Chấp hết mọi xì xầm, chồng tỏ tình bằng câu 'bà xấu quá bà ơi'

17/09/2019 12:46 GMT+7

Những lời xì xầm ác ý ‘ Hai đứa nó vậy, con nó chắc gì đã bình thường ’ như ngàn lưỡi dao cứa vào tim gan của cặp đôi khuyết tật. Gạt ngoài tai tất cả, vợ chồng anh Vũ, chị Hiếu vẫn hạnh phúc bên nhau.

Vốn không may mắn như mọi người, anh Phạm Phương Vũ (36 tuổi) và chị Trần Thị Ngọc Hiếu (35 tuổi) đều bị khuyết tật sau một trận sốt bại liệt ngày nhỏ. Nhưng phép nhiệm màu đã đến khi hai anh chị nên duyên vợ chồng và có với nhau một bé gái 4 tuổi tên Thục Đoan.
Cuộc sống trong căn nhà trọ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM của anh chị lúc nào cũng rộn tiếng cười nói của cả ba thành viên. Nhưng ít ai biết được, để có ngày hôm nay, anh chị đã phải trải qua nhiều biến cố đến mức nhiều lúc định buông xuôi.

Tỏ tình bằng câu ‘bà xấu quá bà ơi’

Sau một ngày mệt nhoài làm shipper trên chiếc xe chế 3 bánh dành cho người khuyết tật, anh Vũ trở về căn trọ nhỏ khi trời đã tối mịt. Anh vừa đặt cặp nạng vào mé cửa, bé Thục Đoan (4 tuổi) – con gái anh đã vội chạy ra ôm chầm lấy ba. Nhìn con gái, anh Vũ cười hạnh phúc, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết.
Không may mắn như nhiều người khác, năm 3 tuổi anh Vũ bị sốt bại liệt được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng nhưng bỏ luôn ở đó. Sau thời gian điều trị, bác sĩ chuyển anh Vũ qua trung tâm chăm sóc trẻ tàn tật, mồ côi. Khi đủ 18 tuổi, anh xin vào làm ở Công ty 27.7 chuyên về mỹ nghệ. Sau đó anh chuyển qua làm tranh đá cho một công ty và gặp chị Hiếu.
Vừa đúng lúc đó anh Vũ thất tình nên được chị Hiếu động viên. “Không hiểu động viên kiểu gì mà bị dụ yêu luôn”, anh Vũ cười nói.

Căn nhà trọ nhỏ của anh Vũ, chị Hiếu ở Q.Thủ Đức, TP.HCM

Vũ Phượng

Nghe chồng nói vậy, chị Hiếu kể: “Tôi nghĩ khuyên thì khuyên vậy thôi. Mà ổng cứ tối ngày kêu “bà xấu quá bà ơi”. Ổng đi đâu về là cứ hát bài “Bà xã tôi number one” rồi hỏi bà xã đâu rồi một cách tỉnh queo. Tới hồi công ty cho ổng nghỉ vì làm không hiệu quả, ổng buồn so mà hỏi tôi như kiểu hăm dọa “Giờ em có thương anh không? Em nói đi, nếu không thương thì anh lên Đà Lạt anh ở”. Tôi trả lời không thì ổng bảo anh đi rồi mai mốt đừng có khóc. Vậy là ổng khăn gói lên Đà Lạt”.
Suốt thời gian ở Đà Lạt, anh Vũ thường chủ động gọi điện thoại cho chị Hiếu hỏi chuyện, dần dần hai người thương nhau hồi nào không hay. Mỗi tháng một lần, anh Vũ về Sài Gòn thăm chị Hiếu.
Thấy đi lại bất tiện lại tốn kém, chị Hiếu khuyên anh nên chuyển về Sài Gòn tìm việc làm và hai người chính thức trở thành một cặp.
Chị Hiếu tâm sự: “Tôi nhớ nhất là lần ổng chở lên cầu Phú Mỹ, thấy bao nhiêu người đi chơi nắm tay nhau ổng mới quay sang hứa với tôi đủ thứ trên đời. Ngày ấy tôi thấy ổng đơn giản mà dễ thương lắm, hiếu thảo. Dù gia đình bỏ rơi ổng, nhưng từ ngày tìm được gia đình mình, ổng vẫn chạy tới thăm ba mẹ thường xuyên, không trách móc một câu. Tôi hi vọng con gái sau này được thừa hưởng đức tính đó của ba”.

Vượt qua những lời xì xầm ác ý

Sau thời gian tìm hiểu và xác định dài lâu, chị Hiếu đưa anh Vũ về ra mắt gia đình ở Đồng Nai nhưng gia đình chị không chấp nhận cho anh chị quen nhau vì “nhìn anh có vẻ láu cá”. Vì không muốn ba mẹ buồn lòng nên chị Hiếu quyết định dừng lại, đúng thời điểm đó, chị biết mình có Thục Đoan.

Hình cưới của anh chị được đóng khung để làm kỷ niệm

Vũ Phượng

“Lấy hết can đảm, tôi về nói chuyện với gia đình. Mẹ tôi lên tăng xông vì quá sốc. Ba cũng trách tôi rất nhiều vì gia đình gia giáo mà để có bầu trước khi cưới, đó là điều xấu hổ của dòng họ. Nhưng vì muốn con tôi được lớn lên bình thường nên ba mẹ dù không vui trong lòng vẫn để chúng tôi qua lại với nhau. Chúng tôi không làm đám cưới và cũng không đăng ký kết hôn vì muốn đợi đến khi ba mẹ đồng ý chúc phúc mới tổ chức”, chị Hiếu kể.
Theo lời chị Hiếu, từ ngày chị có bầu đến sinh con là những ngày chị chịu áp lực rất lớn từ thái độ của gia đình cho đến những lời xì xầm của hàng xóm. Mắt đỏ hoe, chị Hiếu trải lòng: “Trước mặt mình họ không nói nhưng họ nói sau lưng nên vợ chồng tôi rất là mệt. Họ đem chuyện của chúng tôi ra chợ để nói với nhau rằng hai vợ chồng nó vậy đẻ con chắc cũng vậy. Tôi đòi đến nhà để nói chuyện với họ cho ra lẽ nhưng mẹ không đồng ý nên tôi cố gắng bỏ qua”.
Nhận thấy sự chân thành của anh Vũ, tới năm 2017, ba chị đồng ý cho cả hai tổ chức đám cưới. Cả hai mừng rỡ vì chờ đợi đã lâu, nhưng chưa kịp chọn ngày thì ba chị Hiếu đột quỵ qua đời. Kế hoạch tổ chức bị dời lại đến ngày 2.9.2019, anh chị mới được mặc đồ cô dâu, chú rể trong đám cưới tập thể do Trung tâm hỗ trợ thanh niên, công nhân tổ chức.

Trong đám cưới tập thể, anh Vũ không tin vào mắt mình vì thấy vợ mặc đồ cô dâu quá đẹp

NVCC

Anh Vũ chia sẻ: “Hôm đó vợ tôi mặc đẹp quá nhận không ra luôn. Bình thường ngày nào cũng gặp nhưng không có nghĩ vợ đẹp như vậy. Đây là đám cưới chúng tôi đã chờ đợi từ lâu rồi. Giờ nhớ lại hôm đó tôi còn run, bữa đó ban tổ chức nói phải hôn nhau mà tôi run quá không dám hôn luôn”.
Vì cả hai vợ chồng đều đi lại khó khăn, nên nhiều lần chị Hiếu cũng ứa nước mắt vì những việc đơn giản nhưng cả hai chung tay vẫn không thể làm được. Đó là đợt mưa ngập lịch sử vào tháng 10 năm trước, hết mưa nhưng nước ở khu vực nhà trọ vẫn cứ vậy dâng lên. Tủ lạnh, máy giặt, chăn mền đều bị nước ngập lênh láng.
“Lúc đó hàng xóm đi di tản hết rồi nên chúng tôi không biết nhờ ai. Đến tối mịt, nước vẫn dâng nên chúng tôi mới đi, lúc đó nước đã lên đến ngập bánh xe. Hai vợ chồng không có đứa nào đi đứng vững, lại còn chở thêm đứa nhỏ nữa, tôi bảo với chồng bây giờ mà nó tắt máy xe giữa đường là chỉ có ngồi đó khóc thôi”, chị Hiếu nhớ lại.
Dù cả hai không thể tự giúp chính căn nhà của mình trong cơn mưa ngập nhưng chính những khoảnh khắc bên nhau cùng đi qua lúc khó khăn vậy là điều khiến anh chị luôn cảm thấy hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.