CĐM xôn xao hươu chuột tưởng tuyệt chủng tái xuất: Đừng để chúng 'biến mất'!

Hoài Nhân
Hoài Nhân
12/11/2019 13:06 GMT+7

Cộng đồng mạng phấn khởi trước tin hươu chuột được phát hiện ở Việt Nam sau hàng chục năm tưởng như tuyệt chủng. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép sẽ khiến loài này một lần nữa "biến mất".

Cheo cheo "tái xuất" tại miền Nam Việt Nam

Mới đây, thông tin về một cá thể hươu chuột hoang dã vừa được phát hiện tại miền nam Việt Nam đã khiến cộng đồng mạng xôn xao và chia sẻ rầm rộ. Bởi sau gần 30 năm tưởng như đã tuyệt chủng, loài vật này đã lọt vào “bẫy camera” của các nhà khoa học tại một khu rừng ở miền Nam nước ta.
Được biết, loài hưu chuột này còn được gọi là chevrotain lưng bạc hay cheo cheo Nam Dương, là loài động vật có vú nhỏ nhất thuộc bộ móng guốc, với kích thước tương đương loài thỏ nhưng ngoại hình lại trông giống hươu. Bản ghi chép khoa học cuối cùng được biết về loài này là từ năm 1990, khi các nhà khoa học thu được mẫu vật đã chết từ một thợ săn.

Nhiều trang tin nước ngoài đồng loạt chia sẻ về tin tức này

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Phát hiện hươu chuột trong môi trường tự nhiên không chỉ khiến các nhà khoa học phấn khởi mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng trong lẫn ngoài nước.
Tài khoản Long Phi đã chia sẻ bức ảnh về con hưu chuột này trên trang cá nhân của mình kèm cảm xúc: “Tuyệt vời! Thiên nhiên rộng lớn luôn còn những điều kỳ thú mà con người chưa thể nào khám phá hết được”.
“Lần đầu tiên nhìn thấy con vật này, nhìn hiền lành và đáng yêu nhỉ? Hy vọng nó không đơn độc, vẫn còn nhiều cá thể khác xung quanh”, tài khoản Thư Trần bình luận.
Các trang web, fanpage nước ngoài về động vật hoang dã, truyền thông môi trường… cũng bắt đầu chia sẻ về cá thể hươu này. Một tài khoản nước ngoài tên Kate Batmann đã tag bạn mình vào trong một bình luận: “Another reason to visit Vietnam” (tạm dịch: "Thêm một lý do khác để chúng ta ghé thăm Việt Nam").

Đừng để chúng "biến mất" thêm lần nữa!

Loài vật này hiện nằm trong danh sách 25 loài động vật quý hiếm nghi tuyệt chủng của
Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu GWC. Số lượng hươu chuột ngày càng suy giảm do những biến đổi về môi trường sống và tình trạng săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Vì thế, dân mạng cũng tỏ ra lo lắng khi thông tin cá thể hươu chuột được công bố, sợ rằng loài vật này có gặp nguy hiểm thêm lần nữa.
Tài khoản Nam Tran bày tỏ quan điểm: “Không nói thì thôi, nói ra chỉ sợ những người vô ý thức lại đổ vào tìm bắt thì khổ! Thực sự lo lắng…”. Tài khoản Duc Thanh cũng hoang mang: “Đúng vậy. Liệu nạn “đặc sản rừng” và nạn săn bắt thú hoang dã trái phép có bỏ qua trường hợp này không?”.

Nhiều người lo lắng tin hươu chuột được phát hiện sẽ kéo theo hệ lụy săn lùng động vật hoang dã một lần nữa gây nguy hiểm cho loài này

Global Widlife Conservation

Đồng thời, nhiều dân mạng bày tỏ mong muốn cộng đồng phải có trách nhiệm bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ môi trường tự nhiên. Tài khoản Thu Linh Tran chia sẻ: “Nếu không hành động tích cực, loài vật này chắc chắn sẽ lại “vắng bóng” một lần nữa bởi những kẻ xấu! Chỉ mong các nhà khoa học, tổ chức bảo vệ động vật có những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ những loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng”.
“Quan trọng nhất vẫn là ý thức. Chỉ mong cộng đồng chúng ta tuyên truyền và giữ được trách nhiệm bảo vệ tự nhiên, đảm bảo cân bằng sinh thái”, tài khoản Nam David cũng bày tỏ mong muốn.
“Phát hiện lần này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy loài hươu chuột không bị tuyệt chủng. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tìm ra cách tốt nhất để bảo vệ chúng”, An Nguyễn, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu (GWC), cũng khẳng định.
Liên quan đến thông tin một cá thể hươu chuột vừa được phát hiện tại khu vực rừng ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) sau gần 30 năm tưởng như đã tuyệt chủng, ngày 12.11, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cho biết nhóm các nhà khoa học nói trên độc lập làm chứ không phối hợp với bên Chi cục Kiểm lâm hay Hạt kiểm lâm Nha Trang. Có thể nhóm nhà nghiên cứu trên muốn bí mật, chưa công bố cụ thể khu vực phát hiện loài động vật này, phòng ngừa các đối tượng xấu xâm hại. Đây là loài động vật rất dễ bị tổn thương.
Trước thông tin trên, Chi cục sẽ liên lạc, kết nối với nhóm các nhà khoa học nói trên để nắm cụ thể thông tin; phối hợp tiếp tục điều tra số lượng cá thể hươu chuột sinh sống tại khu vực mới phát hiện cũng như bảo vệ loài động vật này.
Nguyễn Chung
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.