Năm 2021, khi thấy công việc văn phòng nhiều áp lực nên Tú đã xin vào làm bán thời gian tại một lò gốm ở tỉnh Bình Dương. Tại đây, Tú cảm thấy được bình yên, thư giãn với công việc vẽ trên gốm. Sau một thời gian làm việc, những sản phẩm của Tú tạo ra rất tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao nên chủ lò gốm đã ngỏ lời mời chàng trai ở lại làm chính thức. Từ đó, Tú quyết định dừng lại công việc văn phòng. Tú từng tốt nghiệp ngành thiết kế công nghiệp của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Tú kể ở lò gốm nơi anh đang làm việc có nhiều mèo hoang lui tới, thấy chúng đói nên anh chàng rất thương. "Mình có lấy đất nặn thêm các vật dụng như pin cài áo hình con cá, tượng mèo… để bán kiếm tiền mua thức ăn cho mèo. Dần dà, mình thấy sản phẩm được ưa chuộng, nên đã phát triển thêm mảng làm đồ gốm với những hình thù dễ thương để kinh doanh”, Tú chia sẻ.
Để làm được những sản phẩm đẹp mắt, Tú phải trải qua các bước như dùng tay nặn tạo dáng. Tiếp đến là đem các sản phẩm gốm phơi cho hơi ráo rồi nhúng men. Cuối cùng là vẽ họa tiết trang trí lên các sản phẩm gốm rồi đem nung. Tú sử dụng các chất liệu như đất cao lanh, men màu từ các loại oxit sắt hoặc đá nghiền mịn… để tạo ra những sản phẩm gốm.
“Khoảng thời gian đầu do ít kinh nghiệm nên mình làm hư rất nhiều sản phẩm. Có một giai đoạn mình rất nản nên chỉ qua lò để vẽ trên gốm, chơi với mèo, cho tụi nó ăn rồi về, chứ không còn thiết tha làm nữa. Sau đó, khi nhìn các con mèo đói ốm nhom tội nghiệp quá nên mình đã cố gắng kiên trì làm lại gốm để có tiền mua đồ ăn cho chúng. Động lực để làm gốm của mình một phần vì yêu nghề và còn lại là tình thương dành cho những con mèo hoang”, Tú chia sẻ.
Tú cho biết những sản phẩm gốm truyền thống chỉ hướng đến các đối tượng là người nội trợ, khách hàng lớn tuổi. Vậy nên, Tú quyết định sáng tạo thêm những sản phẩm mới mang hơi hướng hiện đại, đa dạng mẫu mã và màu sắc tươi trẻ hơn từ chất liệu truyền thống. Từ đó, dễ dàng tiếp cận với nhóm khách hàng trẻ, giúp nghề gốm truyền thống Lái Thiêu không chỉ dừng lại ở những sản phẩm là chén, dĩa...
“Sản phẩm mình vẽ tại lò gốm đa phần là chén, dĩa… dùng cho nhà bếp. Còn những sản phẩm cá nhân thì đa dạng hơn như: đồ trang trí, phụ kiện, đèn... với nhiều hình thù khác nhau”, Tú nói.
Tú thường lấy ý tưởng từ các loài hoa cỏ dại và hình ảnh của những con mèo hoang tại lò gốm để tạo ra sản phẩm. “Mình hay nhìn biểu cảm, hành động của những con mèo rồi tưởng tượng thành các câu chuyện riêng và đưa vào sản phẩm gốm”, Tú nói.
Hiện tại, thu nhập của Tú trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng từ tiền công vẽ và bán các sản phẩm gốm. Tú thường đăng tải hình ảnh sản phẩm gốm lên mạng xã hội để bán và có ký gửi ở một cửa hàng tại Q.3 (TP.HCM).
“Thông qua các sản phẩm gốm, mình muốn truyền đi thông điệp về sự giao thoa giữa cái cũ và mới. Mình sẽ thêm vào tinh thần mới mẻ của người trẻ và gìn giữ chất liệu thủ công truyền thống”, Tú chia sẻ.
Bình luận (0)