Trong những tháng gần đây, châu Âu đã phải vật lộn để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Trong khi đó, tác động xấu đã và đang được cảm nhận một cách rõ rệt khi giá khí đốt và điện cao hơn, cùng với sự lo lắng cao độ về viễn cảnh rất gần của mùa đông lạnh giá đang cận kề hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh ngày 2.9 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Nga Gazprom tuyên bố đóng vô thời hạn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 tới châu Âu.
Theo Gazprom, việc đóng vô thời hạn đường ống dẫn khí đốt này là do rò rỉ dầu trong tuốc bin sau cuộc kiểm tra chung với nhà sản xuất Siemens Energy vừa qua tại trạm nén Portovaya gần St.Petersburg và sự cố chỉ có thể được khắc phục ở Canada - quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt Nga. Đáng chú ý, ngày 5.9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố vấn đề kỹ thuật cùng với việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 sẽ vẫn tồn tại cho đến khi phương Tây gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã áp đặt với Nga.
Đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức |
Reuters |
Sự gián đoạn đối với nguồn cung khí đốt của Nga cộng với vấn đề năng lượng hạt nhân của Pháp và thủy điện của Na Uy đang tàn phá thị trường năng lượng của châu Âu và đẩy giá cả tới mức siêu thực. Vào tuần trước, giá khí đốt tự nhiên chuẩn đã tăng 30%. Mùa hè năm ngoái, các hợp đồng mua điện trước năm của Pháp và Đức được giao dịch ở mức 100 euro (tương đương 118 USD) cho mỗi megawatt giờ. Gần đây, giá này đã tăng phi mã lên đến 1.000 euro (1.180 USD).
Tập đoàn Shell đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ còn kéo dài qua cả mùa đông năm nay bất kể các nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc lấp đầy các bể chứa của mình.
Các hộ gia đình trên khắp châu Âu sẽ phải vật lộn với chi phí năng lượng, thực phẩm và nhà ở ngày càng cao trong mùa đông này. Nếu lạm phát và đặc biệt là giá năng lượng tiếp tục diễn ra như hiện nay, nhiều người sẽ rơi vào cảnh nghèo đói và túng quẫn, không thể trang trải những nhu cầu thiết yếu.
G7 - Nga và cuộc chiến năng lượng tiếp tục ‘tăng nhiệt’ |
Bên cạnh đó, tình trạng mất điện do thiếu năng lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp châu Âu, làm giảm khả năng cạnh tranh công nghiệp của châu lục này. Quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu cũng bị ảnh hưởng nếu họ tìm cách thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga bằng các nguyên liệu hóa thạch, khiến cho các mục tiêu về khí hậu của châu Âu rơi vào tình thế nguy hiểm. Việc châu Âu tuyên bố đi đầu thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có vẻ ngày càng xa vời hơn bao giờ hết.
Do đó, các chính phủ châu Âu đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để có thể đối phó với một mùa đông giá lạnh phía trước, cũng như tương lai một cuộc khủng hoảng năng lượng đang cận kề.
Tăng nguồn cung quốc gia
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp châu Âu đang tập trung vào việc tăng nguồn cung quốc gia thông qua các thỏa thuận song phương nhằm đảm bảo năng lượng từ nhà cung cấp thay thế như Algeria, Canada, Na Uy, Azerbaijan, Qatar cũng như nguồn cung khí hóa lỏng từ Mỹ. Tuy nhiên, khí hóa lỏng lại đắt hơn nhiều.
Trong khi đó, Đức đang duy trì hoạt động của các nhà máy than mà trước đó đã có kế hoạch đóng cửa, đồng thời có thể kích hoạt lại 2 nhà máy hạt nhân sắp đóng cửa để bổ sung thêm nguồn năng lượng.
70.000 người biểu tình ở thủ đô CH Czech vì giá năng lượng tăng, phản đối EU, NATO |
Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu cũng đang thảo luận về cách xây dựng các đường ống vận chuyển khí đốt qua các quốc gia Nam và Trung Âu, tuy nhiên, do đầu tư không đủ và sự khác biệt về tiêu chuẩn đã phần nào gây cản trở dòng chảy năng lượng. Hơn nữa, họ cũng cần phải đạt được thỏa thuận phân chia năng lượng hợp lý, tránh trường hợp để các quốc gia tích trữ năng lượng cho riêng mình.
Tăng cường dự trữ và tiết kiệm năng lượng
Trong nhiều tháng, châu Âu đã tăng cường dự trữ năng lượng cho những tháng lạnh hơn. Theo dữ liệu từ Cơ sở Hạ tầng Khí châu Âu, các cửa hàng nhiên liệu hiện đã lấp đầy 82% công suất - vượt quá 80% mục tiêu mà các quốc gia đặt ra trước tháng 11.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang xem xét một cách nghiêm túc việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn. Hồi tháng 7 vừa qua, 27 quốc gia thành viên EU đã thông qua kế hoạch giảm sử dụng khí đốt 15% vào tháng 3. 2023, tương đương với số tiền mà các chuyên gia cho rằng sẽ cần để bù đắp cho lượng khí đốt của Nga bị thất thoát. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ mang tính tự nguyện trong khi hiện nay có vẻ Đức vẫn còn đang khá miễn cưỡng trong vấn đề này.
Người dân Stockholm bước đi ngoài trời tuyết |
AFP |
Hỗ trợ cho người dân
Nhiều chính phủ châu Âu đã thông qua các biện pháp hỗ trợ và trao tiền mặt cho các hộ gia đình khó khăn và giảm thuế. Trong đó, Đức đã thông qua gói hỗ trợ thứ ba trị giá 65 tỉ euro (64,3 tỉ USD) để giúp các hộ gia đình và công ty đối phó khi lạm phát tăng cao.
Các quốc gia châu Âu cũng đang tiến hành nhiều bước đi khác. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết một đề xuất mới sẽ bao gồm giới hạn giá khí đốt tự nhiên và các biện pháp có thể giảm giá điện từ khí đốt đã được đưa ra.
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss đang chịu áp lực rất lớn trong việc tuyên bố giúp đỡ nhiều hơn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp khi hóa đơn năng lượng tăng cao hiện cũng đang xem xét một gói trị giá 100 tỉ bảng Anh (115 tỉ USD) để hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho người dân.
EU từ bỏ kế hoạch áp trần giá khí đốt Nga |
Hành động tập thể
Theo các chuyên gia, các quốc gia thành viên EU sẽ “chìm trong vùng nước đầy biến động” nếu tiếp tục tiếp cận cuộc khủng hoảng năng lượng một cách riêng lẻ thay vì tập thể. Một kế hoạch về năng lượng cần phải diễn ra ở toàn châu Âu chứ không phải riêng lẻ ở từng chính phủ và cần phải cùng nhau xem xét một cách chiến lược các nguồn lực chung để cùng điều phối trước mùa đông. Nếu không làm tốt, đây có thể là hạt mầm gieo rắc sự chia rẽ hơn nữa trong EU.
Điều quan trọng nhất lúc này là các quốc gia EU cần phát triển một chiến lược chính sách đối ngoại để xây dựng một mạng lưới rộng lớn mối quan hệ với các nước thứ ba để tạo cơ sở cho một tương lai bền vững và an toàn hơn về năng lượng. Chẳng hạn, EU nên tăng cường đầu tư vào các chương trình đồng đổi mới và tăng cường hợp tác về các sáng kiến năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng ở các nước phía đông và ở châu Phi để xây dựng các nguồn năng lượng xanh đáng tin cậy. EU cũng nên hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong các ngành công nghiệp chủ chốt ở các nước đối tác, hạn chế quyền tiếp cận các chuỗi cung ứng và tài chính của châu Âu đối với các công ty không tuân theo các tiêu chí xanh khắt khe hơn.
Theo Reuters, ngày 9.9, các bộ trưởng năng lượng của EU tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về các kế hoạch giúp bảo vệ người dân châu Âu khỏi điều tồi tệ nhất của đợt tăng giá năng lượng, trong đó có đề cập đến cơ chế tách giá điện khỏi giá khí đốt tự nhiên bán buôn và cung cấp tín dụng khẩn cấp cho các công ty năng lượng có nguy cơ phá sản.
Bất kể kịch bản chính xác là gì, mùa đông sắp tới chắc chắn là thách thức lớn nhất mà châu Âu từng chứng kiến trong nhiều thập niên qua. Chỉ bằng cách cùng nhau phối hợp trong chính sách đối ngoại chứ không phải phản ứng riêng lẻ của từng quốc gia, châu Âu mới có thể cùng nhau hướng tới một tương lai đảm bảo về an ninh năng lượng bền vững.
Bình luận (0)