Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới

Tuấn Duy
Tuấn Duy
14/04/2024 11:21 GMT+7

Sáng 13.4.2024, NXB Phụ nữ VN phối hợp cùng Hội LHPN huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) và các trường trung học phổ thông địa phương đã tổ chức thành công hoạt động truyền thông giới thiệu sách thuộc Dự án 8 với mục tiêu thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới.

Tham dự chương trình thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới có sự tham gia của chính quyền địa phương, Ban giám hiệu trường và hơn 230 học sinh trường Phổ Thông Dân Tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa (tỉnh Quảng Bình).

Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới- Ảnh 1.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ nữ VN và các em học sinh

NXB Phụ nữ VN

Tại chương trình, bà Hoàng Thị Ái Nhiên - nguyên Phó chủ tịch Thường trực T.Ư Hội LHPN VN đã chia sẻ về Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bà cho biết với mục tiêu thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thì hoạt động truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới nhằm giúp học sinh vùng đồng bào dân tộc miền núi có thêm các kiến thức về bình đẳng giới, mở rộng, nâng cao kiến thức trong học tập và rèn luyện kỹ năng sống. 

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên - nguyên Phó chủ tịch Thưởng trực T.Ư Hội LHPN VN giao lưu với học sinh

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên - nguyên Phó chủ tịch Thưởng trực T.Ư Hội LHPN VN giao lưu với học sinh

NXB Phụ nữ VN

Bà trăn trở: "Vấn đề về phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên ở mỗi địa phương, mỗi cơ sở vấn đề lại khác nhau". Chính vì vậy, hoạt động nói trên cần phải lồng ghép với hoạt động theo chủ đề của nhà trường, địa phương sao cho thiết thực và bám sát thực tế nhất. 

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ VN trong buổi tọa đàm cũng đã giới thiệu và hướng dẫn sử dụng bộ sách Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới gồm 14 cuốn. Bà Phượng gợi mở học sinh bằng những câu hỏi gần gũi, chia sẻ những câu chuyện từ chính bản thân và gia đình các em.

Khi được hỏi về điều gì khiến em hiểu và nhớ nhất khi tham gia CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi trong chương trình này, em Trương Gia Bảo, lớp 6A, dân tộc Chứt đã trả lời hiểu biết của mình về tảo hôn, về việc kết hôn phải trên 18 tuổi là thứ đọng lại ấn tượng nhiều nhất.

Cũng trong buổi hoạt động tuyên truyền này, ông Trần Việt Anh - Phó giám đốc NXB Phụ nữ VN, Giám đốc Nhà in Hội LHPN VN gợi mở câu chuyện chống định kiến giới từ những việc nhỏ nhất như khuyến khích các em giúp đỡ cha mẹ, bạn bè. Ông cho biết: "Cá nhân tôi là nam giới, tuy rất bận công việc chuyên môn nhưng luôn chia sẻ việc nhà với gia đình như nấu cơm, rửa bát, lau nhà… Các em hãy chia sẻ những công việc chung với các bạn nữ, chia sẻ công việc với mẹ, chị. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, các bạn nữ và các bạn trai hỗ trợ nhau".

Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới- Ảnh 3.

Các em học sinh được tặng sách góp phần vào mục tiêu chống định kiến giới

NXB Phụ nữ VN

Ông Nguyễn Hữu Tâm - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu về những hoạt động vận hành CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi cũng như thuận lợi và khó khăn của trường. Thầy Tâm cho rằng tại địa phương, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một vấn đề được ưu tiên hơn cả. Chính vì vậy, CLB cùng Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp để chia sẻ về vấn đề xâm hại tình dục, chăm sóc sức khỏe vị thành niên và giáo dục giới tính. 

CLB hoạt động hằng tháng với sự phối hợp với Lữ đoàn 414 quân khu IV tổ chức rèn luyện kỹ năng xếp chăn màn, phối hợp với lực lượng công an xã để tuyên truyền luật, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu bia… 

Ông cho biết: "Với đặc thù là trường phổ thông dân tộc, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 70% nên trong quá trình thành lập và vận hành CLB còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua các hoạt động nói trên, các em đã từng bước có sự thay đổi như nhận thức được nâng cao và rèn luyện được nhiều kỹ năng trong cuộc sống. Các em không chỉ mạnh dạn hơn, tự tin hơn về học tập mà nhà trường còn chú trọng các hoạt động văn hóa thể thao, phát triển cả về tinh thần và thể lực".

Ông Hồ Vũ Thường, Phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa trăn trở: "Xã Lâm Hóa là xã miền núi nghèo, là xã duy nhất hưởng chương trình dân tộc miền núi của chính phủ tại tỉnh Quảng Bình. Nơi đây tập trung chủ yếu là đồng bào Mã Liềng thuộc nhóm dân tộc Chứt. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa trong thời gian qua đã được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm, nhiều đồng chí giáo viên không quản ngại khó khăn đến từng bản, từng gia đình đưa các cháu đến trường. Sự hy sinh của các thầy cô giáo, bản thân các em cũng có sự cố gắng trưởng thành về mọi mặt".

Đại diện Phòng Giáo dục huyện Tuyên Hóa, thầy Mai Xuân Minh - Phó trưởng phòng Giáo dục và đào tạo chia sẻ về quá trình chuyển đổi từ trường Trung học cơ sở sang trường Phổ thông dân tộc bán trú. Thầy mong muốn Hội LHPN VN có thể có những tập huấn riêng, chương trình riêng cho các giáo viên nữ bởi điểm trường Lâm Hóa tập trung các giáo viên đến từ nhiều địa phương khác nhau. 

NXB Phụ nữ VN hy vọng rằng ngoài việc chia sẻ về các đầu sách chống định kiến giới và khuôn mẫu giới, thì những kinh nghiệm về giới và bình đẳng giới được lồng ghép trong buổi tọa đàm sẽ giúp các em học sinh của trường có thể nhận ra các hủ tục, tập tục lạc hậu, các khuôn mẫu giới ở nơi mình đang sống. Từ đó, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm cho đồng bào dân tộc miền núi. Mỗi em học sinh ở đây sẽ là một "thủ lĩnh của sự thay đổi" để thay đổi chính mình trong học tập, rèn luyện và giúp xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trong khuôn khổ chương trình này, NXB và Dự án 8 cũng trao tặng Tủ sách cho thư viện trường với trị giá 15 triệu đồng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.