Như Thanh Niên đã đưa tin, sau khi tiếp nhận thông tin giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Gò Vấp) phản ánh về chất lượng bữa ăn bán trú “lèo tèo”, trong ngày 7.12, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, đã tổ chức kiểm tra đột xuất bữa ăn tại trường.
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp đề nghị nhà trường tăng cường công tác quản lý, giám sát nhân viên bảo mẫu phục vụ bán trú cho học sinh; xây dựng quy chế bếp ăn, thực hiện và giám sát nghiêm; có thể lắp camera trong bếp để giám sát quá trình nhân viên, bảo mẫu chuẩn bị bữa ăn; cân đối dinh dưỡng, chi phí giữa các bữa ăn…
Ông Trịnh Vĩnh Thanh cũng đề nghị nhà trường nên có hộp thư ghi nhận ý kiến của các học sinh về chất lượng bữa ăn bán trú, cách phục vụ chăm sóc của nhân viên bếp ăn, bảo mẫu…
Lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo Q.Gò Vấp, đột xuất kiểm tra nhà bếp nấu bữa ăn bán trú cho học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai |
Minh Châm |
Giám sát phải thường xuyên
Hoan nghênh hoạt động kiểm tra đột xuất ngay khi có phản ánh về chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh, bạn đọc (BĐ) Văn Khanh Trần góp ý: “Việc bếp ăn bán trú nên có camera giám sát ghi nhận, lưu dữ liệu trong một thời gian quy định là cần thiết. Vì kiểm tra cũng phải là một quá trình, chứ chỉ một buổi mà đánh giá toàn diện nhiều khi chưa khách quan”.
Nhiều BĐ lưu ý “đã có biết bao sự việc liên quan đến vấn đề suất ăn bán trú cho học sinh xảy ra rồi”, nên việc chấn chỉnh chỉ bằng những lời nhắc nhở là chưa đủ mà phải ra quy định rõ ràng, có thưởng có phạt mới mong mọi người làm tốt công việc chăm chút bữa ăn cho các em.
Trong trường hợp cụ thể với bếp ăn Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, BĐ Huytra105 lưu ý thông tin phản ánh về chất lượng bữa bán trú đến từ chính giáo viên trường, chứ không chỉ đến từ phía phụ huynh như trước đây: “Biết là với quy định 30.000 đồng/ngày thì khó chế biến món lắm, nhưng đến giáo viên còn khó ăn mà nêu ý kiến thì chắc trường phải xem lại”.
An toàn trên hết
Câu chuyện chất lượng bữa ăn bán trú liệu có tương ứng với mức thu theo quy định từng nhiều lần trở thành diễn đàn trao đổi sôi nổi của các bậc phụ huynh trên Báo Thanh Niên, nay lại tiếp diễn.
BĐ Maihuong nêu: “Đòi hỏi bữa ăn ngon, sạch, đảm bảo dinh dưỡng mà với số tiền đó thì chẳng khác gì đánh đố người đi chợ. Ít nhất 20.000 đồng cho ăn sáng, 50.000 đồng cho bữa trưa, chiều may ra các con mới có bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng, cũng như đa dạng thực phẩm được”. Tán thành, BĐ Lê Tấn Vinh nhận xét: “Tình hình vật giá hiện nay, nhà trường chỉ thu có 30.000 cho bữa ăn trưa và ăn xế là không hợp lý. Ít nhất phải thu đủ 45.000 đồng/ngày mới thỏa mãn nhu cầu chuẩn bị cho các em”.
Trong khi đó, BĐ Lương Nguyen nêu góc nhìn: “Theo tôi, thực phẩm an toàn cho các con quan trọng hơn số lượng của bữa ăn. Ở tuổi của các con, nhu cầu ăn chưa nhiều nên thức ăn có thể đơn giản cũng được, bé nào cần ăn thêm thì xin thêm, tùy sức ăn. Bữa ăn 30.000 có đủ cơm, canh và món mặn là được rồi. Cha mẹ đừng quá chú trọng vào việc con ăn gì, nhiều hay ít, mà cần biết bữa ăn của con có an toàn hay không? Nguồn gốc thực phẩm ở đâu?”. BĐ Nhã Trần chia sẻ một kỷ niệm không vui: “Hồi con mình còn học mầm non, mình từng bị trường thông báo hôm nay con phải ăn ngoài vì… có đoàn xuống kiểm tra”.
Đa số ý kiến BĐ cũng cho rằng mọi tranh luận, đóng góp, ý kiến; các cuộc kiểm tra dù có đột xuất hay không, suy cho cùng đều hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn, chất lượng cho bữa ăn bán trú. BĐ Oanh Vuong gửi gắm: “Mong cho mọi người trong trường học luôn làm vì cái tâm, đừng vì một lý do nào đó mà tội nghiệp cho các cháu”.
Tất cả các trường hãy cho phép phụ huynh học sinh được kiểm tra đột xuất như thế này.
Vu Duc
Rất cần gắn camera quan sát bếp ăn cho chắc.
Nguyễn Hồng Nguyên
Bình luận (0)