Trong chương trình, Châu Đăng Khoa thừa nhận Phạm Toàn Thắng là nghệ sĩ Việt Nam ảnh hưởng đến mình nhiều nhất. Thậm chí, nam khách mời khẳng định vì Phạm Toàn Thắng mà anh muốn trở thành nhạc sĩ. “Ngày xưa, khi tôi xem Bài hát Việt, tôi thấy anh ấy trên sân khấu hát một bài mình sáng tác. Tuy anh ấy không hát hay lắm nhưng anh ấy rất tận hưởng với phần biểu diễn đó. Tôi cũng muốn giống ảnh, cũng muốn được đứng trên sân khấu này", Châu Đăng Khoa giải thích.
|
Châu Đăng Khoa thừa nhận bản thân sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật khi mẹ là ca sĩ phòng trà, bố tham gia khiêu vũ. Tuy nhiên, việc theo đuổi gặp nhiều khó khăn nên phải từ bỏ để tìm kiếm một công việc khác. Vì vậy, dù cho nam nhạc sĩ học nhạc nhưng gia đình muốn anh thi vào ngành kinh tế để có thể trở thành nhân viên ngân hàng. “Tôi học song song với nhạc viện nhưng giấu không cho bố mẹ biết. Đến năm 2013, bố mẹ hỏi tôi sắp tốt nghiệp chưa để về quê, tôi có xin cho mình một năm để cố gắng vì nghệ thuật, nếu không được tôi sẽ về. Một năm trôi qua tôi vẫn chưa nổi tiếng. Nhiều khi tôi nghĩ cuộc đời tôi nếu không làm nghệ thuật thì tôi sẽ chẳng làm gì. Mở mắt ra tôi chỉ có âm nhạc chứ không để ý đến thế giới xung quanh", anh kể lại.
|
Châu Đăng Khoa cho biết sẽ làm cho một người nổi tiếng nếu họ có giọng hát hay theo đúng tiêu chuẩn riêng của anh. “Tôi không thích những người hát giỏi. Tôi thích những người hay và có màu sắc đặc biệt. Hầu hết những ca sĩ nổi tiếng hiện tại đều không phải là người hát hay nhất nhưng họ đặc biệt, có cái riêng và khiến người ta nhớ. Bên cạnh đó, có hay không tiềm lực tài chính cũng quyết định nhiều lắm. Như hiện tại, không một ai khẳng định bài này sẽ thành hit, nhưng sẽ có mức sàn để đảm bảo chất lượng. Trung bình một bài hát của tôi bây giờ khoảng 7.000 USD (khoảng 150 triệu), bao gồm chi phí sản xuất bài hát", anh tiết lộ.
Theo Châu Đăng Khoa, so về giá ca khúc hiện nay thì con số 150 triệu đồng là lớn. Đó là chưa kể đến việc thực hiện một MV ấn tượng có giá tầm 1 tỉ đồng. Đồng thời, các hoạt động khác như họp báo, quảng cáo... cũng mất khoảng 20.000 USD. “Đó chính là chi phí cơ bản để có sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo, ra mắt ấn tượng để người ta sẽ nhắc đến mình. Nhưng chúng ta có thể liệu cơm gấp mắm. Vì có những trường hợp sản phẩm đầu tư ít tiền vẫn thành hit. Cái đó phải xem thời vận của bạn như thế nào", anh thẳng thắn.
|
Đồng thời, theo Châu Đăng Khoa, việc đứng trên sân khấu làm người trẻ không nhìn thấy hiện thực gồ ghề xung quanh. Vì vậy, khi làm giám khảo các cuộc thi ca hát, anh luôn thẳng thắn nhận xét để mọi người biết được thực tế của nghề. “Nếu như ca sĩ không có ngoại hình thì phải tính thêm chi phí phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện bề ngoài. Hiện nay, giọng hát của ca sĩ quan trọng hơn ngoại hình. Vì tôi thấy nhiều ca sĩ đẹp nhưng hát không được thì cũng không nổi. Dù sao là ca sĩ phải hát hay, bởi đó là điều giữ mọi người ở lại. Bên cạnh đó, các bạn phải tìm được ca khúc hay, phù hợp nữa. Còn ngoại hình chỉ xếp sau thôi", anh chia sẻ.
Theo quan điểm của Châu Đăng Khoa, nếu làm nghệ thuật mà không nổi tiếng thì “tôi cảm thấy rất đáng thương". Tuy nhiên, nam ca sĩ khẳng định: “Tôi chưa bao giờ bất chấp làm điều gì tồi tệ cả. Tôi chỉ biết cố gắng thôi. Vì bố tôi nói rằng: “Sau này con làm gì không quan trọng. Dù có là người chà nhà vệ sinh thì cũng phải là người chà sạch nhất". Tôi nhớ mãi không quên nên cố gắng chiến thắng bản thân mình cái đã. Làm giám khảo chương trình, tôi cũng muốn chọn những bạn khát khao chiến thắng mạnh hơn vì họ sẵn sàng thay đổi để thành công".
Bình luận (0)