Chàng trai Việt trình bày trong buổi làm việc với hội đồng thẩm định quỹ nghiên cứu ở Singapore |
Hiện Nguyễn Duy Tâm (30 tuổi, quê Quảng Bình) là chuyên viên nghiên cứu sau tiến sĩ khoa vật lý, ĐH Monash, Úc. Anh đã xuất bản 22 bài báo khoa học, 3 sáng chế, 11 bài thuyết trình tại các hội thảo khoa học quốc tế tại Đức, Vương quốc Anh, Singapore, Israel, Úc… Đồng thời, trong hai năm 2019, 2020, anh được vinh danh là nhân viên nghiên cứu xuất sắc của ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore.
Chân thật là giá trị quan trọng
Tốt nghiệp loại giỏi ngành Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, Tâm được lựa chọn tham dự kỳ học trao đổi tại ĐH Quốc gia Singapore vào năm 2012.
“Thời gian trao đổi, những ấn tượng về môi trường học tập hàng đầu thế giới đã thôi thúc tôi tìm kiếm cơ hội trở lại Singapore học tập. Sau đó, tôi may mắn nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần từ ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore trong vòng 4 năm. Từ đây, hành trình theo đuổi nghiên cứu khoa học kỹ thuật vật liệu số 1 thế giới của tôi được bắt đầu”, Tâm kể.
Các nghiên cứu của anh trong chương trình tiến sĩ là hướng đến việc chuyển đổi và lưu trữ các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. “Tôi tham gia 3 dự án nghiên cứu chính, bao gồm dự án nghiên cứu vật liệu xúc tác kim loại hiếm cho phản ứng tách nước; dự án vật liệu electrolyte cho pin oxy hóa khử vanadium; dự án vật liệu điện sắc nano cho cửa sổ thông minh”, anh cho biết.
Nguyễn Duy Tâm, chàng trai tài năng |
Thời điểm tham gia phỏng vấn để được chọn làm dự án nghiên cứu pin vanadium, Tâm chỉ vừa tốt nghiệp ĐH, trong khi đó, dự án yêu cầu rất nhiều kiến thức về vật liệu, hóa học, nền tảng điện hóa. Tuy nhiên, anh đã được lựa chọn trở thành thành viên của dự án.
“Giáo sư người Đức Guenther Scherer đã hỏi rất nhiều câu mà tôi không trả lời được. Để tiết kiệm thời gian cho mọi người, tôi đã thành thật chia sẻ với giáo sư về chuyên ngành của mình và thừa nhận nếu giáo sư tiếp tục hỏi các câu hỏi về hóa học, điện hóa thì tôi sẽ không trả lời được câu nào. May mắn, giáo sư đồng ý và đề nghị tôi chia sẻ về kiến thức nền tảng, tất cả những gì tôi biết”, Tâm kể.
“Ngày hôm sau, tôi vô cùng bất ngờ khi được nhận vào dự án khi mà có rất nhiều bạn khác trả lời tốt hơn. Giáo sư sau đó chia sẻ với tôi làm khoa học chưa chắc cần hiểu biết mọi thứ khi mới bắt đầu, nhưng luôn cần sự thành thật. Đó là lý do giáo sư và hội đồng phỏng vấn quyết định chọn tôi”, Tâm nhớ lại.
Nỗ lực, can đảm bước ra khỏi những rào cản
Năm thứ hai làm nghiên cứu sinh, Tâm gặp thử thách lớn khi thực hiện đề tài nghiên cứu pin vanadium. Lúc đó, anh chưa có nhiều kinh nghiệm nên lựa chọn phương án an toàn là đi theo định hướng nghiên cứu đã được hoạch định sẵn từ bên công ty.
Tâm chụp tại hệ thống pin Vanadium của công ty VFlowTech, Singapore |
nvcc |
“Mặc dù danh sách các hợp chất tiềm năng công ty đưa ra dựa trên một số kết quả nghiên cứu đã được công bố, nhưng tôi không thể tìm ra được hợp chất phù hợp dù đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc. Thế nhưng, tôi cũng không chủ động đề nghị thay đổi định hướng nghiên cứu. Đến năm thứ 3, với sự động viên của các giáo sư hướng dẫn, tôi đề nghị với công ty để mình tự xem xét và lựa chọn các hợp chất tiềm năng”, Tâm kể.
Nhận được sự đồng ý, anh bắt đầu lại từ việc khảo sát và thử nghiệm lại một số hợp chất đã được nghiên cứu trước đó. Tại đây, Tâm phát hiện một số hợp chất hữu cơ được công bố vẫn còn chưa thực sự đạt hiệu quả cao do phản ứng phân hủy của nó với chất điện phân dương của pin.
“Tháng 10.2016, tôi đã xuất bản bài báo Quá trình oxy hóa các chất phụ gia hữu cơ trong chất điện li dương và ảnh hưởng của nó đến hiệu suất của pin dòng oxy hóa khử trên tạp chí Journal of Power Sources để xác nhận lại vấn đề này. Đồng thời, tôi đề xuất một phương pháp thử nghiệm chất ổn định nhiệt nhanh chóng và chính xác. Nhờ đó, phạm vi nghiên cứu đã được thu hẹp lại đáng kể và tìm ra được chất phù hợp. Đến cuối năm 3, tôi tìm ra được một tổ hợp chất tối ưu với khả năng ổn định nhiệt vượt trội, có giá thành rẻ và thân thiện với môi trường”, anh nói.
Trong năm cuối, Tâm chứng minh khả năng hoạt động của các thành phần trong hệ thống pin vanadium thực tế. Kết quả thu được mỹ mãn, anh nộp lên trung tâm sở hữu trí tuệ NTUitive để đăng ký bản quyền và đã được chuyển giao cho VFlowTech, công ty về pin vanadium, nơi anh đang làm cố vấn.
Biết ơn nguồn cội
Tâm nhận được Thị thực tài năng toàn cầu của Úc năm 2020 (cả gia đình được sinh sống, làm việc tại Úc với quy chế thường trú nhân (PR), hưởng dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí, các con được học miễn phí từ lớp 1 tới lớp 12 và nhiều quyền lợi khác - PV).
Bắt đầu từ năm 2021, anh công tác tại ĐH Monash, Melbourne, Úc để theo đuổi một dự án nghiên cứu với về sản xuất hydro từ công nghệ tách nước, nhưng sử dụng các xúc tác kim loại chuyển tiếp với giá thành rẻ hơn.
Tâm thuyết trình tại Hội thảo quốc tế về khoa học và kỹ thuật vật liệu năm 2019 tại TP.Melbourne, Úc |
nvcc |
Tâm xuất thân từ gia đình nông dân ở Quảng Bình. Anh kể tuổi thơ của mình rất thiếu thốn. “Nếu như không đến trường, tôi sẽ cùng bố mẹ đi lao động kiếm sống. Thế nên, tôi tự mặc định điều kiện gia đình quyết định nhiều đến tương lai của mình. Tuy nhiên, quan điểm đó đã được thay đổi khi tôi lớn lên, đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Tôi biết, sự nỗ lực của bản thân là điều có thể thay đổi tương lai của mình”, Tâm tâm sự.
Nhìn lại những chặng đường đã qua, Tâm cho biết anh thầm biết ơn nguồn cội, biết ơn xuất phát điểm của bản thân, tâm lý thoải mái của ba mẹ khi chưa bao giờ ép mình phải ngồi vào bàn học đúng giờ.
“Tôi nghĩ thành công không phụ thuộc vào bạn ở đâu trong điểm xuất phát, hay bạn có nhiều tài năng mà nó phụ thuộc vào sự nỗ lực, nghiêm túc hành động và tinh thần ham học hỏi”, anh cho biết.
Trong thời gian tới, Tâm cố gắng hoàn thành các mục tiêu trong dự án nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, chàng trai Việt tiếp tục hỗ trợ các dự án lưu trữ năng lượng tái tạo tại Úc và đặc biệt là tại Việt Nam.
Bình luận (0)