Cầu thủ trẻ cần được uốn nắn ngay từ đầu

14/05/2020 09:00 GMT+7

Chuyện những cầu thủ trẻ bị bóng ma tiêu cực kéo ngã trước tiên là lỗi của người lớn, khi những đứa trẻ được phụ huynh cho theo bóng đá không được sống trong môi trường tốt, cung cấp đủ kiến thức và bản lĩnh để phát triển tích cực, lành mạnh nhất.

Vai trò của trung tâm đào tạo trẻ

Nói về sự việc các cầu thủ trẻ Đồng Tháp (ĐT) tổ chức cá cược bóng đá, dàn xếp tỷ số, ông Đinh Hồng Vinh, Giám đốc Học viện Juventus Việt Nam, bày tỏ: “Chúng tôi rất sốc và tiếc một thế hệ cầu thủ trẻ Đồng Tháp vì thiếu ý thức mà cùng nhau làm độ một cách tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam và chính tương lai của các em. Các em đã nông nổi và thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã không giữ được mình, điều đó thật đáng tiếc”.

Khám phá học viện Juventus Việt Nam cùng triết lý chơi bóng tốc độ cao

Từ sự việc này, ông Vinh nói rằng vai trò của các trung tâm đào tạo trẻ là rất quan trọng, bởi nơi đó có đội ngũ quản lý, những người thầy đầu tiên ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của các cầu thủ. “Tôi có thời gian dài làm việc trong môi trường chuyên nghiệp HAGL nên may mắn tiếp thu được những phương pháp đào tạo cầu thủ tiên tiến, hiện đại. Các cầu thủ ĐT vừa chập chững ra đời đã dính ngay án nặng nề có lẽ họ chưa ý thức được việc mình làm.
Vì thế, vai trò của người quản lý, quản sinh, bảo mẫu, HLV là vô cùng quan trọng vì ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của các cầu thủ. Tuổi thanh niên mới lớn là tuổi rất ngông, thích thể hiện và liều lĩnh, vì thế các em cần phải được uốn nắn ngay từ những ngày đầu tiên để dần hình thành nên nhân cách của mình. Lứa Công Phượng, Tuấn Anh cũng được bầu Đức chú tâm rất kỹ về mặt học văn hóa và đối nhân xử thế, nên rất khó bị lôi kéo, cám dỗ.

Huỳnh Văn Tiến (11) phía sau, người cầm đầu nhóm bán độ ở Đồng Tháp

Dương Thu

Ở Học viện Juventus, việc học văn hóa của cầu thủ cũng luôn được chú trọng để các em thành người trước khi thành tài. Các quản sinh và bảo mẫu luôn gần gũi, trò chuyện, chỉ bảo để các em luôn nhận biết những việc nên và không nên trong cuộc sống. Ngoài ra, học viện cũng có chuyên gia tâm lý sẵn sàng trò chuyện, hướng dẫn các em bất kể về vấn đề gì. Học viện còn tổ chức chuyên đề hằng tháng để sinh hoạt, trò chuyện với các cầu thủ trẻ để họ dần tích lũy kiến thức, chuẩn bị hành trang khi bước vào đời sống đầy sóng gió và cám dỗ”, ông Vinh nói.

Beckham và Mourinho: “Cầu thủ trẻ cần được định hướng và không yếu đuối”

Ông Đinh Hồng Vinh cũng khẳng định từ mô hình Học viện HAGL JMG có thể thấy nếu các cầu thủ trẻ được đào tạo căn cơ về văn hóa bên cạnh chuyên môn ở các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp thì họ sẽ trưởng thành hơn, có nhận thức và bản lĩnh hơn khi bước vào đời. Song song đó, các trung tâm và CLB phải xây dựng được sợi dây liên lạc thường xuyên, với những buổi họp định kỳ để cùng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của các bên giúp hiểu rõ và có cách giáo dục thích hợp nhất cho từng em. Các thầy là người dành nhiều thời gian nhất bên các cậu bé, nhất là những em xa nhà. Trong khi cha mẹ sinh con ra là hiểu tính con nhất. Chỉ khi nào cả hai bên cùng đồng tâm phối hợp nhịp nhàng, mới có thể dạy dỗ tốt nhất cho các em.
Cầu thủ trẻ cần được uốn nắn ngay từ đầu1

Cầu thủ trẻ Đồng Tháp (phải) sa ngã vì không được giáo dục đến nơi đến chốn

ẢNH: DƯƠNG THU

Đừng chống tiêu cực bằng miệng

Từng đào tạo biết bao tuyển thủ quốc gia cho quê hương ĐT, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhìn vào án tiêu cực của các cầu thủ U.21 ĐT mà buồn.
“Bóng đá Việt Nam không thể như đà điểu giấu đầu vào cát để lẩn tránh, đánh lừa bản thân nữa. Chúng ta phải chấp nhận tiêu cực vẫn tồn tại, để thẳng thắn chiến đấu với nó vì đây là cuộc chiến toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Hãy đến sân Thành Long ở các trận vòng loại giải trẻ, xem dân cá độ ngồi đầy trên khán đài để “đánh mạng” (cá cược qua mạng - PV). Nếu các cơ quan chức năng vẫn bỏ bê thì hậu quả sau này sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều, chứ không phải nỗi đau của riêng ĐT hay Phú Yên, Bình Định… “Con dại, cái mang”, trẻ em sa ngã là do trung tâm quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục không tốt.

Cầu thủ vướng tiêu cực, vì nghèo hay giáo dục chưa đúng cách?

Những nhà tổ chức của VFF không quan tâm, bỏ bê khi tiêu cực, chưa xử lý tới nơi tới chốn. Nói trắng ra, Việt Nam vẫn chống tiêu cực bằng miệng, trên truyền thông thôi. Muốn chống tiêu cực, đầu tiên phải dẹp bỏ được căn bệnh thành tích khiến các em mới bước chân vào bóng đá đã ăn… gian tuổi. Cũng vì luyến tiếc thành tích nên giải nào cũng bắt các em đá như gà chọi từ giải U.11 đến U.15 ra sân đều phải thắng. Ngoại trừ một số trung tâm lớn cơ ngơi tốt, còn lại đa số trung tâm ở Việt Nam đều gom cả trăm em nhỏ sống dưới gầm khán đài, ăn không đủ no, áo không đủ mặc mà ra sân phải thắng. Ăn gian được là ăn gian, không biết “gian” thầy dạy cho biết. Hãy làm cuộc khảo sát bao nhiêu phụ huynh ở thành phố lớn hoặc nhà có điều kiện chịu cho con theo đá bóng? Bao nhiêu cựu danh thủ thế hệ vàng cho con nối nghiệp đá bóng?
Nói thật, chỉ có nhà nghèo cho con đi đá bóng. Khổ quá nên giao cho “ông nhà nước” nuôi được chăng hay chớ… Nếu may gặp thầy tốt, có trình độ sẽ đỡ vì nếu không đá bóng cũng sẽ ra ngoài làm người tử tế. Nhưng phải nói thật nhiều thầy, nhà quản lý không coi cầu thủ nhí là con mà chỉ lợi dụng họ thôi. Những HLV, nhà quản lý của lứa cầu thủ này phải tự xem lại đã làm tròn trách nhiệm của một người thầy chưa. Họ đã xứng đáng với niềm tin của phụ huynh chưa? Có những trung tâm tiền ăn cầu thủ trẻ chỉ 70.000 đồng mỗi ngày cho 3 bữa, đá giải lên được 90.000 đồng. Tuổi đang lớn, tâm sinh lý chưa ổn định lại ăn không đủ no, nên khi có người đưa bánh vẽ, tiền bạc dụ dỗ rất dễ bị sa ngã”, ông Xương nói.
Thầy tận tâm thì trò mới miễn nhiễm với tiêu cực
Căn cơ giáo dục yếu, các cầu thủ trẻ Việt Nam còn bị dung dưỡng bởi những án phạt thiếu tính răn đe. Thực tế sân cỏ cho thấy bầu Đức đã tiên đoán đúng. Những biện pháp tưởng “làm quá” của ông thực tế đang hữu hiệu khi giúp cầu thủ Học viện HAGL JMG miễn nhiễm tốt với tiêu cực. Một trong những lý do đó, là HLV Guillaume Graechen là người thầy tận tâm, coi cầu thủ như con mình, đối xử bằng trách nhiệm cho phần đời còn lại của các cậu bé. Nhờ vậy, chúng ta có những cầu thủ như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh… trước khi đá bóng giỏi phải là con người đàng hoàng, tử tế.
Q.V
Ý kiến
Giáo dục đạo đức đi kèm với phải xử lý nghiêm khắc
Giáo dục đạo đức đi kèm với phải xử lý nghiêm khắc

Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn phát biểu tại Hội nghị BCH VFF

ẢNH: VFF

Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trả lời Báo Thanh Niên: “Sáng 13.5, tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), tôi cũng nêu ra vấn đề phải làm thế nào để ngăn chặn ngay tình trạng tiêu cực trong bóng đá, nhất là bóng đá trẻ. Đây chính là mầm mống làm hủy hoại hình ảnh bóng đá Việt Nam đang được xây dựng một cách tốt đẹp hơn 2 năm vừa qua.
Các giải bóng đá đã được phép quay trở lại thì nhiệm vụ hết sức quan trọng của VFF, của các địa phương, CLB là phải phòng chống được tiêu cực. Phòng chống một cách có hiệu quả, không thể để xảy ra câu chuyện buồn như các cầu thủ trẻ của đội U.21 Đồng Tháp vừa bị kỷ luật như vừa rồi. Ban tổ chức, ban điều hành các giải phải có những biện pháp đẩy mạnh công tác này và cương quyết xử lý với những trường hợp vi phạm. Việc giáo dục phẩm chất đạo đức, tư cách, tác phong đối với cầu thủ trẻ phải được đặc biệt chú ý hơn nữa. Mong muốn của người hâm mộ, ngành TDTT là bóng đá không có hiện tượng tiêu cực như thế và khi xảy ra thì phải xử lý nghiêm khắc”.

Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF

Vy Khánh

Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, khẳng định VFF sẽ không bị động trong công tác phòng chống tiêu cực và sẽ tiếp tục kết hợp chặt chẽ với các địa phương để đưa vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức cầu thủ trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất trong quá trình đào tạo trẻ. Phải hướng cầu thủ vào nếp suy nghĩ lành mạnh, tuyệt đối xa rời những biểu hiện tiêu cực, cho dù đó là dạng tiêu cực nào.
Hiện tại, có một số đơn vị chuyên phát hiện dấu hiệu tiêu cực bằng biện pháp nghiệp vụ khoa học, hiện đại, đã làm việc với VFF để mời VFF làm đối tác. VFF đã đưa 2 đơn vị vào “chung kết” và sẽ chọn lựa 1 đơn vị. Sau đó đơn vị này sẽ có nhiệm vụ tỏa đi các trận đấu tại các giải, lập hồ sơ những trận có biểu hiện tiêu cực, báo cáo VFF nhằm đưa ra hình thức xử lý kịp thời.
Ngoài ra, VFF cũng sẽ sử dụng thêm nhiều kênh khác nhằm ngăn chặn ngay từ trứng nước bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào. Nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh, VFF mong muốn các CLB không buông lỏng công tác giáo dục cầu thủ, kiểm soát chặt hơn quá trình sinh hoạt hằng ngày để cầu thủ không bị rơi vào cạm bẫy từ giới cá độ bên ngoài xã hội.
Trung Ninh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.