Độc đáo màng bọc thực phẩm ăn được

Thúy Hằng
Thúy Hằng
20/04/2022 06:01 GMT+7

Quỳnh để nguyên gói phở ăn liền và gói gia vị đang ở trong màng bọc vào tô, chế nước sôi, sau 3 phút phần màng bọc này hòa tan trong nước. Cô ăn ngon lành, tô phở không biến đổi hương vị.

Màng bọc thực phẩm ăn được, tan được trong nước nóng không còn là một ý tưởng nữa mà đã được 5 bạn trẻ (cùng 22 tuổi), sinh viên năm cuối Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, sáng chế thành công. Dự án của họ giành giải nhì cuộc thi BK Innovation 2021 và giải nhất cuộc thi iSpark International Pitching Competition do Malaysia tổ chức.

5 thành viên của nhóm EdiFilm

NVCC

“Thấy tội lỗi khi ăn mì gói”

Cảm giác đó là có thật của rất nhiều người mỗi khi dùng đồ ăn liền, phải liên tục xé bỏ bao ni lông bọc ngoài, lại thêm ít nhất 3 - 4 gói ni lông khác bọc bánh phở, mì và đủ loại gia vị, rau củ sấy. Đặc biệt trong mùa dịch vừa qua, mì gói được sử dụng tăng vọt. Vậy làm thế nào để bao bì thân thiện với môi trường hơn, không khiến ai đó cảm thấy tội lỗi khi một ngày thải ra môi trường quá nhiều rác thải nhựa? Câu hỏi đó khiến nhóm sinh viên này bắt tay cùng nhau làm EdiFilm - màng bọc thực phẩm ăn được, từ đầu năm 2021.

Nguyễn Vũ Như Quỳnh, chuyên ngành công nghệ thực phẩm, Khoa Kỹ thuật hóa học, cho hay: “Trên thế giới, một số nước đã sáng tạo ra màng bọc thực phẩm ăn được từ tảo biển. Tuy nhiên, tảo ở Việt Nam giá thành cao. Chúng tôi nghĩ tới tinh bột. Ban đầu chúng tôi thử bằng tinh bột gạo, khoai tây, bắp (ngô), sau đó thấy tinh bột sắn (khoai mì) là ổn nhất. Vùng trồng sắn ở Việt Nam rộng lớn, giá thành rất rẻ”.

Từ tinh bột sắn, nước, các chất phụ gia từ tự nhiên trong ngưỡng cho phép, sau nhiều lần nghiên cứu, ra sản phẩm và lại đổi mới liên tục, nhóm EdiFilm đã tạo ra màng bọc thực phẩm ăn được liền, không mùi, không vị, màu trắng đục. Lớp màng có độ mềm dẻo rất cao. Khi bỏ ra ngoài môi trường có thể phân hủy hoàn toàn trong 2 ngày, nếu trời mưa.

Sau khi đăng tải video màng bọc ăn được, tan được trong nước sôi lên mạng xã hội, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm. Mọi người liên tục hỏi đã bán chưa, nhiều shop thời trang, khách sạn cũng hỏi để họ có thể bọc hàng, bàn chải đánh răng, lược… trong nhà tắm. Sự kỳ vọng của người tiêu dùng là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa

Nguyễn Văn Tú, thành viên của dự án

“EdiFilm khác với lớp màng bọc kẹo dừa mà mọi người vẫn ăn. Màng bọc kẹo dừa làm từ bột gạo, không thể hàn kín. Còn màng của chúng tôi có thể dùng máy ép nóng để hàn dán, do đó có thể bọc dễ dàng vắt mì, phở, các gói gia vị, rau sấy hay bọc các loại bánh kẹo”, Quỳnh chia sẻ.

Thành viên khác của dự án là Nguyễn Văn Tú, ngành kỹ thuật cơ điện tử, Khoa Cơ khí, cho biết màng bọc ăn được còn có thể bọc từng gói trà/cà phê nhỏ bên trong hộp lớn thay vì toàn dùng túi ni lông. Nhóm đang tiếp tục đổi mới kỹ thuật để có thể làm màng tinh bột kháng ẩm, kháng nước, để đựng được các gói nước sốt, tương, phục vụ cho các cửa hàng bán đồ ăn nhanh mang về.

Tú chia sẻ, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chỉ 1/3 rác thải nhựa ra môi trường có thể tái chế. Anh cũng đọc trong một báo cáo khác cho thấy một năm TP.HCM thải ra khoảng 14.000 tấn màng bọc nhựa. Tú kỳ vọng với màng bọc thực phẩm ăn được của nhóm, chỉ cần giảm được 10% trên tổng con số này cũng sẽ giúp TP giảm 1.400 tấn rác thải nhựa ra môi trường.

“Sau khi đăng tải video màng bọc ăn được, tan được trong nước sôi lên mạng xã hội, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm. Mọi người liên tục hỏi đã bán chưa, nhiều shop thời trang, khách sạn cũng hỏi để họ có thể bọc hàng, bàn chải đánh răng, lược… trong nhà tắm. Sự kỳ vọng của người tiêu dùng là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa”, Tú nói.

Màng bọc vắt phở, gói gia vị

Như Quỳnh

Một lúc “cân” nhiều dự án khác nhau

Cả 5 thành viên của EdiFilm đều là những sinh viên xuất sắc, năng nổ, không ngừng tự tạo thêm cho mình các cơ hội phát triển bản thân.

Như Quỳnh, Nguyễn Hoài An, Phạm Nguyễn Cát Tường đều là cựu học sinh lớp chuyên hóa học, Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ngoài dự án làm màng bọc thực phẩm ăn được, Quỳnh đang tham gia một số dự án khác liên quan môi trường. Trong khi đó, ở năm cuối ĐH, Tường đã làm việc cho một công ty kiểm toán thuộc Big4 lớn hàng đầu thế giới.

Mạc Thị Vi, trưởng nhóm và Nguyễn Văn Tú đều là cựu học sinh lớp chuyên vật lý, Trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước. Vi đang thực tập tại Pháp trong một công ty khởi nghiệp về thực phẩm. Còn Tú với thế mạnh về giải quyết các vấn đề kinh tế cũng đang theo đuổi nhiều dự án khác nhau.

5 bạn trẻ cho biết khi chính thức khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp và phát triển sản xuất với màng bọc thực phẩm ăn được EdiFilm, cả nhóm sẽ cần thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng về rất nhiều mặt. Khi làm trong dây chuyền công nghiệp, cần hệ thống máy móc chuyên nghiệp cho việc sản xuất màng bọc ăn được như bồn phối trộn, bồn gia nhiệt, thiết bị đổ khuôn dạng băng tải, thiết bị hút chân không, thiết bị sấy đối lưu…

Lớp màng mỏng, dẻo, có thể ăn được

Như Quỳnh

“Trước mắt, chúng tôi vẫn tiếp tục cải tiến kỹ thuật, đồng thời vẫn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo để nuôi dự án, và tiếp thêm niềm tin cho cả nhóm”, Tú chia sẻ.

PGS-TS Nguyễn Đình Quân, giảng viên bộ môn Quá trình và thiết bị, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Màng bọc này tưởng không phải tinh bột nhưng lại là tinh bột. Các bạn ấy đã thêm các phụ gia ăn được, phối trộn các tinh bột, xử lý ở một nhiệt độ nhất định, đó là công thức riêng, đột phá kỹ thuật của các bạn”.

Theo ông Quân, đây sẽ là sản phẩm rất hay, hiện tại chưa kháng ẩm thì có thể ứng dụng trong việc bọc các vắt mì, bánh phở khô, bún khô ăn liền, để sợi phở, bún không vỡ khi vận chuyển, khi ăn chỉ cần bỏ luôn vào tô là tan luôn.

“Tôi cũng gợi ý cho các bạn thử thêm một số chất bề mặt để màng bọc này kháng nước, để tạo thành túi ni lông sinh học, có thể phân hủy chứ không phân rã, thay thế túi ni lông thường dùng. Các bạn đang thực hiện. Tôi đánh giá cao tiềm năng của nhóm, nếu các bạn mạnh dạn khởi nghiệp, lên kế hoạch rõ ràng về nhân sự, vốn, marketing... thì hoàn toàn khả thi”, PGS-TS Quân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.