Đông thấy... ớn lạnh
Tối 6.7, UBND TP.Thủ Đức ra công văn yêu cầu tạm dừng hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ đầu mối Thủ Đức để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Quy định này sẽ được thực hiện từ 8 giờ ngày 7.7 và chậm nhất 20 giờ cùng ngày phải vận chuyển hàng hóa ra khỏi chợ.
Từ khoảng 22 giờ ngày 6.7, trước “giờ G”, đoạn đường 3 km từ cầu vượt Gò Dưa (P.Tam Bình, TP.Thủ Đức) đến cầu vượt ngã tư Bình Phước (P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) rơi vào tình trạng kẹt xe cục bộ. Hàng trăm xe tải, container, xe ba gác rồng rắn nối đuôi nhau dồn về điểm chợ đầu mối Thủ Đức.
Đỉnh điểm lúc 23 giờ, lượng xe nối dài, ồ ạt đổ về. Người lưu thông xe máy phải leo lề, lấn làn, bóp còi inh ỏi để chạy qua. Nhiều tài xế lái xe ba gác nhích từng chút một trong làn xe, than ngắn than dài: “Đông gì đâu mà thấy ớn lạnh”.
Ngay đầu cổng chợ cũng “rối rắm” không kém. Xe tải xếp hàng dài chờ khai báo y tế và đo thân nhiệt. Lực lượng bảo vệ “toát mồ hôi” phân luồng, hướng dẫn, liên tục phát loa thông báo xe máy không được vào trong, người dân không được tụ tập trước cổng. Những người lấy hàng nhỏ lẻ phải chạy bộ vào trong các ô vựa, cõng hàng ra cổng, vừa đi vừa í ới với bạn hàng khác: “Đi bộ vào, lấy hàng nhanh, hốt được nhiêu thì hốt vì đông quá mà sắp đóng cửa tới nơi rồi”.
Ông Vũ Hồng Dũng, Trưởng công an P.Tam Bình (TP.Thủ Đức), cho biết vì lượng xe quá đông, đồng thời để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 nên đêm 6.7, đã có nhiều lực lượng phối hợp với nhau để điều phối giao thông, bảo đảm an ninh trật tự như lực lượng dân phố, Công an P.Tam Bình, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, và tổ công tác 363 - Công an TP.Thủ Đức.
Tình trạng này, theo Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức ông Nguyễn Nhu giải thích, do chợ sắp tạm ngưng hoạt động nên một lượng lớn thương lái, người mua bán đổ dồn về tranh thủ mua hàng theo kiểu “hốt cú chót”, gây ra tình trạng ùn tắc.
Ngoài ra, đêm 7.7 là ngày 27 âm lịch. Nhiều tiểu thương cho hay chuẩn bị bước vào ngày “chợ cúng” (đây là từ mà người dân buôn bán thường dùng, chỉ lượng hàng hóa trong chợ ngày này sẽ nhiều hơn thường ngày để đáp ứng cho việc cúng kiếng vào mùng 1 và ngày rằm hằng tháng - PV).
|
Tới đâu thì tới
Với “guồng máy” thông thường, các tiểu thương và lực lượng bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa trong chợ sẽ làm việc vào 2 khung giờ cao điểm: từ 22 - 0 giờ và từ 1 - 3 giờ. Thành thử, họ có thể nghỉ ngơi từ lúc 0 - 1 giờ khuya.
Thế mà trong đêm 6.7, mọi việc tại các khu nhà lồng chợ diễn ra hết công suất. Nhìn đâu cũng thấy người người ăn vội ổ bánh mì, uống ngụm nước rồi làm việc luôn tay, hy vọng “được nhiêu vét nhiêu” trước khi mặt trời ló dạng.
“Tháp logo” (tên người trong chợ gọi tháp đồng hồ công cộng - PV) đã điểm 2 giờ sáng ngày 7.7. Khu chợ vẫn chật như nêm, tất cả tiểu thương và lực lượng bốc xếp - vốn chiếm số đông trong chợ - chỉ còn vài tiếng nữa để rời khỏi nơi này.
|
Bà Tạ Thị Hồng Vân (51 tuổi) là bốc xếp tự do. Trong tiếng ồn ã chất hàng lên xe và tiếng sột soạt của xé băng keo các thùng xốp…, bà ngồi bần thần đối diện khu A của chợ chờ đến giờ kéo hàng cho mối quen.
Bà Vân kể nghề bốc xếp với bà đủ sống, hồi xưa làm ăn “thịnh” đến độ hôm nào cũng kéo được 300.000 - 400.000 đồng. “Có hôm được cỡ 500.000 đồng/ngày. Đó là kéo bán chết bán sống, theo kiểu buông cái xe xuống mới biết mình còn thở đó”, bà nói. Nhưng tuổi càng cao, lại bị bệnh tim nên giờ bà Vân “mần” (làm) hết nổi. Chưa kể, dịch giã làm bà “te tua”, thậm chí nhiều khi tiền xoay xở không đủ miếng ăn hằng ngày.
“Dạo gần đây chợ hơi ế, từ khi siết chặt phòng dịch Covid-19, có đêm tôi kéo cũng được 150.000 đồng nhưng cũng có khi như tối nay, tới giờ vẫn chưa có ngàn nào. Rất nhiều mối của tôi bị kẹt trong khu phong tỏa nên không đến chợ được. Hôm nay tôi chỉ có một mối vào chợ lúc 3 giờ thôi, nên vẫn đang ngồi đợi. Chợ tạm ngừng, chưa biết khi nào mở lại, tôi cũng như bà con bốc xếp ở đây đành chôn chân thôi, không đi lại làm để mưu sinh được nữa”, bà Vân thở dài.
Chồng bà Vân cũng lái xe ba gác chở hàng trong chợ đầu mối, còn hai đứa con bà đã lớn, người đầu bị ung thư máu, người sau làm công nhân. Cơn bão Covid-19 ập tới, cả gia đình bà chỉ thấy hao hụt, thất thu. “Giờ chợ đóng cửa, hai vợ chồng tôi ở nhà luôn. Hai hôm trước, tôi có mua một ít đồ ăn dự trữ. Mình phải ăn hà tiện một chút, chứ tiền trọ một tháng cũng hơn 2 triệu đồng. Tháng này, bên tôi không có giảm tiền trọ, chủ trọ có cho 10 kg gạo thôi”, bà Vân chia sẻ.
Người phụ nữ có “thâm niên” gần 20 chục năm nghề bốc xếp này rành rẽ từng đường đi nước bước trong chợ, giờ nào đông, giờ nào vãn, khi nào người đi chợ mua lẻ... Nhịp sống, không khí trong chợ và những món hàng ở khu nhà lồng là “máu thịt” của bà. Lắm khi ở chợ riết… “chán tới tận gai ốc”, chỉ mong tới trời sáng về ngủ, thế mà giờ nhìn quanh bà lại thấy bồi hồi. Người người cứ đi đi lại lại, tiểu thương, người mua bán nhỏ lẻ cuống cuồng như “chạy bão”, bà Vân không khỏi nghĩ ngợi, lần này quày quả đóng cửa, biết khi nào hết dịch để quay trở lại kéo xe? Và rồi cuộc vật lộn mưu sinh phía trước sẽ ra sao?
Bà cũng không khỏi kỳ vọng vào gói hỗ trợ Covid-19: “Hôm trước tôi có nghe TP.HCM sẽ hỗ trợ cho lao động tự do. Tôi mong sao gói hỗ trợ đến tay người dân sớm, dẫu tiền không nhiều nhưng cũng đỡ phần nào đó trong cơn hoạn nạn này”.
|
“Sẽ không có việc để làm”
Đồng hồ điểm 3 giờ 30, khu chợ A chuyên ngành hàng trái cây vẫn vang dội tiếng “xả hàng” 500.000 đồng/rổ, 300.000 đồng/rổ… của các tiểu thương.
Ông Phan Văn Phong (57 tuổi) lọt thỏm sau lớp người, hai tay ghì xe kéo, thở hổn hển sau chiếc khẩu trang nhàu nhĩ. Ông nói kéo “muốn hết hơi”, buồn ngủ, mắt cứ díu lại mới kiếm được 500.000 đồng, giờ ông vẫn nán lại thêm vài tiếng để kiếm thêm.
Rời những mảnh ruộng quê nhà ở H.Phù Mỹ (Bình Định) chừng hơn 2 tháng nay, ông Phong và vợ vào TP.HCM vì nghĩ ở đây sẽ có việc. Qua người thân giới thiệu, ông vào chợ đầu mối Thủ Đức kéo xe tự do, còn vợ ông cũng đi lột hành, tỏi cho thương nhân trong chợ. Ai ngờ, đợt dịch này “văng” xuống, lần di cư đến thành thị của ông như… cuộc phiêu lưu vô định.
Hỏi ông Phong điều gì ở nghề này khiến ông khó thích nghi nhất, ông nói ngay: “Chuyện thức khuya”. Dẫu nhiều lần chán ngán, ám ảnh tột cùng vì không quen giấc, nhưng vì mưu sinh, ông không có lựa chọn khác. Những lúc quá buồn ngủ, ông cố kéo xe đi các ô vựa hỏi ai cần kéo hàng, vì kéo hàng là sẽ “tỉnh người”.
“Ngày mai đóng cửa ở đây rồi sẽ không có việc để làm, tôi chỉ biết nằm nhà đợi. Còn hôm nay chợ đông, mình phải tranh thủ kéo, kiếm vài ba trăm ngàn để ăn no, dành dụm cho những ngày sau nữa, tới đâu thì tới thôi”, ông Phong thì thầm.
Chúng tôi ngước nhìn “tháp logo” điểm 4 giờ 30, không còn cảnh kẹt xe kinh hoàng nữa, một số người trong lực lượng trực chốt đã thấm mệt, ngủ gục tại chốt. Xung quanh chúng tôi, người ra vô vẫn tấp nập. Ai cũng đã kiên nhẫn đến tàn canh.
(còn tiếp)
Bình luận (0)