Chặn rác thải từ biên giới

16/07/2019 04:49 GMT+7

Muốn trả lại rác thải cho các nước phát triển giống như cách các nước Đông Nam Á đang thực hiện, trước tiên, VN phải kiên quyết ngưng nhập rác thải dưới vỏ bọc “phế liệu tái chế”.

Đó là con đường mà các nước nhập khẩu phế liệu lớn trên thế giới đều đi qua.
Năm 2017, Trung Quốc, nước nhập khẩu rác tái chế lớn nhất thế giới tuyên bố cấm cửa với 24 loại chất thải có thể tái chế, bao gồm một số loại nhựa phế liệu và giấy hỗn hợp. Được mệnh danh là công xưởng của thế giới, trong nhiều thập niên liên tục, nước này là điểm đến cho các loại rác thải nhựa, giấy từ Mỹ và các nước phát triển. Thế nên, khi nước này tuyên bố ngưng ngập, ước tính có hơn 500.000 container rác phế liệu lênh đênh trên biển tìm bến đỗ.
Một cách logic, rác thải ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á tăng đột biến. Malaysia rơi vào khủng hoảng nhựa khi trở thành nước nhập khẩu phế liệu nhựa nhiều nhất thế giới. Năm 2018, Malaysia đã tạm thời cấm nhập khẩu phế liệu nhựa và tiến hành trả lại rác thải cho các nước phát triển. Thái Lan, Indonesia cũng tương tự để ngăn chặn cơn lũ rác thải từ các nước giàu có trên thế giới đang gấp gáp tìm bến đỗ sau khi Trung Quốc tiếp tục cấm cửa thêm nhiều lại rác thải.
Trở lại câu chuyện của VN, ngay khi Trung Quốc cấm cửa với nhiều loại rác thải, chúng ta đã nhanh chóng vào cuộc bàn giải pháp để không trở thành bãi rác của thế giới. Thế nhưng thực tế, rác thải vào VN vẫn gia tăng liên tục trong quãng thời gian đó. Các cảng lớn trên cả nước khốn khổ vì hàng ngàn, hàng vạn container tồn đọng lưu cữu chưa có giải pháp. Theo dữ liệu của trang The Guardian, từ tháng 1 đến tháng 11.2018, VN đã nhập khẩu tổng cộng 443.600 tấn phế liệu nhựa, lớn thứ 3 trên thế giới. Điều đó cho thấy, giữa quyết tâm và thực hiện vẫn lệch pha. Đến lúc này, khi các nước đã tiến hành trả lại rác thải cho các nước phát triển, chúng ta vẫn loay hoay bàn bạc, lấy ý kiến...
Nên nhớ, không chỉ rác thải từ các nước phát triển mà hàng trăm, hàng ngàn nhà tái chế nhựa Trung Quốc cũng đang tìm bến đỗ khi nước này cấm nhập khẩu nhiều loại chất thải có thể tái chế. Một số nước trong khu vực đã đối mặt với các nhà máy, cơ sở sản xuất nhựa chui từ các nhà tái chế Trung Quốc. Những nước chưa quyết liệt hay có khe hở trong chính sách về môi trường hay các quy định nhập khẩu, kiểm tra, giám sát phế liệu nhập khẩu chưa quyết liệt đều là đích đến của các đối tượng này. Nói thế để thấy, nếu chúng ta không kiên quyết chặn rác thải, chặn các nhà tái chế Trung Quốc thì môi trường sống, môi trường đầu tư trong nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vẫn có rất nhiều kiến nghị, kêu cứu về chuyện thiếu nguyên liệu nhựa, sắt... cho sản xuất từ các doanh nghiệp, hiệp hội. Nhưng VN đang là 1 trong 5 nước thải rác nhựa nhiều nhất thế giới; VN cũng là nhà nhập khẩu phế liệu nhựa lớn thứ 3 toàn cầu như nói trên.
Vì vậy, hãy chặn rác thải nhựa nói riêng và các loại rác thải nói chung ngay từ biên giới để chung tay bảo vệ môi trường và hưởng ứng lời kêu gọi nói không với đồ nhựa sử dụng một lần mà Thủ tướng kêu gọi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.