CHÀNG TRAI MUỐN LÀ NGƯỜI NÓI TIẾNG VIỆT GIỎI NHẤT HÀN QUỐC
Tuấn Jeon chạy xe máy thong dong giữa những phố phường Hà Nội tím ngát hoa hoa bằng lăng tháng 5, dừng chân quán quen, anh gọi một ly bạc xỉu và ngắm thủ đô vào hè.
Tuấn Jeon tên thật là Jeon Hyong Jun (năm nay 28 tuổi). Từ nhiều năm trước anh đã chọn cho mình cái tên rất VN bởi "Chữ Tuấn theo phiên âm Hán Việt là Jun". Là cựu học sinh Trường THPT Ngoại ngữ Chungnam - trường học tại Hàn Quốc có dạy tiếng Việt, chàng trai sinh ra ở Seoul ngày càng yêu thích tiếng Việt hơn.
Anh từng gây sốt trong cộng đồng VN khi viết thư cho một tòa soạn báo ở VN và nói ước mơ "Em muốn trở thành người Hàn nói tiếng Việt giỏi nhất Hàn Quốc".
Trong thời gian là sinh viên ngành Báo chí, Trường ĐH Sogang, Tuấn Jeon có thời gian sang VN, cộng tác tại ban Đối ngoại, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV5). Hiện Tuấn Jeon đang học thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao (Hà Nội).
Thật thú vị, chàng trai người Hàn nói tiếng Việt "đỉnh của đỉnh" đang là giảng viên thỉnh giảng bộ môn tiếng Hàn của Học viện Ngoại giao, đồng thời là chuyên gia hiệu đính của Chương trình tiếng Hàn, Ban đối ngoại, Đài tiếng nói Việt Nam.
Tuấn Jeon kể chuyện mua xe máy để chủ động việc đi lại ở Việt Nam
Chàng trai lý giải tất cả những tình yêu, duyên nợ của mình ở mảnh đất này: "Kiếp này là người Hàn, nhưng kiếp trước tôi là người Việt".
'100% ĐỀU TIN TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT'
Tuấn Jeon kể một kỷ niệm vui buổi đầu tiên anh bước vào lớp, các sinh viên ở Học viện Ngoại giao thấy anh cười nói thân thiện và trao đổi bằng tiếng Việt rất trôi chảy thì "thở phào nhẹ nhõm".
"100% các sinh viên tin tôi là người Việt, các em ngại là học tiếng Hàn từ người Hàn Quốc sẽ khó hơn. Cho đến 30 phút sau, tôi giới thiệu tên thật, quốc tịch của mình, thậm chí mang cả hộ chiếu ra để các em nhìn, 80% vẫn không tin tôi là người Hàn, các em còn quả quyết "vậy chắc cha hoặc mẹ thầy là người VN rồi!", Tuấn Jeon hồi tưởng.
Công việc của một giảng viên tiếng Hàn khá căng thẳng, Tuấn Jeon cho hay các sinh viên ở Học viện Ngoại giao chọn bộ môn tiếng Hàn là ngoại ngữ thứ hai. Áp lực của giảng viên là làm sao tương tác thật tốt với các sinh viên, truyền cảm hứng được cho mọi người, để các sinh viên không từ bỏ và mất đi động lực học ngoại ngữ.
"Tôi phụ trách 2 lớp với khoảng 60 sinh viên, trong đó có 1-2 bạn có vẻ không tập trung học lắm. Cho đến buổi học cuối cùng, hai bạn ở lại gặp tôi và khóc rất nhiều, các bạn nói "em rất hối hận vì đã không học hành chăm chỉ. Năm sau em sẽ vẫn tiếp tục học lại, em quyết tâm lấy chứng chỉ tiếng Hàn. Tôi rất xúc động", Tuấn Jeon bộc bạch.
"Việt Nam, nơi tôi thấy hạnh phúc"
Nếu như Tuấn Jeon có thời gian sinh sống và làm việc ở VN khá lâu thì Kim Siyeun (24 tuổi) đang là sinh viên ngành học về phát triển, quản lý đô thị trường University of Seoul, mới sống ở TP.HCM được 7 tháng và "đã phải lòng ẩm thực và nhiều điều ở VN".
Kim Siyeun đang học tiếng Việt tại Trung tâm Việt Nam Học và tiếng Việt cho người nước ngoài, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Q.7. Cô đọc báo, xem YouTube, phim có phụ đề tiếng Việt để trau dồi hơn khả năng ngoại ngữ của mình.
Cô gái đã từng đến nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… và từng tới VN 4 lần trong các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa trước đây khẳng định: "Sau các chuyến đi, tôi nhận ra mình sẽ phải học tiếng Việt thật giỏi và sống, làm việc tại VN. Nơi này cho tôi cảm giác được học tập, làm việc hết mình và cảm nhận được cuộc sống của mình hạnh phúc".
Những niềm hạnh phúc nho nhỏ của Kim Siyeun mỗi ngày là được đi bộ thong dong trên quãng đường vào trường, ngồi uống cà phê sữa đá trong rất nhiều quán cà phê ở thành phố, trò chuyện với bạn bè và ăn đủ món ăn đường phố ngon lành.
"Tôi thích phở tái, bánh khọt, bánh xèo, bánh tráng nướng, bún chả, sinh tố xoài, bánh mì trứng, bạc xỉu, sinh tố sapoche - thứ quả mà Hàn Quốc không có. Lúc tôi đi Đà Lạt, tôi thích nhất là ăn bánh tráng nướng, ngon quá tôi ăn một lúc 5 cái", cô gái rạng rỡ kể.
Tình yêu ẩm thực cũng là một cách để dẫn lối cho những tình yêu khác. Các thành viên trong gia đình Kim Siyeun đã tới VN nhiều lần trong các chuyến du lịch, họ cùng nhau đi tới Hội An, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hà Nội, Đà Lạt… và đều bị chinh phục bởi rất nhiều món ngon.
Thậm chí, mẹ của Kim Siyeun "bị" món rau muống xào tỏi của VN làm cho "đổ gục". Cuối tháng 5 này, bà chính thức tới TP.HCM sống cùng con gái, đi học tiếng Việt cùng với con.
CẦU NỐI VĂN HÓA VIỆT NAM - HÀN QUỐC
Kim Siyeun rất yêu thích áo dài. Trong dịp kỷ niệm sinh nhật hồi tháng 4 vừa rồi, cô gái Hàn Quốc xinh đẹp đã chụp một bộ ảnh rất dễ thương với áo dài VN tại Hội An và chia sẻ trên trang cá nhân.
Tháng 7 này, cô sẽ trở lại Hàn Quốc một thời gian để tốt nghiệp ĐH, sau đó cô trở về TP.HCM, xin việc trong một công ty tại VN.
Cô gái cho biết chuyên ngành của mình là quản trị đô thị, chung cư trong đô thị, cô luôn mong muốn có thể ứng dụng những kiến thức đã học cũng như kinh nghiệm xây dựng, quản trị đô thị tại Hàn Quốc vào thực tế làm việc tại TP.HCM.
"TP.HCM rất hiện đại, phát triển nhưng vẫn còn ít công viên, những mảng xanh. Nếu như thêm nhiều công viên, nhiều cây xanh được trồng hơn nữa ở thành phố sẽ mang lại những không gian xanh miễn phí cho người dân được thụ hưởng, đặc biệt là trẻ em", cô gái 24 tuổi bộc bạch.
Giống như Kim Siyeun, Tuấn Jeon luôn muốn trở thành cầu nối văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, từ những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa của mình. Đó là lý do anh từng nhiều lần cùng tham gia, tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa như năm 2015 cùng sinh viên khoa tiếng Hàn trường ĐH Khoa học Huế tổ chức chương trình vận động các bạn cùng yêu ngôn ngữ của mình. Năm 2016, chàng trai Seoul cùng 60 bạn trẻ Việt Nam 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng giao lưu giới thiệu ẩm thực các tỉnh thành…
4 năm trước, anh còn tự trích thu nhập của mình mỗi tháng, xây dựng học bổng Tuấn Jeon, hỗ trợ 6 học sinh nghèo học giỏi tại Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM. Tới nay, cả 6 em sắp thi tốt nghiệp THPT để vào ĐH. Cùng sự hỗ trợ của một người bạn, Tuấn Jeon đang hỗ trợ thêm 2 em học sinh của ngôi trường vùng ngoại ô này nữa.
Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19 năm 2020, khi mà Daegu là tâm dịch của Hàn Quốc, Tuấn Jeon trở thành tình nguyện viên, người phiên dịch qua tổng đài hỗ trợ rất nhiều lao động người Việt đang làm việc tại Hàn để họ được đi xét nghiệm, chích vắc xin tại các cơ sở y tế.
Chủ nhân kênh YouTube giới thiệu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc mang tên Xin chào Kim chi với hơn 10.000 người theo dõi cho hay: "Tôi luôn nghĩ rằng cảm giác đơn độc ở xứ người mà không rành ngôn ngữ của đất nước đó, loay hoay giữa nỗi lo sợ dịch bệnh mà không biết nhờ cậy vào ai thì thật sự khủng khiếp. Khi nói chuyện với những lao động người Việt ở Hàn, dù chỉ qua điện thoại, nhưng tôi cảm nhận được sự mừng rỡ, nghẹn ngào của rất nhiều người VN, khi họ được giúp đỡ, được sẻ chia bằng tiếng Việt".
Bình luận (0)