Bị ám ảnh và dằn vặt về số phận của những thai nhi không được làm người, năm 2011, sau khi quản nhiệm giáo xứ Tây Hải (địa bàn P.Hố Nai, TP.Biên Hòa), linh mục Giuse Tịch quyết định phải làm cho những sinh linh bất hạnh này có nơi yên nghỉ đàng hoàng.
Chuyện tưởng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm, cha xứ Tịch mới thấy rắc rối, phức tạp.
Đi xin xác thai nhi
Trực tiếp cùng một số giáo dân tìm đến các phòng khám trong khu vực Hố Nai và các phường lân cận để xin được mang những thai nhi bị phá bỏ về chôn cất; thì ai cũng ngạc nhiên và không giấu nổi sự ngờ vực: “Lạ thật! Cha xứ xin hài nhi về để làm gì?”.
Ông Phạm Quốc Vinh, một giáo dân tình nguyện cho biết: “Những ngày đầu cùng cha Tịch đi đến các bệnh viện hay phòng khám tư nhân xin đưa thi hài các bé về chôn cất, nhiều người bàn ra tán vào. Thậm chí, họ còn bảo “hai cha con điên”.
Tuy có nghi ngại, nhưng nhận thấy vẻ thuần thành của vị linh mục; đặc biệt là khi nghe cha xứ Tịch bộc bạch: “Tôi được học, được dạy bảo và ý thức rằng sinh mệnh nào cũng quý giá. Thai nhi còn là những sự sống dễ bị tổn thương nhất. Các em đã không được sống, được yêu thương và lớn lên, thế nên tôi muốn làm hết sức mình để các em được yên phận, bù đắp cho thiệt thòi mà các em phải chịu”. Nghe vậy, nhân viên bệnh viện và mấy phòng khám ngầm chấp thuận cho cha xứ làm công việc lạ kỳ này.
|
Từng xác thai nhi đem về, được cha xứ Tịch tự tay tắm rửa, lau chùi, quấn tấm áo màu, trịnh trọng đặt vô chiếc hũ nhựa rồi đưa vào tủ đông trước khi đưa đi an táng.
Nghĩa trang thai nhi
Được sự trợ giúp của những bà con thấu hiểu và đồng cảm với việc làm của linh mục Giuse Tịch, năm 2011, nghĩa trang công viên thai nhi được thành lập, thiết kế theo hình dáng 2 bàn tay, mỗi ngón tay là một khu mộ to và dài. Thường xuyên được thắp đèn, hương và trang trí hoa tươi, đồ chơi thiếu nhi...
Nghĩa trang thai nhi ra đời cũng đã không tránh khỏi tai tiếng thị phi.
Có dư luận cho rằng: “Nghĩa trang này vô hình trung sẽ khích lệ cho những ai muốn bỏ thai nhi vì nghĩ rằng đã có nơi chôn cất đàng hoàng như thế, thì người ta cứ vô tư...”.
Trước những ý kiến bất đồng, linh mục Tịch vẫn bình tâm tâm niệm: “Tôi cảm ơn đời đã cho tình yêu để đồng hành cùng với các thai nhi. Khi làm việc này, tôi không nghĩ xa xôi mà chỉ mong các thai nhi vô tội có một nơi yên nghỉ xứng đáng của một phận đời. Từng có người bảo tôi là mở nghĩa trang thai nhi chẳng khác nào khuyến khích mọi người cứ việc phá thai vì đã có chỗ chôn cất. Tôi không buồn mà vẫn cứ làm. Tôi làm công khai, chính quyền địa phương và mọi người trong khu vực đều biết. Họ rất ủng hộ tôi vì đây là công việc bác ái, từ thiện”.
Vị Chánh xứ nhà thờ Tây Hải còn nói thêm: “Tôi thành lập nghĩa trang này với mong muốn những sinh linh nhỏ bé sẽ có nơi an nghỉ và hy vọng hóa giải được nỗi day dứt trong lòng của đấng sinh thành từng phá bỏ đứa con của mình. Hơn nữa, hành động đó còn là để tuyên truyền giáo dục cho giới trẻ thay đổi được nhận thức, tránh những sai lầm đáng tiếc, có trách nhiệm với chính bản thân mình để có cuộc sống lành mạnh hơn”.
Và ông cho biết: “Tôi cũng nghĩ rằng việc làm của mình đang có những tác động ít nhiều đến xã hội, nhất là tình trạng nạo phá thai trong khu vực. Thực tế tình trạng này đang giảm dần. Trong mỗi thánh lễ thai nhi tôi đều khuyên nhủ mọi người về sự sống. Phải bảo vệ sự sống và ngừng việc phá thai”.
|
Mở nhà tạm lánh
Từ việc thu xác hài nhi và lập nghĩa trang, linh mục Nguyễn Văn Tịch (được nhiều người gọi một cách thân thương là “Cha Tịch thai nhi”) lại hiểu thêm về nỗi khổ đau của những bà mẹ trẻ vướng hoàn cảnh trớ trêu phải rứt ruột bỏ con, hoặc không đủ khả năng bảo vệ bào thai, tìm đến, xin được giúp đỡ. Thế là nhà tạm lánh Mai Tiến ra đời.
Mỗi khi có thai phụ tìm đến, cha Tịch thường hỏi han, khuyên nhủ cố gắng bảo vệ sự sống cho con. Trong hơn 10 năm mở cửa, ngôi nhà này đã là nơi cưu mang cho gần 1.000 bà mẹ trẻ lâm cảnh bơ vơ, nghiệt ngã; kịp thời cứu sống hơn 800 thai nhi...
Hiện nghĩa trang công viên thai nhi là nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho trên 46.000 thai nhi không được nhìn thấy cuộc đời của các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tham gia việc thiện nguyện không chỉ có giáo dân, mà cả bà con không đạo. Đặc biệt, đã có nhiều nhóm phật tử từ một số nơi trong nước tìm đến đây tổ chức cầu siêu.
Mới đây linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch - người được Giáo phận Xuân Lộc giao làm Trưởng ban Bảo vệ sự sống, có bài viết trên Facebook: “Dịch Covid-19 đáng sợ... Nó đã làm cho nhiều gia đình tan vỡ, hơn 3,5 triệu người chết và không biết khi nào nó dừng lại. Dịch phá thai cao hơn nhiều. Bạn biết tại sao bạn lại mang thai và mình phải đối diện với thai nhi, con cái của mình mà cho nó cơ hội tiếp tục sống. Xin hãy bảo vệ thai nhi vì đơn giản đó là con người và đó là con của bạn. Nếu bạn gặp khó khăn, nơi nhà tạm lánh Mai Tiến và nhiều mái ấm được mở ra sẵn lòng giúp bạn bảo vệ chính con của bạn”.
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồng
Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
|
|
Bình luận (0)