Dựa trên phỏng vấn với các nhân viên cũ và tài liệu do một "người thổi còi" thứ ba cung cấp, tờ Washington Post tiếp tục loạt bài vạch trần những bí mật của Facebook.
Theo đó, nhiều nhân viên cho biết CEO Mark Zuckerberg ngày càng hoạt động tách biệt, cô lập trong những năm gần đây, khi phải đối mặt với hàng loạt bê bối và rò rỉ dữ liệu. Người sáng lập Facebook chủ yếu trao đổi với một nhóm nhân viên nhỏ và nhóm lãnh đạo gọi là M-Team (nhóm của Mark). Công ty kiểm soát chặt chẽ thông tin về Zuckerberg, cũng như lọc trước những thông tin truyền đến tai ông.
Mark Zuckerberg can thiệp vào mọi quyết định của công ty |
chụp màn hình |
Nhân viên cũ khẳng định tầm ảnh hưởng của Mark Zuckerberg trong công ty vượt xa những gì công chúng biết đến, phản ánh qua việc định hình các sản phẩm Facebook sao cho phù hợp với hệ giá trị của ông.
Mark Zuckerberg thành lập Facebook cách nay 17 năm trong phòng ký túc xá đại học, với ý tưởng xây dựng một cách thức mới giúp bạn cùng lớp kết nối với nhau. Ngày nay, Facebook đã trở thành tập đoàn sở hữu WhatsApp, Instagram và cả một doanh nghiệp phần cứng. Là người sáng lập kiêm CEO, Zuckerberg kiểm soát 58% cổ phần quyền biểu quyết của công ty, ngay cả hội đồng quản trị cũng không thể ngăn cản ông đưa ra quyết định.
Marc Goldstein - chuyên gia của Công ty Dịch vụ Cổ đông Thể chế nhận xét chưa có công ty nào ở quy mô như Facebook lại cho phép một lãnh đạo nắm giữ nhiều quyền lực như vậy.
Sean McKessey - Giám đốc văn phòng tố giác thuộc Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) gọi Facebook "không phải là công ty thông thường với hệ thống kiểm soát và cân bằng (checks and balances), cũng không phải một nền dân chủ, mà giống như một nhà nước độc tài".
Cựu nhân viên tố cáo Facebook tiếp sức cho thù hận trên nền tảng |
Nhân viên cho biết Mark Zuckerberg bị ám ảnh với các chỉ số đo lường, tăng trưởng và muốn vô hiệu hóa những đối thủ cạnh tranh. Trong những năm đầu tiên, ông đặt mục tiêu số lượng người dùng hằng năm mà Facebook phải đạt được. Ngay cả khi Facebook đã thành tập đoàn lớn với hơn 3 tỉ người sử dụng mạng xã hội, Zuckerberg vẫn là một nhà quản lý thiên về thực hành, can thiệp sâu rộng vào các sản phẩm và chính sách của công ty.
Về mặt chính trị, Mark Zuckerberg đưa ra nhiều quyết định gây tranh cãi. Tin vào quyền tự do ngôn luận, người sáng lập Facebook cho phép các chính khách "nói dối" trong các quảng cáo, đồng thời bênh vực những người không tin vào Holocaust - tội ác diệt chủng người Do Thái. Ông từng giữ lại bài đăng kích động bạo lực của cựu Tổng thống Donald Trump sau vụ George Floyd, mặc cho hàng nghìn nhân viên lên tiếng phản đối.
CEO Facebook tự tay chọn cả màu sắc và bố cục cho khung hình "đã tiêm vắc xin" |
Không những đưa ra các quyết định lớn, Mark Zuckerberg tham gia vào mọi việc nhỏ nhất theo phong cách quản lý vi mô, đơn cử là tự tay chọn màu sắc và bố cục của khung hình "đã tiêm vắc xin" hiển thị trên avatar Facebook.
"Những nhà sáng lập kiêm CEO có siêu năng lực, giúp họ làm những điều táo bạo. Mark làm điều đó hết lần này đến lần khác", Samidh Chakrabarti - cựu lãnh đạo bộ phận Liêm chính công dân của Facebook viết trên Twitter. Người này cho biết: "Việc thâm hụt niềm tin là có thật, Facebook có thể tốt hơn nếu phân tán quyền lãnh đạo".
Dù Facebook đang đối mặt với khủng hoảng, thì Mark Zuckerberg lại đang dồn toàn lực vào kế hoạch phát triển kính thực tế ảo thay vì giải quyết những vấn đề cốt lõi tồn đọng trên nền tảng.
Bình luận (0)