Đau nhức ống chân do vận động còn có tên gọi khác là đau xương cẳng chân. Cơn đau có thể là đau âm ỉ hoặc đau nhói dữ dội. Trong một số trường hợp, dù người mắc đã ngưng tập luyện nhưng cơn đau vẫn kéo dài, trong trường hợp nặng có thể khiến tạm thời không đi lại được, theo The Healthy.
Đau xương cẳng chân có thể xuất hiện ở mọi lứa tuối, cả người mới tập lẫn tập lâu. Những đối tượng có nguy cơ cao bị đau xương cẳng chân là người chạy bộ, đi bộ quãng đường dài, vũ công, người chơi bóng chuyền, bóng rổ hay tennis.
Nguyên nhân gây đau xương cẳng chân là do các động tác lặp đi lặp lại gây áp lực lên cơ và xương, dẫn đến viêm ở cẳng chân, theo Viện Phẫu thuật chỉnh hình Mỹ.
Trong hầu hết trường hợp, đau xương cẳng chân có thể tự điều trị tại nhà. Điều trước tiên cần làm là phải nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là tạm ngưng tập luyện để cơ, xương vùng cẳng chân có thời gian hồi phục.
Nếu muốn duy trì thể lực, tùy theo mức độ nặng mà người mắc cũng có thể tập luyện hay không. Tuy nhiên, các bài tập đó phải nhẹ nhàng và ít gây sức ép đến vùng cẳng chân, chẳng hạn như đạp xe trên máy, theo The Healthy.
|
Một số phương pháp khác như chườm lạnh, xoa bóp cũng có thể giúp giảm đau và thúc đẩy quá trình phục hồi.
Khi cơn đau đã giảm, mọi người khi tập lại cũng phải cẩn thận. Vì khi đó, cẳng chân vẫn chưa hết hẳn chấn thương và sức mạnh cơ xương vẫn chưa khôi phục. Tập lại với cường độ quá cao sẽ làm tăng nguy cơ cơn đau tái phát.
Một trong những dấu hiệu đáng tin cho thấy cơ xương ở vùng cẳng chân đã phục hồi là có thể vận động lại bình thường mà không thấy đau. Chẳng hạn, người mắc nhảy trên một chân hoặc chạy bộ mà không thấy đau.
Để ngăn ngừa và tránh nguy cơ tái phát đau xương cẳng chân, người tập không nên tăng cường độ vận động một cách đột ngột mà tăng từ từ để cơ thể thích ứng. Ngoài ra, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc để cơ thể có đủ thời gian phục hồi, theo The Healththy.
Bình luận (0)