Cha đẻ của internet cảnh báo đừng vội đầu tư vào AI hội thoại

16/02/2023 16:00 GMT+7

"Cha đẻ của internet" Vint Cerf mới đây cảnh báo các doanh nhân đừng vội kiếm tiền từ AI hội thoại như ChatGPT chỉ "vì nó thực sự thú vị" và đang là "một chủ đề nóng".

"Có một vấn đề đạo đức ở đây mà tôi hy vọng một số trong các bạn sẽ cân nhắc. Mọi người đang nói về ChatGPT hoặc phiên bản đó của Google. Nhưng chúng tôi biết rằng nó không phải lúc nào cũng hoạt động theo cách chúng tôi mong muốn", ông Cerf nói với đám đông người tham dự hội nghị ở Mountain Vieww, California (Mỹ) hôm 13.2.

Cảnh báo của ông Cerf được đưa ra giữa lúc ChatGPT đang ngày càng phổ biến, và các công ty công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft đang phải vật lộn để vừa duy trì tính cạnh tranh trong không gian AI hội thoại, vừa tìm cách cải thiện nhanh chóng một công cụ vẫn thường mắc lỗi.

Cha đẻ của internet cảnh báo đừng vội đầu tư vào AI hội thoại - Ảnh 1.

Vint Cerf được công nhận là "cha đẻ của internet" vì đồng thiết kế kiến trúc được sử dụng để xây dựng nền tảng internet hiện tại

chụp màn hình

Vint Cerf là một người Mỹ đi tiên phong về internet. Ông từng là phó chủ tịch và "người truyền bá internet chính" cho Google từ năm 2005. Ông được công nhận là một trong những "cha đẻ của internet" vì đồng thiết kế kiến trúc được sử dụng để xây dựng nền tảng internet hiện tại.

Cũng trong buổi hội nghị hôm 13.2, ông Cerf khuyên nhủ mọi người hãy suy nghĩ thật kỹ về trí tuệ nhân tạo (AI), đừng tranh nhau đầu tư vào AI hội thoại chỉ vì "đó là một chủ đề nóng". Công nghệ này "thực sự tuyệt vời, nhưng không phải lúc nào nó cũng hoạt động bình thường".

"Nếu bạn nghĩ, bạn có thể bán thứ này cho các nhà đầu tư vì nó là chủ đề nóng và mọi người sẽ ném tiền vào bạn, thì đừng làm vậy. Hãy cẩn trọng. Bạn đã đúng khi nghĩ rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra với những công nghệ này. Nhưng thành thật mà nói, phần lớn vấn đề là do con người. Họ sẽ tìm cách làm những gì có lợi cho họ chứ không phải cho bạn. Chúng ta phải ghi nhớ điều đó và suy nghĩ kỹ về cách chúng ta sử dụng công nghệ AI", ông Cerf dường như ám chỉ lòng tham của con người.

Cerf cho biết ông đã thử yêu cầu một trong các hệ thống chatbot đính kèm biểu tượng cảm xúc ở cuối mỗi câu. Nhưng nó không làm như vậy. Khi ông nói với hệ thống về điều mà ông cảm thấy, nó đã xin lỗi nhưng không thay đổi hành vi của nó.

Theo ông Cerf, có một khoảng cách nhất định giữa những gì công nghệ AI nói rằng nó sẽ làm và những gì nó thực sự làm. "Đó chính là vấn đề. Bạn không thể phân biệt được sự khác biệt giữa một câu trả lời được diễn đạt hùng hồn và một câu trả lời chính xác. Về mặt kỹ thuật, tôi nghĩ những kỹ sư như tôi phải có trách nhiệm cố gắng tìm cách chế ngự công nghệ này để chúng ít gây hại hơn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.