Đây là lần thứ hai biện pháp mạnh này được áp dụng nhưng tâm thế của người dân, doanh nghiệp đã khác hẳn lần trước.
Nếu ở lần giãn cách trước, rất nhiều người đã đổ ra siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa... mua hàng hóa tích trữ thì năm nay, dù vẫn còn có người lo lắng xếp hàng mua đồ nhưng hầu hết đều biết rằng lương thực - thực phẩm không thiếu, chỉ vài thao tác trên điện thoại, họ sẽ được giao tận nhà. Các hệ thống bán lẻ lớn nhất cả nước như Vinmart, Co.op, BigC, Bách Hóa Xanh... đều kích hoạt chế độ mua bán trực tuyến, giao nhận nhanh, phục vụ tối đa nhu cầu khách hàng. Các quán, hàng vỉa hè cũng ngay lập tức treo biển “Chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ”, không còn lúng túng, không còn níu kéo, vi phạm như lần trước.
Đặc biệt, ngay tâm dịch Bắc Giang, trái vải Việt Nam vẫn bay thẳng qua Nhật bằng đường hàng không, trong nước thông qua trang thương mại điện tử Lazada, vẫn tới tay người tiêu dùng ở các thị trường lớn nhất như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Có được thành tích này là nhờ 1 năm trước, khi đại dịch hoành hành, chính quyền, các doanh nghiệp và nhà vườn ở địa phương này đã nỗ lực phối hợp đưa vải cùng nhiều loại nông sản khác lên giới thiệu, quảng bá trên “chợ” online.
Chủ tịch một tập đoàn nông sản lớn ở Gia Lai cho biết 2 năm trước, trái cây của đơn vị ông chủ yếu đi đường bộ, qua biên giới Lạng Sơn xuất bán sang Trung Quốc. Thế nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát tháng 3.2020, nước này siết chặt thông quan hàng hóa để kiểm soát dịch bệnh khiến hàng ngàn tấn thanh long kẹt ở vùng biên, ông đã thay đổi chiến lược, chuyển bán chính ngạch hoàn toàn nên giờ đây không còn bị động nữa... Tất nhiên vẫn còn không ít nơi ùn ứ cục bộ nhưng nông sản Việt bán qua mạng cho thế giới đã và đang là xu hướng cho rất nhiều địa phương sau hơn 1 năm dịch bệnh hoành hành.
Ở góc độ sản xuất cũng cho thấy mức độ thích ứng rất cao của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.
Một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất kim loại tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 35%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 18,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 15,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,5%...
Nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%; sắt, thép thô tăng 18,4%; xe máy tăng 15,3%; sơn hóa học tăng 14,6%... Dẫn vài số liệu ra để thấy không có sự đứt gãy trong sản xuất tại thị trường Việt Nam, dù các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn chồng chất do dịch bùng phát cả trong nội địa và các thị trường xuất khẩu.
Khó khăn vẫn chồng chất, số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động vẫn tăng nhưng không thể phủ nhận, một trạng thái thị trường mới, hoạt động sản xuất mới, trạng thái tâm lý mới... đã được thiết lập và thích ứng. Đây chính là cơ sở để Chính phủ có thêm dư địa tập trung, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Bình luận (0)