Chấn động vụ rò rỉ thông tin về các đại gia trốn thuế toàn cầu

05/04/2013 17:29 GMT+7

(TNO) Liên hiệp Phóng viên điều tra (ICIJ) vừa công bố một báo cáo điều tra về gian lận tài chính toàn cầu được coi là lớn nhất trong 16 năm hoạt động của tổ chức này.

(TNO) Liên hiệp Phóng viên điều tra (ICIJ) vừa công bố một báo cáo điều tra về gian lận tài chính toàn cầu được coi là lớn nhất trong 16 năm hoạt động của tổ chức này.

AFP ngày 5.4 đưa tin cho biết ICIJ đã phanh phui “các thiên đường trốn thuế” trên toàn thế giới, phơi bày bí mật của hơn 120.000 chi nhánh nước ngoài của nhiều công ty và quỹ đầu tư, cũng như các vụ gian lận tài chính của gần 130.000 cá nhân, tại hơn 170 quốc gia.

Cuộc điều tra dựa vào 2,5 triệu tập tin lưu trữ thông tin mật nằm trong một ổ cứng mà tổ chức này bí mật nhận được. ICIJ cho biết vụ việc “có thể trở thành sự hợp tác chưa từng có trong lịch sử báo chí thế giới”.

ICIJ vốn là một tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 1997 nhằm tổ chức cho các phóng viên cùng hợp tác điều tra, phanh phui các vụ tham nhũng.


Trang web của ICIJ công bố báo cáo điều tra về giới trốn thuế toàn cầu - Ảnh:AFP

Theo báo cáo của ICIJ, các ngân hàng hàng đầu thế giới như Clariden (Thụy Sĩ), UBS (Thụy Sĩ) và Deutsche Bank (Đức) đã cho phép khách hàng thành lập các công ty bí mật tại nhiều quốc gia.

Ngoài ra, các cá nhân bị ICIJ phanh phui "có liên quan đến các hoạt động kinh doanh không khai báo thuế" được phát giác đặt trụ sở kinh doanh ở khắp mọi nơi: quần đảo Cook (New Zealand), quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Azerbaijan, Nga, Canada, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Mông Cổ và nhiều nước khác.

Các bác sĩ Mỹ, người Hy Lạp, giám đốc các doanh nghiệp Nga, giới tài phiệt chứng khoán Mỹ, tỉ phú Đông u, thân nhân của các lãnh tụ độc tài... đã tận dụng các cơ sở đặt tại nước ngoài với lý lịch chồng chéo để sở hữu biệt thự, du thuyền, tranh ảnh quý và nhiều loại tài sản khác mà chỉ phải chịu thuế đánh lên tài sản thấp và hoàn toàn được quyền giấu tên tuổi.

Thuế thấp và giấu tên chủ sở hữu tài sản là hai “đặc quyền” mà người bình thường không bao giờ có được, ICIJ nhận định.

“Cả một hệ thống kế toán, môi giới và các chức vụ khác đã được hình thành để giúp các doanh nghiệp này che giấu tên tuổi, lợi nhuận, đồng thời bảo kê cho các vụ rửa tiền hoặc các loại hình gian lận tài chính khác”, ICIJ cho hay.

Lượng dữ liệu của ICIJ là kho thông tin mật lớn nhất mà báo giới từng có được về các chi nhánh ngầm ở nước ngoài. Tổng số tập tin mà ICIJ khai thác, nếu tính theo gigabyte, lớn gấp 160 lần lượng thông tin rò rỉ từ Bộ Ngoại giao Mỹ mà WikiLeaks có hồi năm 2010.

Các cá nhân nhúng chàm

ICIJ đã phanh phui việc bà Maria Imedla Marcos Manotoc, con gái cả của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, là người thừa hưởng một quỹ đầu tư ở quần đảo Virgin.

Sau khi thông tin này được đăng tải, các quan chức chính phủ Philippines đã nói rằng "họ sẵn sàng điều tra xem liệu còn có khối tài sản nào nằm trong quỹ đầu tư mà bà Maria Imedla Marcos Manotoc được thừa hưởng thuộc về khoản tiền trị giá ước tính lên đến 5 tỉ USD do cha bà tham nhũng mà có hay không”, trang tin IBT (Mỹ) dẫn báo cáo của ICIJ cho hay.

Chấn động vụ rò rỉ thông tin về đại gia trốn thuế toàn cầu
Quần đảo Cook nằm trong số những "thiên đường trốn thuế" thế giới - Ảnh: AFP

Luật sư Canada Tony Merchant bị phát hiện là đã che giấu tung tích về một quỹ đầu tư nằm ở quần đảo Cook mà ông này đã bơm vào hơn 1 tỉ USD vào năm 1998, ICIJ cho hay.

“Trong phần khai báo gửi cơ quan thuế Canada, ông Merchant đã đánh vào ô “không” trong phần trả lời cho câu hỏi ông có tài sản nào trị giá hơn 100.000 USD vào năm 1999 ở nước ngoài hay không”, ICIJ tiết lộ.

Từ năm 2002 đến năm 2009, ông này thường xuyên trả phí duy trì quỹ đầu tư nói trên “thông qua việc gửi phong bì chứa hàng ngàn đô la tiền mặt và séc, chứ không gửi theo đường chuyển khoản”, ICIJ trích dẫn tài liệu mật từ công ty quản lý quỹ cho vị luật sư người Canada.

Một cá nhân khác nằm trong báo cáo điều tra của ICIJ là bà vợ của Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov và hai lãnh đạo cao cấp tại Gazprom (Nga), tập đoàn khai thác khí đốt lớn nhất thế giới.

Ngoài ra còn có Carmen Thyssen-Bornemisza, nữ nam tước và là một nhà sưu tập nghệ thuật nổi tiếng của Tây Ban Nha. Bà này đã dùng một công ty ở quần đảo Cook để mua các tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như tranh của Van Gogh, từ các nhà đấu giá lớn tại Mỹ mà không phải trả tiền thuế.

Có khoảng 4.000 người Mỹ bị nêu tên trong báo cáo của ICIJ. Trong số đó có Denise Rich, một nhà soạn nhạc nổi tiếng từng đoạt giải Grammy. Nữ nhạc sĩ này sở hữu 144 triệu USD trong một quỹ đầu tư ở quần đảo Cook, theo điều tra của ICIJ.

Một cái tên đáng chú ý khác là James R. Mellon, thành viên dòng họ Mellon, vốn đã thành lập các tập đoàn lớn như Công ty dầu khí Gulf Oil (Mỹ) và Ngân hàng Mellon (Mỹ).

ICIJ cho biết ông này đã “dùng bốn công ty tại quần đảo Virgin và quốc gia Lichtenstein để thực hiện các vụ mua bán cổ phiếu, chuyển hàng chục triệu đô la giữa các tài khoản ngân hàng ngầm ở nước ngoài mà ông là người đứng tên”.

Ông này từng nói: “Tôi có biết một ứng viên tổng thống Mỹ sở hữu rất nhiều tài sản tại quần đảo Cayman”, theo ICIJ.

Tại Đông Nam Á, ICIJ phát hiện Nalineed “Joy” Taveesin, một nhà đầu tư thường dùng quỹ đầu tư TrustNet tại Singapore để thiết lập một công ty ngầm tại quần đảo Virgin.

ICIJ huy động toàn lực tổng hợp "kho báu" thông tin mật

Ông Gerard Ryle, người đứng đầu ICIJ, đã nhận được một lá thư có kèm theo một ổ cứng chứa 2,5 triệu tập tin lưu trữ thông tin chi tiết về 120.000 chi nhánh ở nước ngoài của nhiều công ty, cũng như tư liệu của gần 130.000 cá nhân, theo AFP ngày 5.4.

Ryle thừa nhận ban đầu ông không rõ cái mình vừa nhận được là gì.

“Các tập tin chứa một đống danh tính từ khắp nơi trên thế giới và họ hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Thế là tôi làm theo cách mà phóng viên nào cũng sẽ làm, đó là lên Google tra”, Ryle kể lại.

Với tư cách là người đứng đầu ICIJ, ông Ryle bắt đầu huy động đội ngũ phóng viên trực thuộc hùng hậu có mặt ở khắp nơi trên thế giới để giúp ông khai thác “kho báu” thông tin nhạy cảm khổng lồ mà ông vừa nhận được.

ICIJ đã huy động 86 phóng viên điều tra tại 46 nước để phân tích nguồn thông tin kể trên trong vòng 15 tháng và đã bắt đầu cho đăng tải các báo cáo điều tra trong tuần này. Tổ chức này cũng đã sử dụng phương pháp công bố thông tin của WikiLeaks.

Cho đến nay, loạt bài điều tra của ICIJ đã gây chấn động tại nhiều nước, làm bẽ mặt Jean-Jacques Augier, cựu quản lý ngân sách chiến dịch tranh cử của Tổng thống Pháp Francois Hollande, và cả gia đình tổng thống Azerbaijan.

Tuy nhiên, ông Ryle cũng cảnh báo nhiều người có tên trong các ổ cứng mà ông nhận được có thể đã không vi phạm pháp luật.

“Đầu tiên bạn phải nhận ra rằng bạn không thể buộc tội người khác là đã làm gì sai trái vì bạn không có toàn bộ câu chuyện, bạn không biết người ta đã khai báo thuế như thế nào. Bạn sẽ cứ phải tự hỏi: Câu chuyện ở đây là gì? Nó có phạm pháp không?”, Ryle lưu ý.

ICIJ có nhận được sự trợ giúp từ một công ty phát triển phần mềm Úc, cung cấp một phần mềm miễn phí giúp làm rõ các thông tin trong ổ cứng.

ICIJ sẽ tiếp tục tung ra báo cáo điều tra vào ngày 15.4 tới và hứa sẽ còn công bố thêm vào cuối năm nay.

“Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi còn có rất nhiều thứ để công bố vì nguồn dữ liệu mà chúng tôi nhận được lớn khổng lồ và cần nhiều thời gian để hiểu rõ chúng”, Ryle cho hay.

Hoàng Uy

>> FBI điều tra vụ rò rỉ thông tin Mỹ tấn công mạng Iran
>> Rò rỉ thông tin chấn động Vatican
>> New York chấn động với vụ bê bối "chạy" chức thị trưởng
>> Tiết lộ chấn động từ Google, Microsoft
>> Lời đồn chấn động về nguyên nhân Giáo hoàng thoái vị
>> Tiết lộ chấn động về chuyện Giáo hoàng thoái vị
>> Chấn động vì Triều Tiên thử hạt nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.