Cậu bé không tay – người truyền cảm hứng sống đẹp cho chúng tôi

16/10/2024 15:00 GMT+7

Tôi gặp Quân khi em vào học lớp 10 Trường THPT Thanh Sơn, Phú Thọ (năm học 2023 -2024). Thực ra trước khi đứng trước cậu học trò này, tôi đã nghe sơ qua về Quân từ cô giáo chủ nhiệm của con, nhưng khi bước vào lớp 10A9, giữa bục giảng nhìn xuống, tôi đã lặng người…

Trước mắt tôi, Quân ngồi trên một một cái bàn đặc biệt đặt giữa hai dãy bàn ghế, cậu bé có vầng trán rộng, mắt to sáng đang chăm chú nhìn cô giáo mới vào lớp. Cậu bé ấy, hai bên cánh tay áo buông thõng: cậu không còn cả hai bên cánh tay.

Cậu bé không tay – người truyền cảm hứng sống đẹp cho chúng tôi  - Ảnh 1.

Ý chí, nghị lực của Quân (ngồi ở bàn đặc biệt, giữa dãy cuối lớp) khiến tôi vô cùng trân trọng và ngưỡng mộ

ẢNH: TGCC

Tôi đã phải cố gắng để kéo mình ra khỏi cảm giác xót xa đến tận cùng. Tôi biết cả Quân và lớp đều không chờ ở cô sự thương xót. Người với người cần sự thấu hiểu, sẻ chia chứ không phải những xuýt xoa suông.

Sự việc đau lòng

Vũ Hồng Quân sinh 2008 tại khu 8 xã Cự Thắng (Thanh Sơn, Phú Thọ). Cậu bé khôi ngô, nhanh nhẹn chào đời trong sự mừng vui vô tận của gia đình. Quân sẽ cứ vậy lớn lên yên bình, nếu không có biến cố đau lòng xảy ra. Sáng 10.9.2013, Quân theo mẹ sang nhà hàng xóm dự đám cưới. Khi mọi người đang bận rộn với công việc, cậu bé đã thơ thẩn một mình ra phía sau nhà. Vài phút sau tiếng hét thất thanh của cậu bé vang lên. Khi mọi người chạy ra, Quân đứng sát chuồng gấu, hai cánh tay đẫm máu, đau đớn và hoảng loạn. Bàn tay của một cậu bé 5 tuổi quá nhỏ, nên dù những thanh sắt chuồng gấu rất kiên cố, cậu vẫn có thể lùa vào trong với ý nghĩ đơn giản rằng cho gấu ăn... Khi con ác thú đã cắn trúng một cánh tay, theo phản xạ, cánh tay bên kia của Quân cũng vội vàng đút qua mắt lưới sắt nhỏ xíu để giải cứu cho cánh tay đang bị cắn và hai tay cậu nát bấy dưới hàm răng sắc nhọn…

Ngay lập tức, mọi người sơ cứu và gọi cấp cứu, nhưng hai cánh tay của con đã không thể giữ được. Theo tah5c sĩ - bác sĩ Hoàng Hải Đức, Phó khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương lúc đó thì "bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện trong tình trạng sốc do đau và mất máu nặng. Bệnh nhân bị mất tay phải sát khớp vai và cụt tay trái sát khuỷu. Sau khi truyền máu, truyền dịch, giảm đau, chống sốc cho bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc tạo hình mỏm cụt vai phải và một phần ba trên cẳng tay trái".

Câu chuyện về cậu bé Vũ Hồng Quân bị gấu nhà hàng xóm cắn mất hai cánh tay trở thành chuyện chấn động. Những giọt nước mắt xót xa ân hận của những người lớn không thể cứu vãn được tình thế. Quân trở thành cậu bé không tay từ đó.

Vượt lên bi kịch

"Con nhớ khi đó mọi người kể và cho con xem những video về tấm gương thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Mỗi ngày con cố một ít. Cũng phải lâu lắm con mới dùng chân được...", Quân chia sẻ với tôi về những ngày đầu mất đôi bàn tay như thế.

Dẫu là bi kịch thì con người cũng vẫn phải chấp nhận để sống. Với cậu bé 5 tuổi khi đó thì không phải là tiếp tục sống mà còn bằng mọi giá phải vượt lên. Tôi biết để lời chia sẻ kèm nụ cười hồn nhiên trở lại như thế kia, Quân đã phải đánh đổi bằng vô vàn nước mắt, bằng cả máu để có thể điều khiển được đôi chân theo ý mình.

Đúng là "ở đời không có bước đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy" (Nguyễn Khải). Quân ra viện trở về, con vượt qua những chấn thương tâm lý, hòa nhập trở lại với cuộc sống nhanh hơn mọi người tưởng. Ban đầu chưa quen, bố mẹ phải hỗ trợ Quân trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng với một gia đình thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn thì bố mẹ không thể ở nhà phụ giúp cho con mãi được. Quân đã rất nỗ lực và dần dần con tự làm được những việc nhỏ cho cá nhân: tự xúc ăn bằng chân, tự vệ sinh cá nhân và cậu còn kẹp được chiếc chổi vào cổ để... quét nhà.

Cậu bé không tay – người truyền cảm hứng sống đẹp cho chúng tôi  - Ảnh 2.

"Chỉ cần ngày mai mặt trời còn mọc, thì tất thảy đều còn có thể hy vọng, chúng ta cũng vậy"

ẢNH: TGCC

Khao khát đến trường còn khiến cậu bé của vùng quê nghèo làm được điều đặc biệt hơn thế: Quân đã cần mẫn luyện viết bằng chân. Ngày con kẹp được bút vào ngón chân để viết thành những dòng chữ đầu tiên, bố mẹ khóc, cô giáo khóc, còn Quân vỡ òa trong niềm vui và niềm tin: nếu cố gắng mình sẽ làm được.

Tôi đã nghe, đã xem hồ sơ học tập, cũng xem phóng sự của đài truyền hình Phú Thọ về một cậu bé lớp 5 viết bằng chân và đạt giải nhất cuộc thi chữ đẹp cấp huyện với sự ngưỡng mộ vô cùng. Nhưng lần đầu đứng trên bục giảng nhìn xuống giữa hai dãy bàn ghế: Quân ngồi một mình trên chiếc bàn đặc biệt dưới cuối lớp, dùng chân lôi từ trong ba lô ra nào sách, bút, vở..., thao tác cực kỳ nhanh gọn, tôi mất mấy mươi giây đứng hình.

Sự bối rối khiến tôi lôi quyển sách ra, rồi lại mở cặp kiếm tìm mà thực ra không biết mình cần tìm gì. Mấy phút sau tôi đi xuống cuối lớp, bằng giọng tự nhiên nhất hỏi Quân: "Con cần cô giúp gì không?". "Thưa cô không ạ!". Một vài giọng học sinh nhao nhao: "Bạn ấy giỏi lắm cô ơi, bạn tự làm được hết đấy ạ". "Quá tuyệt. Giờ của cô, con cần cô hỗ trợ gì cứ nói nhé". "Dạ, con cám ơn cô". Tiếng dạ gọn lỏn, khuôn mặt hiền và vầng trán rộng khiến lòng tôi chùng lại. Sự hồn nhiên quá đỗi của con trẻ khiến tôi đau lòng.

Quân sẽ còn khiến tôi bất ngờ nhiều hơn thế nữa.

Đã có lần tôi nói nhỏ với cậu: "Bài dài quá mà viết mỏi, con cứ dừng lại nhé". Lại vẫn tiếng dạ gọn gàng, ngoan ngoãn, nhưng kiểm tra vở cậu, chưa có bài học nào Quân thiếu một dòng. Bài kiểm tra thì còn hơn những gì tôi mong đợi, so với bài của các bạn trong lớp, Quân làm khá hơn rất nhiều.

Ý chí, nghị lực của cậu học trò này khiến tôi vô cùng trân trọng và ngưỡng mộ.

Quân thuộc diện học sinh đặc biệt nên theo Thông tư 22/2021/TT–BGDDDT, cậu được đánh giá giảm nhẹ hoặc miễn kiểm tra đánh giá bằng điểm số. Nhưng Quân đã khiến toàn trường ngạc nhiên khi em có đơn gửi nhà trường đề nghị được kiểm tra, đánh giá bằng điểm số như những học sinh bình thường khác. "Biết là sẽ khó khăn hơn, nhưng con sẽ cố gắng. Con hy vọng sau này con có cơ hội được xét vào học đại học". Quân đã chia sẻ như vậy khi nộp đơn lên ban giám hiệu nhà trường.

Tôi vẫn thường nói với những học sinh khác: "Bài học không ở đâu xa, điều phi thường cũng không phải chỉ có trên tivi, các em đi qua lớp 10A9 sẽ thấy bạn Vũ Hồng Quân là một tấm gương như thế". Nhưng dù được thầy cô trân quý, bạn bè ngưỡng mộ, Quân luôn giữ một nụ cười thật hiền. Suốt năm học lớp 10, Quân chưa một ngày nghỉ học. Kết quả cuối năm học Quân đạt loại khá, một thành tích mà chỉ có 15/45 học sinh trong lớp 10A9 đạt được.

Cũng may dù nhà cách trường 8 km, nhưng Quân có thể đi xe bus cùng các bạn, nên con đường đến trường không phải trở ngại lớn. Bố mẹ Quân vì thế cũng yên tâm để cậu tự đi học khi Quân xuống trung tâm huyện học cấp ba.

Ngày mai mặt trời vẫn mọc

Năm nay Quân đã lên lớp 11, tôi vẫn là cô giáo dạy ngữ văn của cậu học trò nghị lực. Một năm qua, con đã truyền cho tôi ý chí ý và một nguồn năng lượng tích cực. Một năm, tôi đã quen và hiểu hơn về người học trò đặc biệt. Tôi chỉ đôi khi dừng lời giảng, khi thấy học trò của mình đưa khuỷu tay cụt lên dụi dụi vào khuôn mặt điển trai. Lúc ấy tôi xót vô cùng. Tôi luôn ao ước giá như con ác thú ấy trong cơn cuồng dại, để lại cho con một bên cánh tay. Một bên thôi…, cuộc đời con sẽ đỡ biết bao nhiêu. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến chính câu Quân ghi ở bìa trong cuốn sổ của con: "Chỉ cần ngày mai mặt trời còn mọc, thì tất thảy đều còn có thể hy vọng, chúng ta cũng vậy" (Miyie).

Nhất định rồi, mặt trời sẽ mọc vào ngày mai, với Quân.

Cậu bé không tay – người truyền cảm hứng sống đẹp cho chúng tôi  - Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.