Trách nhiệm của ai ?

Anh Vũ
Anh Vũ
25/07/2020 10:27 GMT+7

Các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu độc lập xác định, mỗi năm Việt Nam thất thu lên tới cả trăm triệu, thậm chí hàng tỉ USD tiền thuế thương mại điện tử.

Trong khi những người làm công ăn lương, cán bộ, bác sĩ... “nai lưng” đóng thuế thu nhập cá nhân, thì hàng loạt cá nhân, tổ chức kinh doanh trên Facebook, Google vẫn kiếm được nghìn tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận nhưng hầu như không đóng một xu thuế nào.
Sự bất công, thiếu bình đẳng này đang gây bức xúc rất lớn trong dư luận và gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, song đánh giá của các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu độc lập xác định, mỗi năm Việt Nam thất thu lên tới cả trăm triệu, thậm chí hàng tỉ USD tiền thuế thương mại điện tử. Các cá nhân, doanh nghiệp bán hàng online, quảng cáo trực tuyến... vẫn ngày đêm hoạt động rầm rộ trên mạng xã hội mà không phải đóng thuế.
Vì sao thực trạng này đã được cảnh báo nhiều năm nhưng đến nay vẫn diễn ra đầy nhức nhối? Phải thừa nhận thu thuế thương mại điện tử không dễ bởi phần lớn những cá nhân kinh doanh online đều không xuất hóa đơn, thường nhận tiền mặt khi giao hàng, nhất là hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, để quản lý doanh thu và xác định được số thuế đối với cá nhân kinh doanh, cơ quan thuế còn rất nhiều công cụ khác trong tay (quản lý dòng tiền, nguồn tiền và các dữ liệu thông tin liên quan).
Chưa nói kinh doanh online không có nghĩa không có kho hàng, con người, địa chỉ kinh doanh cụ thể. Bằng chứng là vụ đột kích, bắt giữ kho hàng lậu tại Lào Cai với 4 ngày kiểm đếm và niêm phong 34 container mới đây. Đáng chú ý, có tới 70 nhân viên được thuê để bán hàng livestream trên Facebook. Mỗi ngày, nhóm này bán 1.000 đơn hàng, doanh thu hằng tháng 10 tỉ đồng...
Điều đó cho thấy, việc thất thu thuế từ thương mại điện tử có trách nhiệm rất lớn từ các cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành thuế. Nếu việc quản lý cơ sở dữ liệu tốt, giám sát chặt chẽ, thanh tra thường xuyên, chế tài mạnh... kết hợp với các ngân hàng để quản lý dòng tiền, chắc chắn sẽ khó bỏ lọt các đối tượng có doanh thu, lợi nhuận “khủng”.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường khi thời gian qua đã phát hiện được một số trường hợp; bắt giữ, xử phạt, khởi tố về hành vi trốn thuế, nhưng với mức doanh thu lên tới hàng tỉ USD mỗi năm của Facebook, Google, YouTube... tại Việt Nam, rõ ràng con số trên chỉ như “hạt cát”. Trong khi đó, tại sao Hàn Quốc có thể buộc Google phải nộp 600 tỉ won (khoảng 500 triệu USD) trước cáo buộc đóng thuế không tương xứng với lợi nhuận kiếm được tại nước này? Tại sao Mỹ truy thu được hàng tỉ USD của Facebook…?
Việt Nam chỉ cần học hỏi kinh nghiệm của những nước đi trước, ứng dụng công nghệ, chữ ký điện tử, ngân hàng là có thể quản lý được chứ chưa cần những sáng kiến, phương thức quản lý mới. Điều mà chúng ta còn thiếu đó là trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân. Ai chây ì, ai để xảy ra vụ thất thu thuế lớn… phải có chế tài xử lý thật nặng; không thể để hàng chục container, kho hàng trốn thuế nằm chình ình giữa thanh thiên bạch nhật mà không ai phải chịu trách nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.