Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 4.6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận được nhiều câu hỏi nóng về điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, những lệch lạc của thị trường bất động sản, người nước ngoài núp bóng người Việt mua nhà...
Tuy nhiên, nhiều câu trả lời của Bộ trưởng chưa làm hài lòng các ĐB, khiến nhiều vị phải giơ biển tranh luận hoặc hỏi lại.
Dư thừa nhà hạng sang, thiếu nhà thu nhập thấp
|
Thừa nhận tình trạng ĐB nêu ra, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết cơ cấu sản phẩm của BĐS tuy chuyển dịch tích cực, nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường. Một số phân khúc trung, cao cấp và các sản phẩm du lịch đã dư thừa, nhưng lại thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. “Hiện nhà ở xã hội mới có 4,8 triệu m2 so với mục tiêu 12,5 triệu m2 vào năm 2020”, Bộ trưởng nói.
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết do thiếu vốn nên hiện còn 226 dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ; nguồn lực tài chính cho thị trường BĐS còn thấp, chủ yếu dùng vốn tín dụng ngân hàng và ứng trước của khách hàng, chủ đầu tư chỉ có khoảng 15%, nên không có nguồn vốn dài hạn, ổn định cho thị trường.
Thêm vào đó, các địa phương cũng chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường BĐS, chưa kiểm soát cung cầu, phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp, chưa phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở. Chậm phát triển nhà ở xã hội cũng có lý do nhiều địa phương chưa quan tâm hỗ trợ, quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội; thiếu nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để cho vay phục vụ nhà ở xã hội.
Việc khống chế lợi nhuận các doanh nghiệp (DN) đầu tư nhà ở xã hội ở mức 10% cũng khiến không nhiều DN mặn mà đầu tư lĩnh vực này. Do đó, thời gian tới Bộ sẽ tham mưu Chính phủ giải quyết căn bản vấn đề này, trong đó nghiên cứu, bổ sung các giải pháp, khuyến khích các DN tham gia xây nhà ở xã hội.
“Có thể có” tình trạng chủ đầu tư chỉ đạo quy hoạch
|
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: "Bộ chưa có thông tin đầy đủ, song không loại trừ quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó". Theo ông, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án "cũng có thể có tác động ở giai đoạn nhất định, bằng biện pháp nhất định". Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi này và trong năm 2019 - 2020 sẽ thanh tra quy hoạch chi tiết một số khu đô thị lớn để kiểm soát tình trạng trên.
Về việc người nước ngoài núp bóng mua nhà dưới tên người Việt, Bộ trưởng nói “chưa nắm được thông tin cụ thể” nhưng đây là vấn đề có thực. "Nội dung này Bộ Công an đã có đánh giá, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Công an xử lý vấn đề này. Đây là việc rất khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát và hạn chế tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài", Bộ trưởng cho hay.
Vì sao cấp hàng ngàn héc ta “đất tâm linh” cho tư nhân ?
Tại phiên chất vấn, nhiều ĐB cũng bày tỏ quan tâm đến đất “tâm linh”, khi trên thực tế, đã có hiện tượng khu du lịch tâm linh được quy hoạch hàng ngàn héc ta đất. “Bộ trưởng cho biết quy hoạch như vậy có nên không, trong khi dân thiếu đất sản xuất, nguồn lực đất đai hữu hạn”, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi.
tin liên quan
Ba Vàng từng khởi công xây chùa ngàn tỉ ở Quảng Nam rồi... ngưngTrả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận việc quản lý loại dự án này có tồn tại là các quy định pháp luật chưa cụ thể rõ đất tâm linh nằm trong quy hoạch du lịch hay quy hoạch đô thị, nên "việc vận dụng ở địa phương còn chưa thống nhất, tùy tiện". Bộ trưởng cũng cho biết “tới đây sẽ có quy định cụ thể hơn”.
Chưa hài lòng về câu trả lời, cuối buổi chất vấn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tiếp tục nêu việc cử tri rất băn khoăn về nhập nhèm công tư: Chùa xây dựng chỉ vài trăm héc ta, nhưng nhà đầu tư được cấp hàng ngàn héc ta, có trường hợp cấp hàng chục ngàn héc ta. Nhà đầu tư xây dựng chùa, nhưng nhà nước bỏ ra hàng ngàn héc ta đất đai, rừng, biển, sau đó dự án thuộc quyền kiểm soát của nhà đầu tư tư nhân. Vậy quy hoạch các khu du lịch tâm linh như thế có hợp lý không, việc khai thác sau đầu tư có hợp lý, hợp pháp hay không?
Câu hỏi của ĐB sẽ được Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời vào phiên chất vấn sáng nay 5.6.
Sáng nay, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời về xử lý 8B Lê Trực và HH Linh ĐàmTại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) và một số ĐB đã chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về việc xử lý dứt điểm vi phạm của công trình 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm. Trả lời việc này, Bộ trưởng cho biết 2 vụ việc đều thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội và Bộ Xây dựng sẽ sẵn sàng phối hợp với Hà Nội trong xử lý.
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Thanh Hồng cho rằng câu trả lời cho thấy sự lúng túng, chưa đúng với vị trí của Bộ giúp Chính phủ thống nhất về quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, xét thấy câu hỏi này phải được Chính phủ trả lời, ĐB Hồng đã chuyển 2 câu hỏi lên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó thủ tướng sẽ trả lời trong sáng nay (5.6).
|
Bình luận (0)