trong lĩnh vực vi mạch.
Bà Pelosi phát biểu rằng Đài Loan là "một trong những xã hội tự do nhất thế giới", đồng thời cảm ơn lãnh đạo Thái Anh Văn vì sự hiếu khách.
Bà pelosi tới Viện lập pháp Đài Loan sáng 3.8 |
afp |
Tiếp bà Pelosi là Phó Viện trưởng Viện Lập pháp Thái Kỳ Xương. Theo Đài CNA, Viện trưởng Viện Lập pháp Du Tích Khôn hiện đang cách ly sau khi dương tính với Covid-19. Viết trên Facebook, ông Du cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan thể hiện cam kết “vững chắc như đá” với hòn đảo.
"Chúng tôi đến trong tình hữu nghị với Đài Loan, hòa bình cho khu vực", The Guardian dẫn lời bà Pelosi nói với Phó Viện trưởng Viện Lập pháp Thái Kỳ Xương trong cuộc gặp.
Trung Quốc ra quyết định gì nhắm vào Đài Loan giữa chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi? |
Trong cuộc gặp trên, bà Pelosi khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chế độ tự trị của hòn đảo, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ lâu dài của bà đối với các nhóm dân chủ và nhân quyền, theo CNN. “Khi ngài nói tôi là một người bạn tốt của Đài Loan, tôi xem đó là lời khen lớn”, bà phát biểu và bày tỏ “sự ủng hộ rất mạnh mẽ của lưỡng đảng Mỹ” đối với Đài Loan.
Chia sẻ về mục đích, bà cho biết chuyến công du nhằm “tăng cường hợp tác và đối thoại” giữa cơ quan lập pháp 2 bên. Bà ghi nhận sự tự do cũng như công tác đối phó đại dịch Covid-19 của Đài Loan, được cho là vấn đề y tế, an ninh, kinh tế và điều hành.
Tờ South China Morning Post dẫn lời bà Pelosi chia sẻ cụ thể hơn về 3 mục đích của chuyến công du. “Một là an ninh, an ninh cho người dân chúng ta và an ninh toàn cầu. Hai là kinh tế, chúng ta cần lan tỏa thịnh vượng tối đa. Và 3 là vấn đề điều hành”, bà phát biểu.
Về phần mình, Phó Viện trưởng Viện Lập pháp Thái Kỳ Xương cho rằng bà Pelosi là một người bạn thực thụ của Đài Loan, người đã kiên quyết ủng hộ sự phát triển dân chủ trên hòn đảo. “Đài Loan là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ. Cùng nhau, chúng ta có thể bảo vệ dân chủ”, ông phát biểu.
Lịch trình của bà Pelosi tại Đài Loan
Văn phòng lãnh đạo Đài Loan thông báo nhà lãnh đạo Thái Anh Văn sẽ tiếp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào sáng 3.8 và sau đó ăn trưa cùng nhau. Reuters dẫn thông báo cho biết thông qua chuyến thăm, phía Đài Loan hy vọng sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác Đài Loan và Mỹ và duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo Taipei Times, bà Pelosi sẽ gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào lúc 8 giờ sáng nay 3.8 (giờ địa phương), trước khi thăm Viện lập pháp Đài Loan trong khoảng 1 giờ vào sáng 3.8.
Sau đó, bà Pelosi sẽ gặp lại bà Thái từ 10 giờ đến 11 giờ tại văn phòng của bà Thái. Một cuộc họp báo dự kiến diễn ra vào lúc 11 giờ tại Nhà khách Đài Bắc trước khi 2 bên cùng ăn trưa.
Bà Thái Anh Văn sẽ tiếp bà Pelosi và ăn trưa cùng nhau |
afp |
Tờ Liberty Times đưa tin bà Pelosi sẽ gặp một nhóm dân chủ tại Tân Bắc vào buổi chiều. Viện Mỹ tại Đài Loan đã liên lạc với các nhà vận động dân chủ tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông để sắp xếp cuộc gặp, theo các nguồn thạo tin.
Theo tờ The Washington Post, trong chuyến thăm, Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ gặp ông Mark Liu, chủ tịch Công ty Sản xuất bán dẫn Đài Loan (TMSC).
Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Bắc, Trung Quốc tập trận |
Quốc dân đảng hoan nghênh chuyến thăm của bà Pelosi
Quốc dân đảng đối lập tại Đài Loan, đảng ủng hộ tái thống nhất với đại lục, cũng ra thông báo trên Twitter hoan nghênh chuyến thăm của bà Pelosi.
"KMT (Quốc dân đảng) hoan nghênh chuyến thăm của Chủ tịch Pelosi đến Đài Loan và kỳ vọng toàn bộ bạn bè quốc tế sẽ giúp tăng cường hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, thúc đẩy các giá trị dân chủ tự do và tự do thương mại, và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, thông báo nêu.
Bà Pelosi tuyên bố gì?
Ngay khi đặt chân tới Đài Loan, bà Pelosi đăng tuyên bố: “Chuyến thăm của đoàn nghị sĩ chúng tôi đến Đài Loan tôn trọng cam kết vững chắc của Mỹ về việc ủng hộ nền dân chủ mạnh mẽ của Đài Loan”. “Cuộc thảo luận của chúng tôi với lãnh đạo Đài Loan sẽ tập trung vào việc tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi đối với đối tác và thúc đẩy lợi ích chung, gồm hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, theo tuyên bố.
Bà Pelosi nhấn mạnh chuyến thăm này hoàn toàn không trái với chính sách lâu dài của Mỹ vì đây là một trong số nhiều phái đoàn quốc hội Mỹ đến Đài Loan. Bà tuyên bố sự đoàn kết của Mỹ với nhân dân Đài Loan hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ tiếp tục phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng.
Phó Viện trưởng Viện Lập pháp Thái Kỳ Xương tiếp bà Pelosi sáng 3.8 |
CNA |
Trung Quốc phản ứng mạnh
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tối 2.8 ra tuyên bố phản ứng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan. Tuyên bố nêu rằng đây là “hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng” và Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ.
“Trung Quốc chắc chắn sẽ có mọi biện pháp cần thiết để cương quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nhằm đáp lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Toàn bộ hậu quả từ đây phải do phía Mỹ và lực lượng ly khai “độc lập Đài Loan” gánh chịu”, theo tuyên bố đăng trên Tân Hoa xã.
Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phê phán về chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” đối với chuyến thăm của bà Pelosi, khi gặp Đại sứ Nicholas Burns, theo The Guardian ngày 3.8.
Bắc Kinh có thêm động thái mới đối với Đài Loan
Reuters dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo về việc cấm xuất khẩu cát tự nhiên đến Đài Loan từ ngày 3.8. Trước đó vào ngày 1.8, Hải quan Trung Quốc đưa thêm 2.066 sản phẩm thực phẩm và hơn 100 doanh nghiệp thực phẩm của Đài Loan vào danh sách đen, theo Taiwan News.
Hải quan Trung Quốc thông báo nước này tạm dừng nhập khẩu trái cây họ cam quýt, cá hố trắng và cá sòng đông lạnh từ Đài Loan từ ngày 3.8, theo Reuters.
Người phát ngôn Văn phòng sự vụ Đài Loan Mã Hiểu Quang cho biết Trung Quốc sẽ cấm 2 quỹ tại Đài Loan hợp tác tài chính với các công ty, cá nhân ở đại lục, theo Reuters.
Đài Loan theo dõi sát sao động thái của Trung Quốc
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan ngày 3.8 ra thông cáo chỉ trích rằng những hoạt động tập trận của Bắc Kinh xung quanh hòn đảo thể hiện “ý định hủy diệt hòa bình và ổn định trong khu vực”, theo Reuters. Lực lượng phòng vệ Đài Loan đang theo dõi sát sao tình hình và đã tăng cường mức cảnh báo, sẽ phải ứng kịp thời và thích hợp. Theo đó, lực lượng phòng vệ Đài Loan nắm rõ hoạt động trên không, trên biển gần hòn đảo và có khả năng bảo vệ an ninh của Đài Loan.
Trung Quốc lo các nghị sĩ Anh “theo chân Mỹ”
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Trịnh Trạch Quang kêu gọi các chính trị gia Anh không “nhảy theo giai điệu của Mỹ”, đồng thời cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” nếu các nghị sĩ Anh đặt chân đến Đài Loan.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở London, ông Trịnh còn nhắc lại tuyên bố chung 2 nước ký kết năm 1972 khi bắt đầu trao đổi đại sứ. “Đó là việc can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc sẽ không tránh được việc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với mối quan hệ Trung Quốc - Anh. Chúng tôi kêu gọi phía Anh tuân thủ tuyên bố chung và không đánh giá thấp tình hình cực kỳ nhạy cảm của vấn đề Đài Loan, và không theo chân Mỹ”.
Các nhà lập pháp Anh đang lên kế hoạch tổ chức một chuyến công du tương tự như của bà Pelosi vào cuối năm nay.
Một nguồn tin tiết lộ với tờ The Guardian rằng phái đoàn nghị sĩ Anh có thể sẽ do ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, hoặc người kế nhiệm ông, dẫn đầu. Chuyến đi ban đầu dự kiến diễn ra vào đầu năm nay, nhưng đã được lùi lại sang tháng 11 hoặc đầu tháng 12, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong một diễn biến khác, Nhà Trắng từ chối cho biết có liên lạc với chính phủ Trung Quốc hay không kể từ khi bà Pelosi hạ cánh tại Đài Loan. Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết các hoạt động tập trận quân sự, phóng tên lửa hay các chuyến bay gần đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan đều nằm trong dự kiến của Mỹ đối với Trung Quốc, theo Bloomberg.
Nga, Triều Tiên ủng hộ Trung Quốc, chỉ trích Mỹ
Hãng AFP ngày 3.8 đưa tin một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng “hoàn toàn ủng hộ” quan điểm của Bắc Kinh, đồng thời chỉ trích Washington “gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Theo đó, “sự can thiệp của Mỹ vào chuyện nội bộ của những nước khác và sự khiêu khích cố ý về chính trị và quân sự là gốc rễ gây rối cho hòa bình và an ninh trong khu vực”, theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo của phát ngôn viên trên.
Thông cáo còn cho rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Ngoài ra, thông cáo ủng hộ phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với chuyến thăm của bà Pelosi, gọi đó là “quyền của một quốc gia có chủ quyền trong việc trả đũa”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan là “sự khiêu khích rõ ràng”, đồng thời kêu gọi Washington “kiềm chế các hành động ảnh hưởng đến ổn định khu vực, an ninh quốc tế và công nhận thực tế địa chính trị mới”.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng chuyến thăm của Chủ tịch hạ viện Mỹ dẫn đến “gia tăng căng thẳng” trong khu vực. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa rằng chúng tôi tuyệt đối đoàn kết với Trung Quốc, quan điểm đối với vấn đề này của họ là có thể hiểu được và tuyệt đối hợp lý”, theo ông Peskov.
Lãnh đạo Hồng Kông chỉ trích chuyến thăm của bà Pelosi
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lý Gia Siêu ngày 3.8 chỉ trích chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan có thể xem như “sự ủng hộ độc lập của Đài Loan và công khai thách thức nguyên tắc một Trung Quốc, ảnh hưởng ổn định ở eo biển Đài Loan”.
“Động thái như thế, đánh cược và coi thường tình trạng của hơn 20 triệu người ở Đài Loan là cực kỳ ích kỷ”, Đài CNN dẫn lời ông Lý viết trong thông cáo.
Nhật Bản lên tiếng về chuyến công du của bà Pelosi
Theo Reuters, Nhật Bản cho rằng việc quân đội Trung Quốc tập trận nhằm phản ứng chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan là “đáng quan ngại”. Trong cuộc họp báo, chánh văn phòng Nội các Nhật Hirokazu Matsuno cho hay chính phủ đã chuyển quan ngại về hoạt động quân sự trên đến phía Trung Quốc, đồng thời nhắc lại rằng Nhật hy vọng những vấn đề ở eo biển Đài Loan sẽ được giải quyết thông qua đối thoại.
Bình luận (0)