Điều quan trọng nhất người dân quan tâm chính ở công khai, minh bạch và tinh thần lắng nghe, cầu thị ngay từ khâu dự thảo chính sách.
Vì sao điện 1 giá, không phải 2 giá; vì sao 5 bậc chứ không phải 6 bậc? Chi phí cụ thể hiện nay của giá tính điện bình quân là bao nhiêu? Việc tính biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt mà căn cứ vào giá bình quân (bao gồm tất cả các đối tượng từ hộ kinh doanh, sản xuất, hành chính sự nghiệp...) có chính xác? Căn cứ nào để đưa ra điện 1 giá ở mức 145% hay 155% giá bình quân?
Giá điện nhạy cảm nhất trong các loại giá và những câu hỏi đó, người làm chính sách cần phải trả lời thật rõ ràng, thật chi tiết, thật công khai. Thái độ của Bộ Công thương trong việc lắng nghe ý kiến công luận khi xây dựng dự thảo sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là rất đáng ghi nhận và chúng ta cùng chờ việc xây dựng biểu giá đảm bảo tính “khoa học, khả thi và hiệu quả” như cam kết của Bộ trưởng Công thương ngày hôm qua.
Sẽ rất khó có phương án hoàn hảo để hài lòng tất cả, nhưng càng khó thì càng cần phải minh bạch mới dễ nhận được sự đồng thuận, chia sẻ của các đối tượng chịu tác động trực tiếp. Vì trên thực tế, có rất nhiều bài học đã chứng minh, đơn cử như phí BOT, giá xăng dầu hay kể cả thu phí ATM. Càng tù mù người dân càng bức xúc, càng phản ứng gay gắt. Đặc biệt, chủ trương chính sách về kinh tế đòi hỏi chuyên môn sâu mới có thể hiểu rõ, nên công tác truyền thông chính sách, tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu, hiến kế, góp ý quan trọng hơn bao giờ hết.
Cơ chế quản lý giá theo thị trường có sự điều tiết của nhà nước hiện nay đang có nhiều bất cập mà chưa thể giải quyết ngay một sớm, một chiều. Việc vừa phải kinh doanh hiệu quả vừa phải bình ổn giá, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội là không hề dễ dàng. Dẫu vậy, vẫn có một nguyên tắc bất di bất dịch, xây dựng bất cứ chính sách nào cần phải “đi từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống”.
Giá điện, giá xăng, giá dịch vụ y tế, giáo dục... hãy cứ cầu thị, lắng nghe phản biện. Chúng ta không sợ làm sai, mà chỉ sợ lợi ích nhóm mà bưng bít, chủ quan duy ý chí, cứng nhắc, áp đặt... Cứ công khai, minh bạch và cầu thị để rút kinh nghiệm từ góp ý của người dân, chuyên gia, doanh nghiệp thì chắc chắn chủ trương, chính sách nào cũng sẽ giải quyết được đúng những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra và sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao trong xã hội.
Bình luận (0)